Tiền bắt đầu “rót” vào mô hình sản xuất liên kết, công nghệ cao

ANTĐ - Hợp đồng đầu tiên trong Chương trình cho vay thí điểm các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, phục vụ xuất khẩu nông nghiệp đã được ký kết.
Tiền bắt đầu “rót” vào mô hình sản xuất liên kết, công nghệ cao ảnh 1
Nguồn vốn được tập trung nhằm phát triển nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ


Thực hiện Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 5-3-2014 về phiên họp thường kỳ tháng 2-2014 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 1050/QĐ-NHNN qui định về việc cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Theo quyết định này, các doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết trong sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Các doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Các hộ nông dân, hợp tác xã đại diện cho nông dân thực hiện ký kết hợp đồng liên kết theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với các doanh nghiệp sẽ được NHNN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt vay vốn gắn với các dự án liên kết cụ thể.

Quyết định 1050 cũng qui định trần lãi suất cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn lần lượt là 7%/năm, 10%/năm và 10,5%/năm, thời gian thực hiện thí điểm cho vay là 2 năm kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực (ngày 28-5-2014).

Đối với những dự án được chấp thuận cho vay thí điểm nhưng có thời hạn vay vượt quá thời gian thí điểm, vẫn được tiếp tục thực hiện các nội dung đã ký kết với ngân hàng thương mại (NHTM) cho đến khi thanh lý hợp đồng tín dụng.

Theo quyết định này, các NHTM thực hiện cho vay thí điểm đối với khách hàng có mục đích liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các dự án ứng dụng khoa học công nghệ cao.

Việc cho vay đảm bảo tuân thủ đúng quy định hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, các quy định về đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng của TCTD và các văn bản pháp luật có liên quan. 
Các NHTM xem xét áp dụng lãi suất vay ngắn hạn đối với khách hàng đối với những mô hình liên kết theo chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ có thời gian vay trên 12 tháng (nhưng không quá 18 tháng), mỗi khâu (sản xuất, chế biến, tiêu thụ) đều dưới 12 tháng và khách hàng cam kết trả một phần nợ sau mỗi khâu của chuỗi.

Về hình thức cho vay, NHTM cho vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu vốn cho các chi phí về sản xuất nông nghiệp gồm giống, phân bón, vật tư nông nghiệp... Cho vay trung, dài hạn để đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị phục vụ cho các mô hình sản xuất.

Quyết định 1050 được ban hành sau những nỗ lực liên tiếp của NHNN, đặc biệt thông qua kết quả phân tích, đánh giá tình hình cụ thể và tổng hợp, nghiên cứu những đề xuất về phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng kinh tế trọng điểm, nhất là tình hình phát triển nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ.

Đây là hai lĩnh vực cần được quan tâm hàng đầu, là cơ sở để nền kinh tế phát triển cân đối và bền vững trong dài hạn, tránh sự lệ thuộc vào môi trường kinh tế bên ngoài trong thế giới toàn cầu hóa với nhiều rủi ro khó lường.

Ngay sau khi quyết định của NHNN được ban hành, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đã ký hợp đồng tín dụng với 4 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang.

Bao gồm Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An (Tafishco); Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thịnh Phú An Giang; Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Tín Thương và Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang. Đây là những hợp đồng đầu tiên trong Chương trình cho vay thí điểm các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, phục vụ xuất khẩu nông nghiệp.