Siêu dự án thủy lợi 7.000 tỷ đồng (2)

Tiền ngân sách bị thả nổi?

ANTĐ - Hơn 200 tỷ đồng tiền tạm ứng đã được rót cho nhà thầu để thực hiện dự án, nhưng hiệu quả chưa thấy đâu. Năm 2012, ngoài việc dự án tiếp tục được bố trí 92 tỷ đồng chỉ để chi cho các hoạt động “ngoài lề” thì Ban QLDA vẫn tiếp tục xin bổ sung thêm kinh phí.

Hàng trăm tỷ đồng đã rót cho nhà thầu, mà kết quả thực hiện vẫn chưa thấy đâu


Những lý giải khó hiểu

Ngay sau khi được chỉ định thầu, đơn vị thi công là Công ty Bình Minh đã được Ban QLDA sông Tích tạm ứng vốn thuộc vốn xây lắp. Lần thứ nhất, với gói thầu 12a trị giá hơn 90 tỷ đồng, đơn vị này được tạm ứng 45 tỷ đồng. Số tiền được Kho bạc Nhà nước Tây Hồ chuyển ngày 23-5-2011, tức 7 ngày sau khi ký hợp đồng. Tiếp đến, ngày 6-12-2011, Ban QLDA tiếp tục ký gói thầu 12b trị giá hơn 2.100 tỷ đồng với Công ty Bình Minh. Đến ngày 16-12-2011, Kho bạc Nhà nước Tây Hồ tiếp tục chuyển 173 tỷ đồng tiền tạm ứng gói thầu này cho Ban QLDA sông Tích để chuyển sang cho Công ty Bình Minh. Như vậy, tổng số tiền mà Công ty Bình Minh được tạm ứng trong năm 2011 là 218 tỷ đồng. 

Trong khi đó, khối lượng công việc mà Công ty Bình Minh thực hiện được đến nay mới đạt 12 tỷ đồng, gồm 7 tỷ đồng của gói thầu 12a và 5 tỷ đồng của gói thầu 12b. Số tiền tạm ứng còn lại hơn 200 tỷ đồng vẫn chưa được thu hồi, dù đã quá thời hạn phải thu hồi. Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Đắc Thỏa, Phó giám đốc Ban QLDA sông Tích đã có những phát ngôn tiền hậu bất nhất, gây khó hiểu trong dư luận.

Trước đó, ông Thỏa lý giải, khoản tiền tạm ứng của Công ty Bình Minh đã được sử dụng khoảng 80 tỷ đồng để chi trả đền bù GPMB 14,5ha đất ở địa phận xã Thuần Mỹ. Song, việc chi trả này là tự doanh nghiệp thỏa thuận với dân mà chưa có phương án được phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Về việc ứng kinh phí phục vụ GPMB từ nguồn vốn xây lắp, Công ty Bình Minh có văn bản 341/CV-CTBM ngày 13-12-2011, do bà Nguyễn  Thị Mạch - Phó Tổng giám đốc công ty ký cam kết. Theo đó, văn bản nêu rõ: “Để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ GPMB phục vụ thi công các hạng mục của gói thầu trong trường hợp dự án chưa được TP bố trí kinh phí cho GPMB. Theo đề nghị của Ban QLDA, công ty cam kết tạm ứng phần kinh phí xây lắp đã được tạm ứng hợp đồng cho Ban QLDA chi phục vụ GPMB của gói thầu (12b- PV) và không tính lãi. Khi được TP bố trí kinh phí GPMB xin được thanh toán”.

Song, tại buổi làm việc vào ngày 14-9-2012, ông Thỏa lại phủ nhận điều mình đã nói trước đó: “Không có chuyện Ban QLDA đề nghị nhà thầu- Công ty Bình Minh chuyển tiền tạm ứng từ vốn xây lắp cho Ban QLDA để chi phục vụ GPMB”. Nhưng khi được phóng viên cung cấp văn bản 341 của Công ty Bình Minh về việc tạm ứng kinh phí thì ông Thỏa lại lấp liếm, đó là đề nghị của phía công ty nhưng Ban QLDA không chấp thuận. Khi phóng viên đọc lại nội dung văn bản 341, trong đó nêu rõ, Ban QLDA đề nghị công ty, chứ không phải công ty đề nghị được điều chuyển vốn, thì ông Thỏa im lặng.

