Nhân ngày toàn dân Phòng cháy chữa cháy 4-10:

Tiền thiếu, ý thức yếu: Cháy lớn là… “chết” thôi!

ANTĐ - Có câu “nhất thuỷ, nhì hoả”, thế nên sức huỷ diệt của “bà hoả” thì khỏi phải bàn. Để giảm thiệt hại do thảm hoạ lửa, rõ ràng phòng là quan trọng nhất. Nhưng muốn phòng được thì phải có tiền, kèm theo ý thức, kể cả dân trí và… quan trí!

Nguy cơ cháy nổ chả kém gì… bom nguyên tử

Điển hình của sự thiếu hiểu biết, ý thức kém là vụ cháy ở cây xăng đầu đường Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội, ngày 3-6-2013.

Trong khi lực lượng PCCC đang xả thân áp sát chiếc xe bồn ngụt ngụt cháy để chữa cháy, thì vô số người dân vây xung quanh để xem!

Trung tướng Tô Thường, Tổng cục trưởng; Thiếu tướng Trần Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an), Đại tá Đoạt Việt Mạnh, tân Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH

Một số chuyên gia về phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho biết, vô cùng may mắn là đã khống chế được ngọn lửa, không để lan ra xung quanh. Xăng cũng không bị trào ra hệ thống cống. Nếu xăng bị tràn vào hệ thống thoát nước thì có thể gây cháy nổ trên địa bàn cả quận. Hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc, chả kém gì bom nguyên tử...

Vụ cháy tại cây xăng ở đường Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội, là tiếng chuông báo động khẩn cho công tác an toàn PCCC

Thiếu trầm trọng lực lượng và phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

Tư duy lệch lạc, mê tín

Hoàn thành ngôi nhà mới được một thời gian, tôi quyết định trang bị mỗi tầng một bịt bột chữa cháy. Nghĩ là làm, tôi đến ngay cơ sở bán trang thiết bị bảo hộ, PCCC mua liền 4 bình bột loại lớn; nhân thể sắm luôn chiếc bình nhỏ để trên ô tô. 
Về nhà, đang say sưa hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình các kỹ năng tối thiểu để sử dụng bình bột, thì bà hàng xóm lao sang “hỏi thăm”.

“Nhà mới, xe mới, sao lại mang cả đống bình cứu hoả về thế này. Không sợ đen đủi, run rủi à?” – bà hàng xóm bô bô. “Là sao bác?”, tôi ngơ ngác. “Thì đó, xưa nay người ta kiêng kiểu này, nhà mới ai lại mang bình cứu hoả về, sợ bị dớp… cháy thì sao?”. “Ơ đây là để phòng ngừa, nếu lỡ gặp sự cố không có bình chữa cháy thì ngồi khóc à? Ở nước ngoài, nhà nào cũng thấy có bình chữa cháy để sẵn, thế thì nhà họ cháy hết à bác?”. Bị truy ngược, bà hàng xóm bảo thủ chống chế: “Tôi không biết! Xưa nay các cụ bảo có kiêng có lành!”

Chịu, không thể tranh luận với những người có kiểu tư duy này. “Không sao, dự phòng mà. Nếu lỡ nhà bác bị sự cố cháy thì cứ qua, cháu cho mượn bình chữa cháy”. Nghĩ thế nhưng cấm có dám nói ra, sợ bà hàng xóm lu loa lên như cháy nhà thì mệt lắm.

Vũ Tuấn Anh

(Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội)

Trong cuộc gặp gỡ báo chí nhân "Ngày toàn dân PCCC 4-10", tân Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, thuộc Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an, Đại tá Đoàn Việt Mạnh, cho biết: “Hiện nay, lực lượng PCCC thiếu nhiều so với thực tiễn, mạng lưới đội Cảnh sát PCCC trên cả nước quá mỏng. Cả nước mới có 169 đội Cảnh sát chữa cháy, 35 đội cứu nạn, cứu hộ, trong đó có 42-63 tỉnh thành (66,7%) chỉ có 1 đến 2 đội Cảnh sát chữa cháy. Theo quy định, một đội Cảnh sát chữa cháy chuyên nghiệp hoạt động hiệu quả nhất chỉ trong bán kính 5km, nhưng thức tế nhiều đám cháy xảy ra cách đội Cảnh sát chữa cháy hàng chục, thậm chí hàng trăm km.

