Tiền lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 5,6 triệu đồng/tháng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2020 của người lao động có tăng lên nhưng đây là năm có mức tăng thấp nhất trong cả giai đoạn 2016-2020.
Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến việc người lao động tham gia bảo hiểm xã hội

Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến việc người lao động tham gia bảo hiểm xã hội

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp đã làm cho các doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến việc tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Năm 2020 là năm đầu tiên số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bị giảm so với năm trước, nguyên nhân chính là do người lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bị mất việc làm không còn thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết năm 2020, có khoảng 163 nghìn đơn vị, doanh nghiệp chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ; 241 nghìn đơn vị, doanh nghiệp chưa tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, tập trung chủ yếu là khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, với số lao động, cá nhân có thu nhập cần phải rà soát khoảng trên 3 triệu người.

Về "nền" tiền lương đóng bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, năm 2020 tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2020 của người lao động là khoảng 5,6 triệu đồng/tháng tăng 4,74% so với năm 2019.

Đánh giá về mức này, Bộ LĐ-TB&XH cho hay, tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2020 của người lao động có tăng lên nhưng đây là năm có mức tăng thấp nhất trong cả giai đoạn 2016-2020.

Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dẫn đến doanh nghiệp gặp hạn chế, khó khăn trong việc tăng lương cho người lao động và việc không điều chỉnh mức lương cơ sở ảnh hưởng đến mức tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động trong khu vực hành chính sự nghiệp.

Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, tình hình chậm đóng bảo hiểm xã hội tiếp tục gia tăng, trong đó, việc chậm đóng bảo hiểm xã hội chủ yếu diễn ra ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm đến hơn 71%.

Để hạn chế tình trạng chậm đóng và thu hồi nợ bảo hiểm xã hội, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo cơ quan bảo hiểm xã hội các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng xác định số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp để đôn đốc, yêu cầu đơn vị, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đầy đủ cho người lao động.

Ngoài ra, cơ quan này cũng đã thực hiện thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội, trong đó tập trung thanh tra các đơn vị, doanh nghiệp đang cố tình trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, chưa tham gia đầy đủ cho số lao động thuộc diện phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.