Tiến sĩ Cello đầu tiên của Việt Nam nối dài chương trình hòa nhạc thường niên

ANTD.VN - Là Tiến sĩ đầu tiên tại Việt Nam về chuyên ngành âm nhạc và biểu diễn Cello, Đinh Hoài Xuân khao khát được lan tỏa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với khán giả. Đó là lý do cô quyết tâm duy trì việc tổ chức thường niên chuỗi hòa nhạc cổ điển “Cello Fundamento” từ năm 2016. Năm nay, chương trình sẽ diễn ra một đêm duy nhất vào tối 29-12 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Là Tiến sĩ đầu tiên tại Việt Nam về chuyên ngành âm nhạc và biểu diễn Cello, Đinh Hoài Xuân khao khát được lan tỏa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với khán giả. Đó là lý do cô quyết tâm duy trì việc tổ chức thường niên chuỗi hòa nhạc cổ điển “Cello Fundamento” từ năm 2016. Năm nay, chương trình sẽ diễn ra một đêm duy nhất vào tối 29-12 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Chia sẻ về chủ đề “Home Sweet Home” (Trở về) được đặt cho live-concert lần này, nữ nghệ sĩ gốc Quảng Bình cho biết, cô muốn gửi gắm tình cảm tri ân đối với quê hương nơi cô sinh ra và lớn lên, nơi đã khơi nguồn và gieo niềm đam mê bất tận của cô đối với cây đàn Cello. Đặc biệt, đó cũng là lời cảm tạ mảnh đất quê  nhà đã giúp cô có học bổng 4 năm tại Rumani thông qua học bổng hiệp định giữa hai quốc gia Việt Nam - Rumani. Đêm nhạc lần này cũng có ý nghĩa đặc biệt với Đinh Hoài Xuân khi đánh dấu sự trở về của cô sau những tháng năm tu nghiệp và khổ luyện ở nước ngoài, giúp cô mang về tấm bằng Tiến sĩ đầu tiên tại Việt Nam về chuyên ngành âm nhạc và biểu diễn Cello.

Nói về luận văn Tiến sĩ mà mình đã thực hiện, Đinh Hoài Xuân tiết lộ, cô đã dày công xây dựng bản luận văn với chủ đề quảng bá Cello, biểu diễn và cống hiến tại môi trường âm nhạc Việt Nam. Trong luận văn, cô đã chỉ ra 3 gợi ý cần làm, đó là mang Cello đến trường học, tổ chức một cuộc thi dành riêng cho Cello dành  cho những người Việt yêu Cello ở trong và ngoài nước, sản xuất một gameshow kết hợp Cello với các trò chơi để lan tỏa nhanh nhất đến mọi người, nhất là thế hệ trẻ.

Trước mắt, cô đã có kế hoạch trong 3 năm tới sẽ đưa Cello đến với các trường học, tiếp cận khoảng 100 nghìn học sinh trên khắp cả nước. Đặc biệt, cô cũng chứng minh được sự cần thiết của việc quảng bá Cello qua các kênh mạng xã hội, phương tiện truyền thông để giúp nhân rộng sự lan tỏa lên nhiều hơn. Nữ nghệ sĩ hào hứng khoe trang Fanpage của “Cello Fundameto” đã có tới 100 nghìn người theo dõi, riêng tác phẩm “Hướng về Hà Nội” cũng thu hút hơn 5.000 lượt xem.

Đinh Hoài Xuân cùng các nghệ sĩ tại buổi gặp gỡ giới thiệu về chương trình

Trở lại với live-concert “Cello Fundameto – Home Sweet Home” diễn ra vào tối 29-12 tới đây, Đinh Hoài Xuân chia sẻ, chương trình quy tụ hơn 60 nghệ sĩ tài năng của âm nhạc cổ điển Việt Nam và thế giới. Ngoài chủ nhân của đêm diễn, chương trình còn có sự góp mặt của hai nghệ sĩ tài năng đều đến từ Rumani là Ciprian Marinescu - nhạc trưởng dàn nhạc Osaka Nhật Bản và Răzvan Suma - Giáo sư tại Đại học Âm nhạc quốc gia Bucharest, người thầy trong suốt 4 năm học của Đinh Hoài Xuân tại Rumani và cũng là người đã tham gia chương trình “Cello Fundamento concert 2 & 3”.

