Tiêm vaccine nhưng vẫn cần có thời gian mới tạo ra miễn dịch cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Bước sang ngày thứ 2 Hà Nội thực hiện Chỉ thị 22, lãnh đạo thành phố đặc biệt lưu ý tình trạng người dân ra đường quá đông vào tối Trung thu, cho thấy sự chủ quan trong việc thực hiện yêu cầu giãn cách phòng, chống Covid-19 cũng như lúng túng trong công tác kiểm soát.

Chiều 22-9, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng, Phó Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 Hà Nội đã chủ trì phiên họp trực tuyến với các sở ngành; quận, huyện; xã phường về việc thực hiện Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 20-9-2021 của Chủ tịch UBND TP.

Báo cáo tại giao ban, đại diện Sở Y tế cho biết, từ 18h ngày 21-9 đến 14h ngày 22-9, trên địa bàn thành phố ghi nhận 6 trường hợp F0, trong đó có 5 trường hợp tại khu vực cách ly tập trung và 1 trường hợp ngoài cộng đồng.

Hiện toàn thành phố có 31/654 điểm còn phong tỏa, cách ly y tế tập trung. Về công tác xét nghiệm, từ 18h ngày 21-9 đến 14h ngày 22-9, thành phố đã xét nghiệm được hơn 5.278 mẫu, trong đó có 6 mẫu dương tính, chủ yếu thực hiện lấy mẫu tại các khu vực phong tỏa, khu vực cách ly tập trung.

Về công tác tiêm vaccine, đến nay thành phố đã tiêm được hơn 6,4 triệu mũi, trong đó hơn 5,6 triệu là mũi 1 vaccine phòng Covid-19 (chiếm tỷ lệ 68,6% dân số), so với độ tuổi từ 18 trở lên là 94,6%.

Cùng với đó, thành phố đang cách ly tập trung cho 3.647 người; đồng thời đang điều trị cho 846 người.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đưa ra ý kiến việc triển khai Chỉ thị 22 là phù hợp nguyện vọng người dân, nhưng kèm theo đó là gia tăng trách nhiệm với ngành Y tế.

"Chiến dịch tiêm chủng, xét nghiệm đã có sự kết hợp nhịp nhàng của các bên và đạt hiệu quả tốt nhưng lại phát sinh tâm lý chủ quan, lơ là của người dân khi thấy ca F0 giảm. Điều này khiến công tác phòng chống dịch gặp khó khăn khi người dân ra đường nhiều, không đeo khẩu trang cho trẻ con ra đường đón Tết trung thu tối 21-9".

Bà Trần Thị Nhị Hà đưa ra thống kê, Hà Nội có 3.308 bệnh nhân đã ra viện và đang điều trị Covid-19, trong đó có 311 bệnh nhân đã được tiêm chủng mũi 1, chiếm tỉ lệ gần 12%, 73 bệnh nhân tiêm mũi 2 nhiễm Covid-19, chiếm tỉ lệ 2,2%.

Trong số 311 bệnh nhân đã tiêm 1 mũi vaccine thì có có 85 người điều trị tầng 2, có 21 bệnh nhân đã tiêm mũi 2 điều trị tầng 2 có triệu chứng trung bình, nếu không có phác đồ phù hợp thì rất dễ chuyển sang tầng 3 có nguy cơ tử vong cao.

Trước vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho rằng Hà Nội cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao hơn nữa ý thức của người dân trong việc hiểu rõ vai trò, tác dụng, ý nghĩa tiêm chủng vaccine Covid-19.

Cần có thời gian tạo ra miễn dịch cộng đồng, tránh sự chủ quan, lơ là, đặc biệt, người đã tiêm 2 mũi mới chiếm khoảng 2% người trong độ tuổi được tiêm vaccine và vẫn có khả năng lây nhiễm cho người khác, đặc biệt là với những người chưa được tiêm chủng.

Ông Chử Xuân Dũng chủ trì phiên họp chiều tối 22-9
Ông Chử Xuân Dũng chủ trì phiên họp chiều tối 22-9

Báo cáo tại buổi giao ban, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thị Mai Hương cho biết, hiện đã có 609 tài khoản của các quận, huyện để chuyển thông tin hàng ngày cho các xã, phường nắm, thông qua đó thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, vận động việc cài đặt các nền tảng công nghệ để phục vụ công tác giám sát, truy vết sau khi TP nới lỏng giãn cách.

Hiện nay, Hà Nội đứng thứ sáu trên cả nước về cài đặt ứng dụng Bluzone, thấp hơn một số tỉnh như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương.

Một số quận huyện trên địa bàn TP có tỷ lệ cao nhất là Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm đạt 56%. Tuy nhiên có một số địa phương tỷ lệ cài đặt thấp như Ba Vì chỉ có 39%. “Với tỉ lệ này, công tác giám sát rất khó”- bà Hương cho biết.

Qua công tác rà soát và triển khai cho thấy, tỉ lệ này có thể cải thiện dễ dàng. Điển hình như huyện Phú Xuyên, một vài tuần trước đây, tỉ lệ cài đặt Bluezone chỉ có 37%, sau khi đồng chí Bí thư Huyện uỷ trực tiếp chỉ đạo và cử các tổ chức Đoàn, hội xuống địa bàn hướng dẫn cho người dân thì sau 1-2 tuần tăng trên 51%, đáp ứng được yêu cầu truy vết.

Sở TT&TT đề xuất các quận, huyện khi đã cài đặt rồi thì cần tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân quét mã.

Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết, Sở sẽ cùng các cơ quan báo chí Trung ương và TP, hệ thống thông tin cơ sở để đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân khai báo y tế, quét mã phục vụ truy vết.