Có quá lãng phí?

Cả 2 lần tạm ứng vốn cho chủ đầu tư dự án, số tiền 218 tỷ đồng đều được chuyển qua kho bạc Nhà nước Tây Hồ. Như vậy, kho bạc này phải có trách nhiệm đôn đốc thu hồi tạm ứng khi đã quá hạn phải thu hồi. Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề này, bà Trần Thị Thu Hà, Giám đốc kho bạc Nhà nước  Tây Hồ cho biết, cũng mới chỉ nghe đơn vị thi công làm được khối lượng công việc khoảng 12 tỷ đồng chứ đơn vị này chưa nhận được hồ sơ thanh quyết toán. Vào cuối tháng 12-2011 kho bạc cũng đã thu hồi của gói thầu 12a hơn 7,3 tỷ đồng, cuối tháng 8-2012 thu hồi của gói thầu 12b là 4,7 tỷ đồng. “Chủ đầu tư cũng như nhà thầu chưa có hồ sơ thanh toán, nên phía kho bạc không thể thu hồi vốn theo quy định được”, bà Hà nói.

Theo bà Hà, phía nhà thầu lý giải, do không giải phóng được mặt bằng, nên không thể thi công, vì vậy chưa có khối lượng để thanh toán. Như vậy, tiền ngân sách đang được nhà thầu tạm ứng sử dụng, nhưng tiến độ dự án lại quá chậm trễ, không có khối lượng để thanh toán. Câu hỏi đặt ra, số tiền hơn 200 tỷ đồng thời gian qua nhà thầu sử dụng làm gì? Kho bạc Nhà nước Tây Hồ cũng không biết, chỉ nghe đâu dùng để mua máy móc, thiết bị. 

Theo con số mà kho bạc Nhà nước Tây Hồ cung cấp, tổng số tiền đã chuyển cho Ban QLDA sông Tích trong năm 2011 là 216,4 tỷ đồng, trong đó chuyển cho Công ty Bình Minh là 211,4 tỷ đồng. Thắc mắc về vấn đề này, bà Hà cho biết, chuyển cho doanh nghiệp 211,4 tỷ đồng, còn 5 tỷ đồng chi cho hoạt động của Ban QLDA.

Ngoài  ra, tại buổi trao đổi ngày 14-9, ông Thỏa cung cấp thêm, trong năm 2012, dự án được tiếp tục bố trí 92 tỷ đồng (12 tỷ đồng từ ngân sách TP, 80 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ). Trong đó, 2 tỷ đồng chi cho hoạt động của hội đồng GPMB như xe cộ đi lại họp hành, năm 2011 hoạt động của hội đồng này cũng được bố trí 1 tỷ đồng... Còn lại, 90 tỷ đồng để sử dụng vào chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn thiết kế, bản vẽ thi công... hay gọi nôm na là chi cho các hoạt động quản lý, chi phí của dự án mà không dùng vào xây lắp. Có quá lãng phí với số kinh phí lên tới hàng chục tỷ đồng để chi cho những hoạt động như vậy? Hơn nữa, số tiền tạm ứng của năm 2011 sử dụng còn chưa hết, thì ông Thỏa cho biết, đang kiến nghị TP bổ sung thêm vốn cho dự án! 

Những năm vừa qua, nguồn vốn đầu tư khó khăn, Chính phủ đã phải tạm hoãn rất nhiều công trình thuộc diện không cấp bách để tập trung vốn cho những công trình quan trọng như dự án sông Tích. Nhưng tiến độ của dự án đang mang lại sự thất vọng lớn. Và có lẽ, tại đại dự án thủy lợi sông Tích đang có những dấu hiệu của việc sử dụng trái nguồn vốn, chưa đúng quy định.

Đề cập đến việc, nếu vài năm sau, nhà thầu vẫn nại lý do chậm trễ  GPMB để chiếm dụng vốn tạm ứng, sử dụng vào mục đích khác ngoài dự án không lẽ tiền ngân sách cứ bị thả trôi; hoặc doanh nghiệp mang tiền ngân sách nhà nước tạm ứng của dự án đi gửi lãi ngân hàng thu lời, bà Trần Thị Thu Hà, Giám đốc kho bạc Nhà nước Tây Hồ phủ nhận, chưa đến vài năm sau nên chưa thể nói gì.