Tiến sĩ 8X và "đơn hàng nhân văn" của Thủ tướng

ANTĐ - 4 năm mất ăn mất ngủ với sản phẩm “Mắt thần” để giúp người khiếm thị nhận biết được vật cản, Tiến sỹ Nguyễn Bá Hải (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) gặp không ít thất bại và khó khăn: bán 4 chiếc xe ô tô để triển khai ý tưởng, đi xe buýt để dành dụm tiền, người thân và cả người yêu không hiểu hết... Nhưng với niềm say mê khoa học và tâm huyết cống hiến cho cộng đồng, anh chưa bao giờ bỏ cuộc. Và bao công sức ấy đã được đền đáp khi trong cuộc gặp gỡ với 70 nhà khoa học trẻ ngày 11-9, Thủ tướng đã “quyết” đầu tư kinh phí thực hiện dự án sản xuất kính “Mắt thần” cho người khiếm thị của Tiến sỹ tuổi 8X . 

Tiến sĩ 8X và "đơn hàng nhân văn" của Thủ tướng ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng Tiến sỹ Nguyễn Bá Hải và các nhà khoa học trẻ ngày 11-9

Tinh thần dân tộc ở một sản phẩm nhỏ

- Được Thủ tướng quan tâm đặc biệt khi nghe anh trình bày trong thời gian ngắn khoảng 10 phút, anh cảm thấy thế nào? 

- TS. Nguyễn Bá Hải: Mình và tất cả khán phòng rất vui khi người đứng đầu chính phủ dù bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn dành cả buổi sáng để lắng nghe các chia sẻ, tâm tư chân thành, khó khăn của rất nhiều nhà khoa học trẻ trên cả nước. Đặc biệt, thật bất ngờ và vui mừng khi Thủ tướng đồng ý sản xuất 300.000 chiếc “Mắt thần 2” để tặng cho người khiếm thị nghèo trên cả nước.

- Nhiều năm tâm huyết, “sống chết” với Mắt thần, anh có thể nói gì về sự quyết đáp của Thủ tướng ở dự án này? 

- TS. Nguyễn Bá Hải: Mình thấy Nhà nước và nhân dân cùng làm thì khoa học sẽ nhanh kết trái hơn. Đã 4 năm mình cố gắng vì dự án này, trải qua quá nhiều khó khăn. Quan trọng hơn, mình tin nghĩa cử của Thủ Tướng đã làm hàng triệu trái tim Việt Nam trong nước và người Việt sống ở nước ngoài thấy ấm áp vì người mù nghèo Việt Nam được quan tâm như những người khuyết tật ở Hoa Kỳ (được chính phủ trao tặng các thiết bị hỗ trợ).

Đồng thời, việc này cũng khiến cho người làm khoa học Việt Nam chân chính có một động lực và niềm tin lớn để mạnh dạn dấn thân cho khoa học. Thực sự, hành động quyết đoán của Thủ tướng có tính lan tỏa tích cực và tác động không thể đo đếm được. Có lẽ tinh thần dân tộc ở sản phẩm nhỏ cho người khiếm thị này rất lớn. 

Bế tắc nhất là khi khó khăn chồng chất

- Trong cuộc đời làm khoa học, anh từng bán 4 ô tô để triển khai ý tưởng, lúc nào anh thấy bế tắc nhất? Và điều gì với anh là khó khăn nhất: Tiền không có, thủ tục nhiêu khê, hay ý tưởng thất bại?