Bên cạnh đó, các phương tiện vừa thiếu, vừa cũ, kém chất lượng. Tính đến đầu năm 2013, toàn lực lượng Cảnh sát PCCC đang quản lý, sử dụng 1.730 phương tiện chữa cháy cơ giới, trong đó có 887 xe chữa cháy, 37 xe cứu hộ, 75 xe thang, 300 xe chuyên dùng khác, 388 máy bơm và 43 tàu, ca nô, xuồng cấp cứu, cứu nạn, cứu hộ. Trong số 1.730 phương tiện chữa cháy cơ giới, có tới 62,9% là chất lượng trung bình, kém; 4,7% hư hỏng chờ thanh lý; chỉ có 32,4% phương tiện chất lượng tốt; số phương tiện đã sử dụng trên 10 năm chiếm 60%, sử dụng trên 20 năm chiếm 28%. Vì thế khi lực lượng Cảnh sát chữa cháy đến được hiện trường thì đám cháy đá phát triển lớn, gây rất nhiều khó khăn cho công tác cứu chữa, làm thiệt hại lớn đến tài sản nhà nước, nhân dân”.

“Nói thật, nhiều khi có phương tiện cũng không dễ để sử dụng đâu nhé”. Trung tướng Tô Thường, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an, tiếp lời tân Cục trưởng Đoàn Việt Mạnh. “Như mấy toà nhà cao tầng chẳng hạn. Xe chữa cháy, xe thang cứu hộ muốn vươn được lên mấy chục tầng thì phải xoè hệ thống chân thăng bằng ra xung quanh, nếu không xe lật ngay. Nhưng hạ tầng thường không có đủ chỗ, nơi có đủ chỗ thì chất lượng xây dựng không đảm bảo đủ chịu lực. Nếu triển khai loại xe này, đường, cầu cống sập hết…”, Trung tướng Tô Thường chia sẻ.

Phải truy đến cùng trách nhiệm các vụ cháy lớn

“Tội ác của Lê Văn Luyện đúng là ghê rợn, dã man, vì đã giết mấy mạng người một lúc.  Báo chí, dư luận sôi sục, nói đi nói lại cả năm trời về Lê Văn Luyện, rồi còn đòi sửa cả luật để trừng trị thủ phạm. Trong khi đó, có những vụ cháy gây ra cái chết khoảng 20 người, nhưng bị lãng quên rất nhanh. Vì sao thế? Lẽ ra phải truy đến cùng trách nhiệm của người đứng đầu nơi để xảy cháy. Chính vì không truy đến cùng, không có người phải chịu trách nhiệm, nên các vụ cháy lớn, thảm hoạ lớn, người ta quên rất nhanh, và rồi lại cháy tiếp”, Trung tướng Tô Thường nêu quan điểm quyết liệt.

Thúc đẩy phong trào toàn dân PCCC

Ngày 17-8-2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1110 phê duyệt Đề án “Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, với số tiền dự tính đầu tư rất lớn nhằm bổ sung quân số, trang thiết bị phương tiện chữa cháy, CNCH, theo hướng chuẩn quốc tế. Dù hiện nay rất thiếu tiền để triển khai theo quy hoạch này, nhưng theo Trung tướng Tô Thường, có được chủ trương, định hướng đúng là rất tốt rồi. Đó là cơ sở để từng bước hoàn thiện mô hình tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH trên cả nước. Cùng với việc nâng cao được ý thức PCCC của cả dân trí và... quan trí, những thảm hoạ do “bà hoả” sẽ giảm bớt, và nếu có không may xảy, cũng sẽ được nhanh chóng khống chế, giảm tối đa thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp và nhà nước.

1.920 vụ cháy, 32 người chết!

9 tháng đầu năm 2013, cả nước xảy ra 1.920 vụ cháy các cơ sở, nhà dân, phương tiện giao thông cơ giới, cháy rừng, làm chết 32 người, 99 người bị thương, thiệt hại tài sản trị giá 780 tỷ đồng (chưa tính vụ cháy Trung tâm thương mại Hải Dương) và 745ha rừng. Nguyên nhân cháy: Do sự cố hệ thống điện, và thiết bị điện 826 vụ (43%), sơ xuất trong dử dụng lửa, xăng dầu và khí đốt 353 vụ (18,4%), nguyên nhân khác (sự cố kỹ thuật, do đốt, vi phạm quy trình, quy định an toàn PCCC, tai nạn giao thông và tự cháy…) 200 vụ (10,4%). Còn lại 541 vụ cháy chưa rõ nguyên nhân (28,2%).

20 vụ cháy lớn, gây thiệt hại trên 600 tỷ đồng. Đây là thiệt hại trực tiếp, nếu tính cả thiệt hại gián tiếp gây ra, thì giá trị thành tiền sẽ cao hơn rất nhiều lần. Cháy lớn tuy chỉ chiếm 1% số vụ, nhưng thiệt hại tài sản lại chiếm tới 80%, tổng thiệt hại gây ra. Qua phân tích cho thấy tình hình cháy lớn vẫn có những diễn biến phức tạp, do nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hoá chưa quan tâm đúng mức và tuân thủ chặt chẽ các quy định về công tác an toàn PCCC; khả năng phát hiện và xử lý tình huống cháy ban đầu của lực lượng PCCC tại chỗ và của người dân còn yếu, thời gian xảy cháy thường vào ban đêm, ngoài giờ hành chính.

(Nguồn: Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an)