Tiềm ẩn nhiều có hại nguy cơ từ thực phẩm nhuộm màu

ANTD.VN - Phẩm màu không rõ nguồn gốc được bán tràn lan tại các chợ đang là nỗi lo của rất nhiều người. Nhiều tiểu thương vì lợi nhuận đã lạm dụng phẩm màu, sử dụng các phẩm màu ngoài danh mục cho phép để trộn lẫn cùng thực phẩm. Và việc lạm dụng phẩm màu trong thực phẩm (đặc biệt là phẩm màu tổng hợp) có thể gây ngộ độc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nếu tích lũy lâu dài có thể dẫn đến ung thư…

Ngày nay, việc lạm dụng phẩm màu không nằm trong danh mục cho phép để chế biến thực phẩm, gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của người tiêu dùng không còn xa lạ.

Hàng loạt thức ăn như chim rán, vịt quay, hạt dưa, mứt kẹo, thịt bò khô tự làm, nước giải khát... được nhuộm màu thực phẩm xuất hiện khắp nơi trên thị trường. Việc lạm dụng quá mức các phẩm màu để tạo màu sắc cho thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Thực phẩm càng rực rỡ càng nguy hiểm

Theo thông tin trên báo Hà Nội mới, ở các nước trên thế giới, để tìm mua các loại phụ gia thực phẩm như phẩm màu, hương liệu… rất khó khăn vì doanh nghiệp kinh doanh hóa chất chịu sự quản lý rất nghiêm ngặt. Ngược lại, ở nước ta, việc buôn bán các loại hương liệu, phẩm màu chưa được quản lý chặt chẽ.

Trên thị trường, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua các loại phẩm màu không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không được phép sử dụng trong thực phẩm. Các loại bánh, mứt, kẹo, nước giải khát, vịt quay, giò chả… với muôn vàn chủng loại, màu sắc “bắt mắt” tràn ngập thị trường và theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng tùy tiện những loại thực phẩm có chứa phẩm màu ngoài danh mục cho phép có thể dẫn đến nhiều loại bệnh nguy hiểm.

Tiềm ẩn nhiều có hại nguy cơ từ thực phẩm nhuộm màu ảnh 1 

Những thực phẩm càng bắt mắt, sặc sỡ càng nguy hiểm

Phẩm màu có hai loại, gồm phẩm màu tự nhiên và hóa học. Phẩm màu tự nhiên thường có màu sắc không rực rỡ do được chiết suất từ chất hữu cơ như củ, quả, lá... Do vậy, khi chế biến, người dùng phải sử dụng một lượng lớn thì mới tạo được màu sắc bắt mắt cho thực phẩm. Phẩm màu hóa học thì ngược lại, dùng lượng ít nhưng màu sắc rất rực rỡ. Bằng mắt thường khó có thể phân biệt đâu là phẩm màu tự nhiên, đâu là phẩm màu hóa học. Tuy nhiên, thực phẩm có màu càng sặc sỡ thì nguy cơ dùng phẩm màu hóa học càng cao, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người càng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, trên thực tế, có không ít trường hợp vì lợi nhuận nên đã sử dụng chất màu công nghiệp để thay thế, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng. Đơn cử như Rhodamine B là hóa chất phẩm màu chỉ sử dụng để nhuộm, cấm dùng trong thực phẩm vì chúng gây hại cho gan, thận, có thể dẫn đến ung thư. Thế nhưng, cơ quan chức năng từng phát hiện loại phẩm màu này được sử dụng trong chế biến hạt dưa, tương ớt, sa tế...

Hiện nay, phẩm màu công nghiệp vẫn được dùng khá phổ biến trong một số thực phẩm dành cho trẻ em như: Thạch, nước trái cây, đồ ăn nhanh, kẹo, bánh... Đa số phẩm màu độc hại đi vào cơ thể con người và gây ra hiện tượng “ngộ độc trường diễn”, nghĩa là chúng tích tụ một thời gian dài trong cơ thể rồi gây bệnh.