- TS. Nguyễn Bá Hải: Khó khăn nhất là khi khó khăn chồng lên khó khăn. Có thời khắc mình thiếu tiền, người thân chưa hiểu hết khát khao của mình nên khuyên dừng lại; người yêu chia tay vì mình không có nhiều thời gian; nơi ở thiếu thốn, thiếu vệ sinh (năm 2010 khi mới tốt nghiệp Tiến sĩ từ Hàn Quốc về Việt Nam dạy học, lương giáo viên thấp nên mình ở trọ chung với sinh viên tại quận 9); sức khỏe bị ảnh hưởng nhiều, mất ngủ vì bị cuốn vào dòng ý tưởng; sản phẩm làm ra không được như ý; nguy hiểm rình rập khi thí nghiệm ở những điều kiện thiếu thiết bị chuẩn và dụng cụ bảo hộ chuyên dùng hay thủ tục pháp lý quá rối không nắm hết...

Có thời điểm, mình mua chiếc ô tô siêu cũ với giá 20 triệu đồng từ một thầy giáo trong trường, mua xong, thí nghiệm thất bại nên bán lỗ và dành dụm tiếp nửa năm để mua chiếc thứ hai. Tất cả khó khăn ập đến và mình chỉ muốn… chạy vào rừng làm một giấc ngủ.

- Thế ai là chỗ dựa và động lực cho anh những lúc thất bại đó? 

- TS. Nguyễn Bá Hải: Tất cả từ gia đình, đơn vị, người dân chân chất TP.HCM, đến người Việt Nam trong và ngoài nước, các doanh nhân và Trung ương Đoàn hướng tới cộng đồng luôn ủng hộ, bên cạnh mình. Đặc biệt, gần đây chính phủ cũng đang chung tay lan tỏa các sản phẩm nhân văn phục vụ cộng đồng như “Mắt Thần 2” hay công nghệ cà phê Nhật - Việt - Ý (JAVI) với sứ mệnh ly cà phê sạch nhân văn, nâng cao chuỗi giá trị cà phê Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho người khó khăn. Mình mang ơn mọi người!

Làm khoa học rất gây nghiện

- Lúc tìm ra ý tưởng, anh có cách ăn mừng thế nào? Liệu có điên cỡ như chạy nhông ra phố kêu toáng lên “Eureka” hay không?

- TS. Nguyễn Bá Hải: Mình thường thấy lâng lâng và nổi da gà khi nghĩ ra ý tưởng nào đó hay hay. Thời làm nghiên cứu cô đơn, khi công việc hoàn thành, mình ăn mừng bằng cách nhìn lên trời. Còn bây giờ, có đồng đội nghiên cứu thì cả nhóm đi ăn bún bò khi xong một việc quan trọng.

- Thực tế là có cả bác nông dân sáng chế máy bay, tàu ngầm. Họ từ chân đất đồng ruộng mà ra. Vậy theo anh thì làm khoa học yếu tố nào mang tính quyết định?

- TS. Nguyễn Bá Hải: Cái này mình không rõ, nhưng làm khoa học rất dễ gây nghiện. Vì gây nghiện nên nhiều khó khăn nhưng người làm khoa học vẫn luôn thấy yêu đời và vui vẻ. Lạc quan trong khó khăn - đó có lẽ là năng lượng vô tận để dấn thân làm tất cả nhằm hiện thực hóa ý tưởng, khát khao khám phá các nguyên lý và trí tưởng tượng mới.

- Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của anh!

Tiến sỹ Nguyễn Bá Hải (sinh năm 1983, tại huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Hiện anh là Phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng giáo viên và đào tạo nhân lực cao Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Quốc gia TP. HCM). Anh được biết đến với những dự án khoa học công nghệ hướng đến cộng đồng như lớp học 1 đô la, “Mắt thần” cho người khiếm thị, máy pha cà phê, robot... Trong đó, “Mắt thần” là thiết bị đầu tiên ở Việt Nam hỗ trợ người khiếm thị nhận biết được vật cản trước mặt trong khoảng 1 mét. Thiết bị sẽ rung khi người dùng gặp vật cản. Phiên bản đầu tiên của chiếc kính này nặng 20kg với chi phí hơn 20 triệu đồng. Sau 4 năm, 9 phiên bản, giờ chiếc kính chỉ còn 200 gram với giá 2 triệu đồng.