Tiên ông, hiếm lắm!

ANTĐ - Bác hiểu thế nào là Nhà giáo Nhân dân?

- Đấy là những người từ nhân dân mà ra, cả đời tận tuỵ, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

- Đúng vậy. Gần đây, nhiều nhà giáo được phong tặng danh hiệu cao quý này. Quý hóa quá, ngành giáo dục nước nhà có thêm những hiền tài, càng thuận lợi khi chuyển mình đổi mới, bác nhỉ!

- Không hẳn thế đâu.

- Sao vậy?

- Vì những thầy hàng ngày lên bục giảng được phong tặng thì không nói làm gì. Nhưng có người làm quản lý, họp hành suốt ngày, lên lớp vào lúc nào mà cũng được công nhận.

- Thì họ cũng phải làm một cái gì đấy chứ. Chẳng lẽ bỗng dưng mà được công nhận.

- Thôi xin, nếu chỉ cốt kiếm được cái danh hiệu treo trên tường để ngắm, để khoe với hàng xóm, bạn bè, con cháu, thì cũng không nên cố. Với lại, trẻ thì ham hố đã đành, chứ già mà cũng ham danh phận thì cũng mệt thân.

- Không vơ đũa cả nắm được đâu, bác ạ. Quanh ta vẫn có những nhà giáo nhân dân được cả xã hội ghi nhận và tôn vinh!

- Ai đấy nhỉ?

- Ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội có Nhà giáo Nhân dân đã ngoài 90 tuổi, vẫn đều đặn lên lớp với đầy tinh thần trách nhiệm, viết hơn trăm cuốn sách.

- Thật sao, nếu vậy thì đáng ngưỡng mộ và khâm phục sức làm việc của thầy quá. 

- Thêm một điều đáng khâm phục nữa là, nhà thầy rất thanh bần, bữa ăn của thầy rất đạm bạc. Có được đồng nào, thầy làm từ thiện hoặc giúp học trò cả.

- Như tiên ông giữa đời ấy nhỉ!

- Người như thế, giờ hiếm lắm...