Tiện ích với thẻ tín dụng

ANTĐ - Thẻ tín dụng được hiểu đơn giản là người dùng ký quỹ với ngân hàng, mức ký quỹ khác nhau tùy ngân hàng và tùy loại thẻ.

Số tiền ký quỹ tối thiểu một năm và khách hàng được hưởng lãi suất như tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng. Tiền ký quỹ càng cao, hạn mức sử dụng của thẻ càng lớn. Thẻ chuẩn (còn gọi là thẻ thường, hay thẻ xanh) có mức ký quỹ từ 10-50 triệu đồng; thẻ vàng ký quỹ trên 50 triệu đồng. Với thẻ tín dụng này, người dùng có thể quẹt thẻ tại các điểm thanh toán chấp nhận, trong vòng 45 ngày thanh toán số tiền đã sử dụng mà không phải chịu lãi. Ngoài ra cũng như các thẻ ATM khác, thẻ tín dụng có thể sử dụng để rút tiền mặt nhưng các ngân hàng không khuyến khích, vì vậy nếu rút tiền thì sẽ chịu lãi suất ngay tại thời điểm rút với mức tối đa là 4% cộng thêm phí giao dịch.
Thủ tục mở thẻ ở các ngân hàng thường giống nhau và khá đơn giản. Khách hàng, sau khi điền vào giấy đề nghị phát hành thẻ và hợp đồng sử dụng thẻ (ngân hàng có mẫu sẵn), cần nộp bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, hai tấm ảnh 3x4. Một số ngân hàng khác như ACB yêu cầu có thêm bản sao hộ khẩu. Ở Eximbank, nếu khách hàng thuộc đối tượng được phát hành thẻ tín chấp (không cần ký quỹ), thì cũng cần nộp thêm bản sao hộ khẩu kèm  theo giấy xác nhận của nơi công tác về chức vụ, mức thu nhập.

 


Các ngân hàng đều miễn phí làm thẻ, nhưng khách hàng trả phí thường niên 100.000 đồng/năm cho thẻ thường và 200.000 đồng/năm cho thẻ vàng. Phí thường niên ở ACB cao hơn: 200.000 đồng/năm cho thẻ xanh và 300.000 đồng/năm cho thẻ vàng. Eximbank có dịch vụ làm thẻ tốc hành, lấy liền sau 15 phút, khách hàng nộp 300.000 đồng (trong đó đã có phí thường niên). Khách hàng có thể mở thêm thẻ phụ (sử dụng cùng một tài khoản) cho người thân hoặc bạn bè sử dụng. Phí thường niên của thẻ phụ bằng 50% của thẻ chính. Riêng ACB thu phí thẻ phụ như thẻ chính.
Chính vì sự tiện lợi như vậy mà gần đây giới văn phòng thường xuyên sử dụng loại thẻ tín dụng này. Chị Lan Anh - nhân viên Công ty CP Giáo dục Edumy chia sẻ: Thu nhập của tôi tương đối ổn định nhưng ai cũng biết dân văn phòng “đầu tháng địa chủ, cuối tháng bần nông”, có thẻ tín dụng, vào dịp cuối tháng tôi mua hàng tại siêu thị và các điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ để tiết kiệm tiền mặt. Khi mình có tiền, mình có thể hoàn trả lại ngân hàng. Nhờ có thẻ tín dụng, tôi mua sắm được nhiều hơn các vật dụng trong gia đình.
Anh Nguyễn Ngọc Lượng, cán bộ một đơn vị hành chính sự nghiệp có thu của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch cũng cho rằng, thẻ tín dụng có nhiều ưu điểm như kích thích mua sắm tiêu dùng đẩy giá trị phát triển kinh tế của đất nước, đặc biệt, khi tiền lẻ khan hiếm, đi siêu thị thu ngân thường phải trả lại khách hàng bằng kẹo, nhãn vở mà người dùng không biết sử dụng vào đâu. Tuy nhiên anh cũng nhắc nhở những người ham thẻ tín dụng rằng đây là một khoản vay của ngân hàng, mức chi tối đa có thể lên tới hàng chục triệu đồng. Nếu không có kiểm soát tốt, phóng tay mua sắm thì mình cũng phải chịu hậu quả là sẽ lạm chi chứ không phải tiết kiệm như nhiều người nói. Qua  thời hạn 45 ngày, người sử dụng thẻ không trả được số tiền đã sử dụng thì lãi suất không hề thấp, hoặc chỉ trả được một phần mức thu tối thiểu thì sẽ dẫn đến tình trạng lãi mẹ đẻ lãi con và trở thành một món nợ không hề nhỏ.
Không thể phủ nhận những tiện ích mà thẻ tín dụng mang lại. Nhân viên văn phòng thường có thu nhập ổn định, sử dụng thẻ tín dụng cũng là cách hạn chế giao dịch bằng tiền mặt, hoặc thanh toán online cho những chuyến công tác nước ngoài. Nhưng người sử dụng cũng nên lưu lý quản lý tài chính của bản thân một cách hợp lý, không nên quá lạm dụng quẹt liên tục vượt qua khả năng tài chính của mình để rồi phải đối mặt với những khoản nợ.