Bên cạnh đó, chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tài năng khác như: Yamaguchi Hiroaki (Nhật Bản), Ella Bokor (Rumani), Chử Hải Ly, Trần Khánh Quang (Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam)… cùng Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam. Đảm nhận vai trò dẫn dắt chương trình là bộ đôi MC Lê Anh và Mỹ Lan. Đặc biệt, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Phó GS, TS khoa học, Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam sẽ góp mặt trong chương trình với một bản chuyển soạn đặc biệt dành riêng cho biểu diễn Cello cùng dàn nhạc.

Đặc biệt, cô nhận được sự đồng hành và hỗ trợ từ người bạn thân thiết - Hoa hậu Ngọc Hân khi Ngọc Hân quyết định không chỉ tài trợ trang phục cho cô mà cả 44 chiếc áo dài cho cả dàn nhạc giao hưởng Việt Nam.

Đinh Hoài Xuân bộc bạch,  khi bắt tay vào tổ chức được chương trình này, cô xác định phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và áp lực. Tuy nhiên cô xem đó là động lực và quyết tâm không bỏ cuộc. Trên thực tế, khi tổ chức chương trình đến số 3, cô đã thấy muôn vàn khó khăn từ kinh tế tài chính không thể đủ chi trả cho tất cả và đã định dừng lại để tìm ra một hướng tốt đẹp hơn nhưng chính tình yêu Cello đau đáu không cho phép cô dừng lại.  

“Tôi đã chia sẻ với các anh các chị, các thầy và mọi người đều đồng lòng giúp đỡ, ví dụ như GS là thầy giáo của tôi người Rumani lần này đi về tay không. Bình thường thầy còn phải mua thêm một vé máy bay nữa cho Cello nhưng lần này tôi đã mượn cây đàn của thầy Thanh Phúc cho GS biểu diễn nên giảm thiểu được bớt phần nào chi phí. Đó chỉ là những chi tiết rất nhỏ thôi nhưng mỗi người một tay đã làm nên Cello Concert 4 lần này. Và tôi thấy rằng trên con đường này nhiều lúc mình bị cô đơn lạc lõng nhưng chính những lúc như thế lại nhận ra rằng mình không hề lạc lõng chút nào bên cạnh mình vẫn còn rất nhiều người ủng hộ.” – Đinh Hoài Xuân xúc động kể.

Chọn cách đi một con đường riêng dù gian nan nhưng đặc biệt, Đinh Hoài Xuân thổ lộ, trong sâu thẳm trái tim cô luôn hiểu rằng muốn đến gần hơn với công chúng thông qua âm nhạc cổ điển trong thị trường âm nhạc hiện nay không phải là điều dễ dàng. Tuy vậy, cô không sốt ruột mà vẫn nỗ lực để tìm cách đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng.

Nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân đến với âm nhạc từ năm 10 tuổi và yêu, gắn bó với Cello từ những ngày đầu tiên. Cô từng thủ khoa Violoncello Học viện Âm nhạc Huế 2005. Cô tốt nghiệp xuất sắc Thạc sĩ biểu diễn Violoncello tại Học viện Âm nhạc Việt Nam năm 2012 và dành được học bổng kép bậc Tiến sĩ của Chính phủ Việt Nam và Rumani cho chuyên ngành biểu diễn Cello tại ĐH âm nhạc quốc gia Bucharest, Rumani.

Đinh Hoài Xuân đã ra mắt nhiều MV trong đó bộ phim ca nhạc "Hướng về Hà Nội" (Hoàng Dương) với sự đầu tư lớn về kinh phí. Sản phẩm ra mắt dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô gây tiếng vang lớn trong thị trường âm nhạc trong nước.

Album 'Khúc phiêu du một đời'' được Đinh Hoài Xuân ra mắt gồm 8 ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được chuyển soạn cho đàn Cello và dàn nhạc bán cổ điển trình tấu năm 2013 cũng đánh dấu nỗ lực và tình yêu của nghệ sĩ tài năng xinh đẹp này. Cô đã tham gia lưu diễn tại nhiều trên thế giới như Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Nga, Úc... và cũng từng là thành viên của Dàn nhạc Giao hưởng trẻ Đông Nam Á (2006).