Tiền đang bị rút khỏi ngân hàng đổ vào thị trường chứng khoán?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong khi tín dụng vẫn duy trì mức tăng dần đều thì tiền gửi dân cư lại sụt giảm trong những tháng gần đây. Phải chăng dòng tiền đang bị rút khỏi ngân hàng, hướng đến kênh đầu tư có lợi nhuận cao hơn là chứng khoán?

Trong khi tín dụng vẫn duy trì mức tăng dần đều thì tiền gửi dân cư lại sụt giảm trong những tháng gần đây. Phải chăng dòng tiền đang bị rút khỏi ngân hàng, hướng đến kênh đầu tư có lợi nhuận cao hơn là chứng khoán?

Số liệu do Ngân hàng Nhà nước vừ công bố cho thấy tiền gửi của dân cư tại các ngân hàng từ đầu năm tới nay tăng rất chậm, thậm chí còn giảm trong các tháng gần đây.

Cụ thể, tính đến tháng 9, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 10,55 triệu tỷ đồng, tăng hơn 530 nghìn tỷ so với đầu năm, tương đương tăng 5,3%.

Trong đó, đáng nói, tiền gửi của khu vực dân cư đang có xu hướng giảm, đạt 5.291.875 tỷ đồng. So với tháng 8, tiền gửi dân cư đã giảm gần 1.500 tỷ đồng và so với tháng 7 thì giảm gần 2.500 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, tiền gửi dân cư vẫn tăng khá tốt.

Tiền gửi dân cư tại ngân hàng có xu hướng giảm

Tiền gửi dân cư tại ngân hàng có xu hướng giảm

Cũng theo các con số mà Ngân hàng Nhà nước công bố, tính chung từ đầu năm đến hết quý III, tiền gửi dân cư tại các tổ chức tín dụng cũng tăng rất “èo uột”, với tổng mức tăng chỉ khoảng hơn 3%.

Tăng trưởng tiền gửi chủ yếu đến từ khách hàng tổ chức khi tiền gửi của nhóm khách hàng này tăng hơn 380 nghìn tỷ, tương đương tăng 7,8%.

Việc người dân rút ròng tiền khỏi hệ thống ngân hàng, ngoài do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 khiến thu nhập giảm thì còn có thể lý giải do người dân không còn mặn mà với gửi tiền ngân hàng nữa.

Bởi vì trên thực tế, trong những tháng gần đây, dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán vẫn rất lớn. Chỉ trong vòng 10 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam đã mở mới hơn 1 triệu tài khoản chứng khoán, cao hơn tổng số tài khoản trong cả 4 năm 2017 - 2020 cộng lại. Riêng chỉ trong tháng 10/2021 đã hơn 129.500 tài khoản chứng khoán do nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới, tăng gần 13% so với tháng trước.

Với số lượng nhà đầu tư mới tham gia lớn, thanh khoản thị trường cungx liên tục “phá đỉnh” với phiên gần đây nhất lên tới gần 2,5 tỷ USD – con số vượt ngoài kỳ vọng của cơ quan quản lý chứng khoán cũng như các thành viên thị trường.

Sở dĩ dòng tiền đổ dồn vào chứng khoán vì đây được coi là kênh đầu tư hấp dẫn nhất trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường có biến động rất tích cực về điểm số, giúp nhiều nhà đầu tư lãi lớn, thậm chí nhân tài khoản nhiều lần.

Trong khi đó, tiền gửi tiết kiệm đang có lãi suất tương đối thấp, dao động từ 3 - 4% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng; 3,7 - 5% đối với kỳ hạn 6 - 12 tháng và 4,2 - 6,5% đối với kỳ hạn trên 12 tháng.

Trước đó, nhiều chuyên gia từng bày tỏ lo ngại về việc lãi suất thấp sẽ khiến dòng tiền chảy vào những kênh đầu tư rủi ro hơn. TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng lạm phát năm nay của nước ta dự báo khoảng 3,5%. Do đó, các ngân hàng phải duy trì mức lãi suất tiết kiệm cao hơn con số này để đảm bảo lãi suất thực ở mức dương.

“Mức lãi suất huy động hiện nay đã rất thấp. Nếu lãi suất thấp, lập tức dòng tiền sẽ chảy sang các kênh đầu tư khác rủi ro hơn như chứng khoán, bất động sản” – TS Cấn Văn Lực nói.