Tiêm kích tàng hình J-31 của Trung Quốc trong mắt chuyên gia phương Tây

AĐ - Mới đây, các trang mạng Trung Quốc đăng tải hình ảnh tiêm kích mới J-31. Theo các nhà phân tích phương Tây, đây dường như là sự rò rỉ thông tin có chủ ý.
“Những bức ảnh này chỉ có thể thực hiện bởi nhiếp ảnh gia có thẩm quyền, vì không ai có thể chụp máy bay ở cự ly gần. Tôi không thể tưởng tượng rằng, nhà máy Thẩm Dương có thể đăng tải các hình ảnh trên truyền thông mà không được sự cho phép từ cấp trên”, Giám đốc GlobalSecurity, John Pike nói.
Cộng tác viên cao cấp của Trung tâm chiến lược và đánh giá quốc tế (IASC) Richard Fisher cũng đồng ý với nhận định của Pike. "Cơ quan kiểm duyệt internet của Trung Quốc sẽ không để điều này xảy ra”, Richard Fisher nói. Cũng theo ông này, việc công bố các bức ảnh này được thực hiện nhằm hâm nóng người dân Trung Quốc về “chủ nghĩa dân tộc”.
Richard Fisher cho rằng, J-31 rất giống F-35 của Mỹ và “J-20 là máy bay tàng hình hạng nặng còn J-31 là máy bay tàng hình hạng trung. Điều này tương tự như khái niệm về F-22 và F-35”.
John Pike cho rằng, Trung Quốc chỉ có thể lựa chọn một trong hai thiết kế máy bay mới vào sản xuất loạt.
Dù J-20 và J-31 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm nhưng đặc tính của chúng không thể cùng đẳng cấp với các chiến đấu cơ mới nhất của Mỹ. Ví dụ, đẳng cấp công nghệ động cơ phản lực của Trung Quốc còn xa mới bằng động cơ của Mỹ, đây là "vết thương trên ngực của hàng không quân sự Trung quốc”.
Bức ảnh rõ nét về chuyến bay thử tiêm kích J-31.

Bức ảnh rõ nét về chuyến bay thử tiêm kích J-31.


Tuy nhiên, ông Fisher lại có cái nhìn tích cực hơn về trình độ chế tạo động cơ hàng không Trung Quốc, “Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn trong lĩnh vực này, nhưng họ đã đạt được một số tiến bộ”.
Theo quan điểm của ông, Trung Quốc đang phát triển động cơ mới cho J-31. Mẫu thử nghiệm của động cơ này đã được trình bày ở Triển lãm hàng không Chu Hải năm 2008. Các chuyên gia cho rằng, động cơ mới đang trong quá trình thử nghiệm.
Một vấn đề đặt ra là mức độ công nghệ tàng hình của Trung Quốc. Theo ông Fisher, J-31 khá giống F-22 khi nhìn từ bên hông, còn giống F-35 khi nhìn từ phía trước. Chiến đấu cơ có thể có lớp sơn phủ hấp thụ sóng vô tuyến.
Cả hai chuyên gia Pike và Fisher đều nhất trí quan điểm rằng trên J-31 chắc chắn sử dụng công nghệ tàng hình và J-31 có thể là để sử dụng như một máy bay chiến đấu cho tàu sân bay thứ hai của Hải quân Trung Quốc được trang bị máy phóng thay vì kiểu boong phóng trên Liêu Ninh CV-16.
Về thời gian có thể đưa máy bay vào trực chiến thì hai chuyên gia lại có cái nhìn khác nhau. “Tôi không biết khi nào thì máy bay tàng hình gia nhập lực lượng vũ trang, nhưng tôi nghĩ rằng phải sau 15 năm nữa”, ông Pike nói. Về phần Fisher cho rằng, phi đội J-31 đầu tiên có thể gia nhập lực lượng vũ trang sau 4-5 năm.