Tiến độ xây dựng hệ thống trưng bày Bảo tàng Hà Nội còn gian nan

(ANTĐ) - Theo kế hoạch đúng vào dịp kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long, Bảo tàng Hà Nội sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động. Cái “vỏ” thì đã tạm ổn. Nhưng còn nội dung thế nào, trong khi số lượng và chất lượng hiện vật... vừa thừa lại vừa thiếu.

Tiến độ xây dựng hệ thống trưng bày Bảo tàng Hà Nội còn gian nan

(ANTĐ) - Theo kế hoạch đúng vào dịp kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long, Bảo tàng Hà Nội sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động. Cái “vỏ” thì đã tạm ổn. Nhưng còn nội dung thế nào, trong khi số lượng và chất lượng hiện vật... vừa thừa lại vừa thiếu.

Thiết kế mỹ thuật: Trông chờ vào nước ngoài

Năm 2003, kịch bản trưng bày Bảo tàng Hà Nội đã được PGS Phạm Mai Hùng bắt tay vào xây dựng. Đến năm 2005, kịch bản này đã chính thức được phê duyệt. Nhưng vào thời điểm đó, vị trí xây dựng bảo tàng vẫn chưa được lựa chọn. Vậy là, kịch bản vẫn chưa có “đất dụng võ”.

Đến năm 2007, sau khi phương án kiến trúc được chọn, việc xây dựng đề cương trưng bày mới được khởi động. Nhiều người hy vọng, dự án này sẽ cho ra đời một bảo tàng hiện đại, theo kịp sự phát triển của bảo tàng thế giới vì đây là bảo tàng tiên phong trong việc xây dựng kịch bản trưng bày.

Bảo tàng Hà Nội đang được thi công tại Mễ Trì - Từ Liêm
Bảo tàng Hà Nội đang được thi công tại Mễ Trì - Từ Liêm

Từ trước tới nay đa số các bảo tàng Việt Nam thường sử dụng những công trình kiến trúc có sẵn, từ đó đưa hiện vật vào trưng bày sao cho hợp lý là được. Việc xây dựng kịch bản trước khi có phương án kiến trúc sẽ kết nối các chủ thể thành cốt truyện để từ đó làm cơ sở triển khai thực hiện thiết kế mỹ thuật, sáng tạo các phác thảo, ma-két...

Được biết, để hoàn thiện bảo tàng, UBND thành phố đã có văn bản gửi Bộ VH-TT-DL đề nghị Bộ tư vấn, tìm một đơn vị thiết kế mỹ thuật. Thế nhưng, hiện tại trong nước, chưa có đơn vị nào đủ năng lực có thể đảm đương được việc này. Vì thế, rất có thể, sau phần thiết kế kiến trúc, thiết kế mỹ thuật cũng sẽ do một công ty của nước ngoài đảm đương.

Hơn 25 năm nay, 17 nghìn hiện vật của Bảo tàng Hà Nội phải đi ở nhờ, lúc ở chùa Hưng Ký lúc lại ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Mọi thứ đều được đóng gói, xếp trong thùng tôn cẩn trọng, không mấy khi những hiện vật này được “xuất lộ”. Bây giờ, để “tãi” toàn bộ 17 nghìn hiện vật ra nghiên cứu, chụp ảnh, xây dựng hồ sơ... chuẩn bị cho công tác trưng bày cần phải có một diện tích đủ rộng.

Để giải quyết việc này, Sở VH-TT-DL đã có tờ trình đề nghị UBND thành phố cho phép bảo tàng được thuê 3.000m2 tầng hầm của Trung tâm Hội nghị Quốc gia để chuyển toàn bộ hiện vật tới đó, phân loại, lựa chọn, hoàn thiện hồ sơ, bảo quản tu sửa trước khi đem ra trưng bày. Đây cũng sẽ là nơi tập kết, triển khai thực hiện các mô hình, sa bàn, bản đồ theo thiết kết mỹ thuật dàn dựng trưng bày.

Trôi nổi hiện vật

“Sinh sau đẻ muộn” so với các bảo tàng khác, Bảo tàng Hà Nội cũng có nhiều thiệt thòi, bởi trong quá khứ, đã từng có nhiều hiện vật giá trị được phát hiện qua nhiều cuộc khai quật lớn song lúc đó lại chưa có Bảo tàng Hà Nội, nên đương nhiên, những hiện vật này được chuyển thẳng cho Bảo tàng Lịch sử VN.