Phẩm màu công nghiệp: Lúc nào cũng có sẵn

Theo thông tin trên Zing, kết quả khảo sát do Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM, tại chợ Bình Tây (quận 6, TP.HCM), mứt dừa đủ màu trắng, vàng, hồng, xanh… không nhãn mác được rao bán với giá 80.000 đồng/kg.

Tiềm ẩn nhiều có hại nguy cơ từ thực phẩm nhuộm màu ảnh 2 

Phẩm màu công nghiệp không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan tại các chợ

Kết quả khảo sát còn ghi nhận sa tế tương dầu (của một cơ sở ở quận 6, TP.HCM) và sa tế nấu lẩu (của một cơ sở ở huyện Nhà Bè, TP.HCM) chứa hàm lượng Rhodamine B 0,27-226 mg/kg. Hai sản phẩm nói trên cũng được kinh doanh trong một siêu thị ở TP.HCM.

Tại chợ Kim Biên (quận 5, TP.HCM), phẩm màu công nghiệp được rao bán không tới 10.000 đồng/100 g, cần bao nhiêu cũng có. “Khi làm mứt cho vô ít thôi nhưng màu đẹp và bền lâu” - người bán giới thiệu. Phẩm màu được đựng trong những bịch không nhãn mác. Còn trên đường Phan Văn Khỏe (quận 5, TP.HCM), ông chủ một cửa hàng hóa chất khuyên nên mua bột màu công nghiệp vì vừa rẻ vừa làm được nhiều mứt. “100 g bột màu công nghiệp làm được một tấn mứt”, ông chủ này giới thiệu.

Phẩm màu công nghiệp vẫn được dùng tràn lan

Theo thông tin trên Người Lao động, tất cả màu thực phẩm nhân tạo độc hại đã bị Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ cấm từ lâu, nhưng có 5 loại vẫn tồn tại trong chợ Việt Nam là màu thực phẩm: Blue1, 2; Red 3; Green 3; và Yellow 6 – đây đều là những chất có thể gây ra ung thư khi thí nghiệm ở động vật.

Tiềm ẩn nhiều có hại nguy cơ từ thực phẩm nhuộm màu ảnh 3

Sử dụng thực phẩm nhuộm màu có nguy cơ gây ngộ độc đặc biệt là trẻ em

Blue 1 và 2 được tìm thấy trong những thức uống giải khát như (trà, sữa, rượu, bia…), kẹo, đồ nướng và thức ăn cho thú cưng có mức nguy hiểm thấp nhưng nó liên quan đến ung thư ở chuột.

Red 3 tạo ra màu đỏ anh đào, rượu cocktail, kẹo, đồ nướng, đã được chứng minh gây ra khối u tuyến giáp ở chuột. Green 3 có trong kẹo và thức uống giải khát, dù là ít sử dụng, gây ra ung thư bàng quang.

Những cuộc nghiên cứu thấy rằng yellow 6 là chất hay được sử dụng nhất để cho vào thức uống giải khát, xúc xích, gelatin, đồ nướng và kẹo. Yellow 6 có thể gây ra khối u ở thận và tuyến thượng thận.

Một nghiên cứu trước đây của Cục Quản lý tiêu chuẩn thực phẩm Anh còn cho thấy, việc dùng thường xuyên thực phẩm có màu công nghiệp sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến trí tuệ của trẻ, khiến chỉ số IQ giảm ít nhất 5,5 điểm.

Để phòng ngừa ngộ độc thức ăn và các bệnh liên quan đến thực phẩm, các bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn những thức ăn không rõ nguồn gốc, đặc biệt không ăn những thức ăn có phẩm màu lòe loẹt, bắt mắt. Đặc biệt với trẻ em, rất nhạy cảm với những thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thậm chí rất dễ bị ngộ độc nguy hiểm đến tính mạng.

Khi có biểu hiện bất thường, cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và chữa trị kịp thời, không chủ quan để ở nhà theo dõi và tự ý cho trẻ dùng thuốc khiến tình trạng bệnh tăng nặng, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.