Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng: Phải chấm dứt ngay kiểu thu phí BOT "như trấn lột"

ANTD.VN - Ngày 8/9, phát biểu tại tọa đàm "Dự án BOT - Chính sách và giải pháp" do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Viện nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển tổ chức, TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, đang tồn tại tình trạng “thu phí BOT như kiểu trấn lột”. 

Nhấn mạnh các trạm BOT đang là vấn đề nóng, nếu không sớm xử lý thì những bất ổn xã hội có thể xảy ra, TS Nguyễn Sỹ Dũng đề nghị nên xem xét các nhà đầu tư BOT như một thương quyền; chỉ có những doanh nghiệp nào đảm bảo chất lượng tốt, giá rẻ nhất mới được cho quyền khai thác.

Ông cũng cho rằng, cần phải đảm bảo tính công bằng, bình đẳng các thành phần tham gia. Hiện nay, các dự án BOT được đầu tư xây dựng ở khắp nơi, nhưng những đối tượng tác động lớn nhất là người dân và những nhà kinh doanh vận tải, tức những người chi tiền để trả phí BOT chưa được đảm bảo quyền lợi. 

Rất nhiều trạm thu phí dự án BOT đặt nhầm chỗ bị người dân phản ứng gay gắt thời gian qua

Ông Nguyễn Sỹ Dũng đề nghị, cần phải sớm xử lý và giải quyết các nút thắt, bất cập trong quản lý, vận hành các dự án BOT hiện nay, đảm bảo tính công bằng các của bên liên quan.

Trước hết, cần chấm dứt ngay việc thu phí BOT như kiểu "trấn lột" như hiện nay. Tình trạng người dân không qua đường BOT, làm đường ở một chỗ nhưng trạm thu đặt trên một con đường khác và vẫn bắt người dân nộp phí là bất hợp lý cần phải chấm dứt ngay. 

TS Nguyễn Sỹ Dũng cũng cho rằng, tình trạng đặt trạm thu phí và bắt người dân xung quanh phải đóng phí khi đi qua cũng không hợp lý và cần phải sớm chấm dứt. 

Tiếp đó, phải chấm dứt ngay tình trạng "tráng men" lại đường bộ đã có nhưng thu phí đường BOT. Bởi người dân đã phải chi tiền để trả phí bảo trì đường bộ, nguồn tiền ấy cần được sử dụng vào việc bảo trì đường, nhưng hiện nay nguồn tiền ấy được sử dụng như thế nào vẫn chưa được giải trình rõ.

Cùng đó, để minh bạch hoạt động của các nhà đầu tư BOT, quá trình thu chi các trạm thu phí, cần phải áp đặt chế độ thu tự động để có số liệu chính xác về số lượng xe đi qua trạm BOT, các khoản tiền chi trả cho ngân hàng, nhân công, vận hành… 

Cũng tại buổi tọa đàm, một số chuyên gia cho rằng, hiện nay, có nhiều nhà đầu tư BOT hoạt động theo kiểu “tay không bắt giặc” bởi cơ chế ưu đãi chỉ định thầu. Doanh nghiệp không cần kinh nghiệm, vốn hay chuyển giao công nghệ. Sau khi vào được dự án, hầu hết vốn sẽ đi vay, thực hiện thì thuê đơn vị thi công. 

Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, khi muốn thực hiện các dự án BOT, nhà đầu tư chỉ lo “đặt gạch” làm sao được tham gia vào dự án là xong. Còn vốn đầu tư đã có Nhà nước và các ngân hàng lo!

Thời gian gần đây, rất nhiều trạm thu phí dự án BOT đã gặp phải phản ứng gay gắt từ phía người tham gia giao thông. Một số lái xe đã sử dụng tiền lẻ để trả phí qua trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) hay trạm BOT quốc lộ 5 như một hình thức để phản đối hoạt động của các trạm này.