Tiền đái tháo đường - chớ xem thường

ANTD.VN - Tiền đái tháo đường là tình trạng đường huyết trong máu nhỉnh hơn mức bình thường nhưng chưa vượt ngưỡng cho phép. Theo ước tính của các chuyên gia, nếu không có biện pháp ngăn ngừa, sau khoảng 10 năm, hầu hết những người này sẽ bị mắc đái tháo đường tuýp 2. 

Đây là kết quả khảo sát mà công ty nghiên cứu thị trường Nielsen đã đưa ra. Thậm chí, theo báo cáo của họ, ngay cả khi được bác sĩ  chẩn đoán là đường huyết cao, nhiều bệnh nhân cũng không coi đó là nguy hiểm. Chẳng hạn, như bệnh nhân Dương Văn Hòa (trú tại ngõ 49 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội), vì thời gian gần đây đôi mắt bỗng dưng bị mờ, thị lực giảm hẳn nên đã đi kiểm tra sức khỏe và vô tình phát hiện ra mình bị biến chứng của tiểu đường tuýp 2.

Kết quả này khiến anh vô cùng  bất ngờ dù trước đó 3 năm bác sĩ cảnh báo về tình trạng đường huyết cao.  Anh Hòa nghĩ rằng đái tháo đường chỉ xảy ra ở những người béo phì, trong khi đó bản thân mình lại không thừa cân nên đã không cảnh giác.

Bệnh tiến triển âm thầm

Tiền đái tháo đường là căn bệnh âm thầm phát triển theo thời gian. Nó gần như không có những triệu  chứng cụ thể nào. Tuy nhiên, ở một số người, đó có thể là cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ sau khi ăn no hay thèm ăn thức ăn có nhiều đường, muối và chất béo… Thế nhưng các dấu hiệu này cũng không thật rõ ràng nên bệnh thường dễ bị bỏ qua, do đó dễ gây nguy hiểm khi không được tầm soát tốt.

Bởi tiền đái tháo đường khó phát hiện nên theo khuyến cáo của Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ, những người béo phì, huyết áp cao, gan nhiễm mỡ, tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường hay ở độ tuổi từ 45 trở lên… đều cần làm xét nghiệm đường huyết. Theo đó, nếu kết quả đường huyết nằm trong giới hạn bình thường thì nên làm xét nghiệm lại 3 năm một lần. 

Trong trường hợp được chẩn đoán tiền đái tháo đường thì nên làm xét nghiệm sàng lọc chẩn đoán đái tháo đường  tuýp 2 cứ 6 tháng đến một năm một lần. Việc làm này sẽ giúp phát hiện bệnh kịp thời, tránh những biến chứng xấu như giảm thị lực, đột quỵ, xơ vữa động mạch, nhiễm trùng dai dẳng ở các cơ quan khác nhau trên cơ thể… Chất lượng cuộc sống và tuổi thọ theo đó cũng bị suy giảm.

Điều trị sớm, giảm nguy cơ

Theo Ths - bác sỹ Lê Bá Ngọc (khoa Nội tiết và Đái tháo đường bệnh viện Bạch Mai): Giai đoạn tiền đái tháo đường kéo dài âm thầm nhiều năm mới trở thành bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, nếu phát hiện và kịp thời điều chỉnh lối sống, khả năng khỏi bệnh hoặc kéo dài thời gian trước khi chuyển thành đái tháo đường là rất lớn.

Theo đó, người mắc tiền đái tháo đường nên ăn đa dạng các loại thức ăn, ăn nhiều món trong một bữa và các món ăn nên thay đổi trong ngày, giữa các ngày, theo mùa… Các thức ăn cung cấp năng lượng rỗng như đường, nước ngọt, kẹo… nên hạn chế. Những người tiền đái tháo đường cũng nên ăn chừng mực, không nên ăn quá no hoặc để quá đói.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên ăn nhiều chất xơ như rau, củ, quả vì chúng giúp đường và mỡ hấp thụ vào máu chậm hơn. Đồ ăn nhanh hay thực phẩm chế biến sẵn… cần được hạn chế vì nó chứa nhiều dầu mỡ, gia vị… không tốt cho những người đang có mức đường huyết cao.

Ngoài chế độ ăn uống khoa học, nếu đang bị tiền đái tháo đường, bạn nên dành thời gian luyện tập thể thao hàng ngày theo nguyên tắc: từ từ, dần dần và thích hợp, không cố gắng tập quá sức. Việc luyện tập này cần được duy trì ổn định, tránh ngắt quãng thời gian quá dài vì như thế sẽ không có tác dụng.

Một điều cần lưu ý nữa là chế độ luyện tập ở những người khác nhau cũng cần phải khác nhau. Tuy nhiên, với hầu hết mọi người, đi bộ giúp làm giảm mỡ, giảm đường, giúp lưu thông khí huyết tốt, tim mạch tốt. Hơn nữa, đi bộ cũng sẽ giúp tinh thần cảm thấy thư giãn hơn. 

Theo nghiên cứu của bệnh viện Brigham (Anh), người bị tiền đái tháo đường cũng cần ngủ sớm, ngủ đủ giấc bởi nếu không nó sẽ nhanh chóng tiến triển thành bệnh tiểu đường do hàm lượng insulin của cơ thể tiết ra giảm đến 32%.