Tiêm kích hạm F/A-18E Super Hornet Mỹ suýt rơi xuống biển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sự cố liên quan đến cáp hãm đà xảy ra vào tháng 11/2023 khiến chiếc tiêm kích F/A-18E Mỹ trượt khỏi đường băng tàu sân bay. Rất may phi công kịp lấy lại độ cao khi máy bay chỉ còn cách mặt biển khoảng 5 mét.

Trang Business Insider hôm 5/2 công bố tài liệu thu thập được về sự việc xảy ra ngày 27/11/2023 với tiêm kích hạm F/A-18E Super Hornet của Phi đoàn Tiêm kích số 83, đang làm nhiệm vụ trên tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower tác chiến ở Trung Đông.

Theo đó, khi chiếc tiêm kích F/A-18E Super Hornet hạ cánh xuống tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower thì một sợi cáp hãm đà trên boong bị đứt sau khi móc vào tiêm kích.

Trước khi bị đứt, sợi cáp đã giúp chiếc F/A-18E Super Hornet giảm tốc xuống còn 148 km/h. Tài liệu do Business Insider thu thập viết rằng phi công "đã thực hiện đúng quy trình hạ cánh trên tàu sân bay bằng cách tăng ga lên mức công suất quân sự". Sau ba giây, phi công sẽ giảm ga xuống mức không tải, móc hãm ở đuôi máy bay sẽ được nâng cao lên theo tín hiệu của người hướng dẫn trên boong.

Vào thời điểm sự cố đứt cáp xảy ra, phi công trên chiếc F/A-18E Super Hornet lập tức cảm thấy có điều không ổn khi tiêm kích không dừng lại trên sàn đáp. Do tốc độ máy bay khi đó đang ở mức tối thiểu, phi công phải lập tức kích hoạt tối đa buồng đốt sau, nhằm tạo ra nhiều lực đẩy nhất có thể để giúp phi cơ cất cánh trở lại.

Tiêm kích hạm F/A-18E/F Super Hornet
Tiêm kích hạm F/A-18E/F Super Hornet

Chiếc tiêm kích hạm di chuyển về cuối sàn đáp ở tốc độ thấp nguy hiểm là 163 km/h. Thông thường, máy bay cần đạt tốc độ khoảng 277 km/h để cất cánh an toàn từ tàu sân bay.

Phi cơ sau đó trượt khỏi mép boong tàu và giảm độ cao nhanh chóng, dù phi công đã kích hoạt buồng đốt sau. Dữ liệu bảo trì cho thấy độ cao thấp nhất của chiếc tiêm kích hạm so với biển là 5-10 mét.

Khi máy bay sắp rơi xuống biển, phi công đã điều chỉnh tiêm kích rồi kéo cần lái để nâng mũi, giúp nó dần tăng độ cao và thoát hiểm.

"Phi công đã thể hiện kỹ năng phi thường, không chỉ cứu mạng bản thân mà còn cả chiếc máy bay trị giá 60 triệu USD. Toàn bộ sự việc diễn ra trong vòng chưa đầy 20 giây, đòi hỏi phi công phải tính toán rất nhanh", biên tập viên Jake Epstein của Business Insider nhận định.

Tiêm kích hạm F/A-18E/F Super Hornet
Tiêm kích hạm F/A-18E/F Super Hornet

F/A-18E/F Super Hornet được phát triển từ tiêm kích hạm nổi tiếng F/A-18 Hornet. Chúng được đưa vào trang bị trong không quân hải quân Mỹ vào năm 1999 nhằm thay thế cho chiếc máy bay F-14 Tomcat.

Những thay đổi về cấu trúc làm cho máy bay lớn hơn, tầm bay xa hơn, mang nhiều vũ khí hơn và có khả năng thực hiện đa nhiệm vụ với khả năng tàng hình nhẹ, nhằm ẩn nấp khỏi việc truy sát của phòng không đối phương. Đây được coi là loại tiêm kích hạm mạnh thành công nhất của Mỹ.