Tiền nào bằng nấy

ANTĐ - Chỉ trong hai thập kỷ (1990-2010), số trường đại học và cao đẳng của Việt Nam đã tăng từ 106 trường lên 412 trường, tức là gấp bốn lần. Số sinh viên từ 129.600 người tăng đến 1.719.499 người, tức là gấp 13 lần, trong khi đó số giảng viên chỉ tăng ba lần. Chưa có số liệu thống kê chính xác chất lượng đào tạo sinh viên cũng như tỷ lệ được tuyển chọn vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức và các ngành kinh tế hoặc các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Chất lượng giáo dục đại học đã được các đại biểu Quốc hội chất vấn khá gay gắt. Tuy nhiên, chính sách học phí và tài chính đại học, một trong những vấn đề cốt lõi của giáo dục đại học, chưa được nhìn nhận, phân tích thấu đáo.

Đang tồn tại một nghịch lý, trong khi “thị trường giáo dục” mở rộng cửa mời chào các “khách hàng” cung cấp dịch vụ giáo dục nước ngoài với mức học phí “ngất ngưởng”, nhưng chất lượng và giá trị bằng cấp chưa biết ra sao thì các trường đại học trong nước vẫn bị “trói tay” trong cái vòng luẩn quẩn: học phí thấp - chất lượng thấp. Theo Bộ Giáo dục - Đào tạo, cách đây 5 năm, nguồn lực tài chính chi bình quân cho một sinh viên Việt Nam là 723USD, chỉ bằng ¼ của Thái Lan và Malaysia (hơn 3.000USD); bằng 1/8 của Hàn Quốc, chưa bằng 1/10 của Đức và Nhật (hơn 7.700USD) và chỉ bằng 1/16 của Mỹ (hơn 12.000 USD).

Với mức chi phí đào tạo như vậy khó có thể nói tới chất lượng đào tạo cũng như sự cạnh tranh trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Theo các nhà quản lý một số trường đại học Việt Nam, do nguồn lực tiền bạc không đủ để hoạt động, các trường phải mở rộng cửa đua chen vào đào tạo ngoài chính quy, bất chấp sự sa sút về chất lượng. Hệ quả trông thấy là xã hội đang “ngoảnh mặt” với bằng đại học tư và phủ nhận giá trị của bằng tại chức. Lâu nay dư luận và công luận đặt ra hai câu hỏi. Học phí cao có đảm bảo chất lượng đào tạo tốt hay học phí cao thì trường thu lợi nhuận cao? Bằng cấp có đảm bảo kiếm được việc làm có thu nhập tương đối cao? Cũng không thể phủ nhận, trong gần 10 năm nay, học phí đại học công ở nước ta vẫn “giậm chân tại chỗ” cho dù giá cả đã trượt dài. Từ thập kỷ 1990 đến nay, học phí hầu như vẫn giữ nguyên ở mức 1,8-2,7 triệu đồng/sinh viên/năm.

Trong khi đó, GDP bình quân đầu người ở nước ta đã tăng 4,7 lần, chỉ số giá tiêu dùng tăng gấp hai lần. Ai cũng nhìn thấy mức học phí hiện nay là bất hợp lý. Dù vậy, đã có một số dự án tăng học phí được đề xuất đều bị xã hội phản ứng mạnh mẽ. Lý do là những dự án đó chưa đưa ra những tính toán thuyết phục để chứng minh rằng tăng học phí thì chất lượng đào tạo sẽ tăng theo. Đồng thời cũng thiếu những giải pháp nhằm đảm bảo công bằng cho các đối tượng trong xã hội. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng và sâu hơn, chênh lệch nhu cầu cũng ngày càng tăng, nhất là dịch vụ y tế, giáo dục. Một bộ phận dân cư nhiều tiền sẵn sàng bỏ cả “núi”  của cho con du học nước ngoài với hy vọng là tiền nào bằng nấy. Khó có thể so sánh y tế với giáo dục, song rõ ràng sự lựa chọn dịch vụ chi phí cao để đổi lấy chất lượng cao là không thể phủ nhận ngay cả ở trong nước. Người sẵn tiền của chấp nhận dịch vụ y tế trong các bệnh viện quốc tế hoặc bệnh viện tư có uy tín cũng giống như cho con cái vào học các trường quốc tế hoặc trường tư chất lượng cao. Trong khi đó, tầng lớp trung lưu không đủ sức cho con du học cũng mong muốn có những đại học chất lượng tương xứng với học phí. Còn lại đa số người thu nhập thấp đành phải chấp nhận “tiền nào bằng nấy”.

Bộ Giáo dục - Đào tạo có chủ trương “3 công khai”: công khai cam kết chất lượng giáo dục, công khai đánh giá thực tế chất lượng và công khai nguồn lực - tài chính của nhà trường. Đây có thể coi là lối thoát, giải pháp căn cơ hay không?