Cảnh báo mua bán xe qua mạng:

Tiền đi, “quả lừa” ở lại

(ANTĐ) - Không thể phủ nhận sự tiện lợi trong việc tìm kiếm thông tin và giao dịch qua mạng nhưng không phải ai cũng có đủ tỉnh táo để tránh “ăn” phải những quả lừa.

Đầu tháng 6, Đội CSHS - CAQ Cầu Giấy liên tiếp nhận được nhiều đơn thư của người dân phản ánh về việc bị một đối tượng không rõ tung tích lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng. Tất cả những lá đơn này các bị hại đều trình bày nguyên nhân và… kết quả giống nhau.

Vì nhu cầu cần có phương tiện đi lại, họ lên mạng vào một số trang web mua sắm để đăng tin cần mua xe máy cùng những thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại để tiện liên lạc. Sau khi đăng tin, những người này được một thanh niên gọi điện thoại tới nói có loại xe máy cần bán theo như yêu cầu của bên mua. Thống nhất giá cả xong, nam thanh niên nói người mua muốn nhận được xe sớm với giá “ưu đãi” thì bắt buộc phải chuyển ít nhất 2/3 số tiền vào tài khoản trong ngân hàng của mình. Tin lời “đối tác”, nhiều người đã chuyển tiền vào tài khoản theo yêu cầu nhưng đợi mãi vẫn không nhận được xe.

Trong khi các trinh sát của CAQ Cầu Giấy đang tập trung điều tra đối tượng “bán xe” trên mạng thì phát hiện thêm 10 người dân cũng đang chuẩn bị chuyển tiền vào tài khoản để mua xe của đối tượng này. Ngay sau đó, những người dân này đã được CSHS CAQ Cầu Giấy khuyến cáo, giải thích và ngăn chặn kịp thời. Đến giữa tháng 6, chân dung đối tượng lừa đảo đã được CAQ Cầu Giấy làm rõ là Lê Văn Ninh (SN 1992), ở TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Dù còn khá trẻ nhưng trước khi thực hiện hàng loạt các vụ lừa đảo mua bán xe trên mạng, Lê Văn Ninh cũng đã có 1 tiền sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bằng “kinh nghiệm” trong những đêm “cày” game, lướt web, Ninh đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người bị mất xe hoặc cần mua xe trong các trang web như “timxe.vn” và “jaovat.com”.

Một trong những nạn nhân của Ninh là chị Ngô Hồng Quyên, ở Đống Đa, Hà Nội. Khi truy cập vào trang web “jaovat.com”, Ninh phát hiện nội dung đăng tin của chị Ngô Hồng Quyên cần mua 1 chiếc xe máy SH trị giá dưới 50 triệu đồng. Sẵn số điện thoại của chị Quyên trên mạng, Ninh gọi đến nói có 2 chiếc xe SH nhập khẩu đang cần bán với giá 22.500.000 đồng. Để làm tin, Ninh tìm kiếm trên mạng hình ảnh của xe SH rồi gửi cho chị Quyên.

Xem ảnh thấy chiếc xe còn khá mới và giá cả phải chăng, chị Quyên đồng ý mua. Ninh yêu cầu chị Quyên phải chuyển cho y số tiền đặt cọc vào tài khoản trong ngân hàng trước khi giao xe. Tin lời Ninh, chị Quyên đã chuyển số tiền 7 triệu đồng vào tài khoản của Ninh. Ninh hẹn chị Quyên 30 phút sau sẽ giao xe máy cho chị Quyên và nhận nốt số tiền còn lại. Nhưng sau đó, viện nhiều lý do, Ninh yêu cầu chị Quyên phải chuyển hết số tiền còn thiếu mới giao xe. Lúc này, có lẽ mong muốn và háo hức được nhận chiếc xe SH, chị Quyên chuyển nốt 15 triệu đồng. Sau khi rút hết số tiền chị Quyên gửi, đối tượng Ninh biến mất.

Trung tá Nguyễn Thanh Tùng-Đội trưởng Đội CSHS CAQ Cầu Giấy cho biết, ngoài hơn 10 người tại Hà Nội được đơn vị ngăn chặn kịp thời còn có ít nhất 3 người dân tại Hòa Bình cũng may mắn chưa chuyển tiền khi nhận được sự cảnh báo của CAQ Cầu Giấy. Trung tá Tùng khẳng định, hình thức lừa đảo qua mạng như trên không mới nhưng cái đáng bàn đó chính là ý thức của một số người dân khá chủ quan khi giao dịch bằng phương thức này. Chỉ bằng những hình ảnh được gửi đi mà đối tượng lừa đảo “vẽ” ra là “hàng mẫu”, những người mua hàng còn rất dễ bị mắc lừa bởi tâm lý đẹp, giá rẻ. Nếu không tìm hiểu kỹ và tỉnh táo thì việc bị lừa sẽ khó tránh khỏi.