Như vậy, để có hệ thống trưng bày đầy đủ theo biên niên, chắc chắn trong thời gian tới, Bảo tàng Hà Nội sẽ phải có một chiến lược sưu tầm hiện vật mà nguồn hiện vật chính được bảo tàng này “nhắm” đến đó là giúp đỡ của các bảo tàng Trung ương, thêm nữa là từ các viện nghiên cứu.

Cũng theo kế hoạch, để bổ sung nguồn hiện vật trưng bày, Bảo tàng Hà Nội sẽ tính đến phương án mua lại hiện vật từ các tổ chức, cá nhân trong nước. Tuy nhiên, việc mua lại hiện vật từ các tổ chức, cá nhân phải tuân theo Quy chế Hỗ trợ sáng tạo tác phẩm của UBND thành phố. Nghĩa là trước khi mua một hiện vật nào đó, phải thông qua ít nhất 2 hội đồng, một giám định về niên đại, một giám định về giá cả.

Ngôi mộ cổ ở Dục Tú - Đông Anh được phát hiện năm 2007 sẽ có mặt trong hệ thống trưng bày của Bảo tàng

Ngôi mộ cổ ở Dục Tú - Đông Anh được phát hiện năm 2007 sẽ có mặt trong hệ thống trưng bày của Bảo tàng

Trong thời gian qua, rất nhiều lần Bảo tàng Hà Nội tính tới phương án mua hiện vật, bổ sung cho sưu tập, nhưng phải trải qua rất nhiều công đoạn xét duyệt. Khi có được “giấy thông hành” đến nơi, gia chủ đã bán hiện vật cho người khác.

Cái khó nữa là, hiện vật nằm trong sưu tập tư nhân nhiều khi không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hồ sơ... thế nên, dù cho nó có là hiện vật độc đáo thế nào đi chăng nữa, các nhà quản lý bảo tàng cũng không thể “liều” mua về để trưng bày được.

Chuyện thiếu tư liệu lịch sử khiến cho ý tưởng của các nhà bảo tàng học của chúng ta không thể bay xa được. Trong quá trình xây dựng đề cương, xây dựng phương án trưng bày, Bảo tàng Hà Nội có chủ trương sẽ dựng lại một buổi thiết triều của một thời đại nào đó trong lịch sử. ý tưởng là thế, nhưng ngay chính những người trực tiếp triển khai cũng băn khoăn, chưa biết sẽ thể hiện thế nào khi còn mù mờ về y phục.

Vua mặc thế nào, quan mặc ra sao... Việc tái hiện lại những làng nghề cổ xưa của kinh thành Thăng Long chắc chắn sẽ là phần quan trọng trong hệ thống trưng bày, song việc này không hề đơn giản. Giờ có đến làng Vòng, tìm cho ra một chiếc cối giã cốm cũng khó, bởi lâu nay, những gia đình còn gắn bó với cốm ở đây đều giã cốm bằng máy.

Năm 2003, với sự kiện Hoàng thành Thăng Long phát lộ. Hàng nghìn hiện vật quý đã được tìm thấy, những tưởng đây sẽ là nguồn bổ sung hiện vật cho Bảo tàng Hà Nội, thế nhưng, số phận của những hiện vật kia giờ vẫn chưa biết thuộc về ai khi Bảo tàng Hà Nội cũng muốn có, mà Viện Khảo cổ cũng muốn giữ để phục vụ công tác nghiên cứu, nghe nói, công tác này sẽ kéo dài tới năm 2013.

Theo dự kiến, trong tháng 9-2008, kịch bản trưng bày sẽ hoàn thành. Thời gian tới, từ đề cương chi tiết, cho đến kịch bản sẽ phải “dỡ” ra để bổ sung thêm 30 nghìn hiện vật của Bảo tàng tỉnh Hà Tây (cũ). Lộ trình sáp nhập giữa Bảo tàng Hà Nội và Bảo tàng Hà Tây (cũ) hiện đã có, nhưng sớm nhất cũng phải đến cuối tháng 9 này mới triển khai được. Chính vì thế, việc hoàn thiện kịch bản trưng bày với phần bổ sung sẽ phải kéo dài tới tháng 12-2008.

Giờ thì có thể chắc chắn, ngày 30-4-2010, Hà Nội sẽ có một bảo tàng hiện đại. Những người yêu di sản Hà Nội đã có thể thở phào nhẹ nhõm bởi rốt cuộc Hà Nội cũng đã có nơi để trưng bày, để gìn giữ, để giới thiệu những di sản thiêng liêng của mình. Tuy nhiên, mọi khó khăn vẫn còn đang đợi ở phía trước.                

Quỳnh Vân