Tiềm ẩn cháy từ cục nóng điều hòa

ANTĐ - Vụ hỏa hoạn xảy ra chiều 1-10 tại phòng 705 nhà 17T4 và trước đó 7 tháng, hỏa hoạn cũng xảy ra tại phòng 1208, nhà 34T đều thuộc khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính cùng xuất phát từ một nguyên nhân do chập điện cục nóng điều hòa lắp đặt ngoài ban công. Đây được coi là nguy cơ cao tiềm ẩn xảy ra cháy tại khu đô thị hiện đại này.

Không thể coi thường hiểm họa cháy nổ từ cục nóng điều hòa

Kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên 

Hiện nay, tại  khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính  100% các căn hộ đều được  lắp đặt điều hòa, trong đó phần lớn các gia đình cho lắp đặt cục nóng điều hòa treo ngoài ban công căn hộ. Quá trình sử dụng, các gia đình đã  thuê thợ đến bảo dưỡng điều hòa, nhưng chủ yếu là làm vệ sinh cục lạnh và bơm gas vào bộ phận chứa mà không hề kiểm tra, bảo dưỡng cục nóng.

Mặt khác do cục nóng điều hòa treo ngoài ban công và ở trên cao nên thợ bảo dưỡng cũng ngại “trèo lên” kiểm tra. Hơn nữa, do đặc thù của khu đô thị, phần lớn các gia đình đều tận dụng ban công để làm kho chứa đồ, trong đó có nhiều vật dụng bằng giấy, nhựa để ngay khu vực phía dưới cục nóng nên khi xảy ra sự cố chập điện cục nóng điều hòa, lửa bùng lên sẽ lan sang các vật dụng dễ cháy xung quanh, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc khống chế và dập tắt lửa. Theo chị Lê Hải Lý, cư dân khu đô thị này, đúng là nhiều gia đình nghĩ đơn giản cục nóng điều hòa treo ngoài ban công nên không cần bảo dưỡng kỹ lắm, thậm chí vào mùa đông còn có chim kéo về làm tổ ở bên trong cục nóng này mà chủ hộ cũng không để ý! Ai ngờ từ những sự cố xảy ra gần đây, cục nóng điều hòa lại luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rất lớn.

Từ thực tế trên, để phòng ngừa các vụ hỏa hoạn tương tự có thể xảy ra, chiều 2-10, ông Đào Bình Long, Đội trưởng Đội bảo vệ kiêm PCCC cơ sở - Công ty Vinasinco là đơn vị quản lý và khai thác khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính cho biết Công ty Vinasinco đã có thông báo yêu cầu các chủ căn hộ  kiểm tra tổng thể hệ thống điện, đặc biệt là hệ thống điều hòa không khí và các thiết bị sử dụng điện sinh hoạt đảm bảo an toàn PCCC. Nếu gia đình nào phát hiện máy điều hòa không khí quá cũ, không an toàn khi sử dụng thì nên thay thế. Công ty cũng khuyến cáo người dân không nên biến ban công thành kho chứa và không để chất dễ cháy gần cục nóng điều hòa nhiệt độ...

Người dân cần nâng cao kỹ năng PCCC

Khu đô thị Trung Hòa- Nhân Chính là một trong nhiều khu chung cư cao tầng trên địa bàn Hà Nội tập trung đông dân ở trên cao nên việc thoát hiểm, cứu nạn khi xảy ra sự cố cháy nổ khó khăn, phức tạp hơn nhà ở thấp tầng. Chính vì vậy, người dân cần nêu cao ý thức tự phòng ngừa và có các kỹ năng PCCC cần thiết. Trở lại vụ cháy xảy ra vào chiều 10-3-2010 tại tòa nhà chung cư JSC thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân  khiến 2 người chết. Nguyên nhân vụ cháy là do lửa bùng phát tại tầng 1 sau đó lan theo hệ thống đường rác bốc lên tầng 2 khiến khói mù mịt phủ lên tòa nhà. Một số người dân ở đây kể lại, nếu lúc đó 2 mẹ con nạn nhân sống ở trên cao có kỹ năng về PCCC, bình tĩnh dùng khăn ướt che mặt và mũi rồi chọn đường thoát hiểm xa “trung tâm” khói thì có thể không bị ngạt khói, dẫn đến tử vong.

Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Trưởng phòng Hướng dẫn về phòng cháy- Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội thừa nhận, các vụ cháy nhà cao tầng xảy ra gần đây tại Hà Nội  cho thấy nhiều người dân mất bình tĩnh, không có kinh nghiệm ứng phó để thoát hiểm nên dễ xảy ra thương vong. Do đó, khi xảy ra cháy tại khu cao tầng, người dân cần bình tĩnh xử lý.

Cụ thể, khi phát hiện ra cháy cần nhấn chuông báo cháy ở mỗi tầng nhà để báo động toàn khu nhà . Ngắt điện ở căn hộ của mình để đề phòng chập điện. Không sử dụng thang máy để thoát hiểm vì có thể mắc kẹt ở trong đó khi có sự cố điện. Hầu hết các đám cháy đều có khói mù mịt và dày đặc nên để tránh bị ngạt, người dân  nên sử dụng khăn ướt bịt miệng và mũi, tìm cách vượt qua đám khói bằng cách cúi thấp người, thậm chí bò trên mặt sàn để đến đường thoát hiểm gần nhất. Một kỹ năng PCCC quan trọng  nữa mà người dân cần biết là nắm chắc thiết kế tòa nhà, hệ thống cửa, cầu thang thoát hiểm để có ý thức chủ động xử lý khi xảy ra cháy. Cần xác định điểm cháy hoặc khu vực phát sinh ra nguồn khói dày đặc từ đó khi thoát hiểm và chọn lối cách xa nguồn phát sinh ra lửa và khói. Có trường hợp dẫn đến tử vong đáng tiếc do người bị nạn vì  hoảng loạn đã chọn lối thoát hiểm gần nhất lại ở gần  “tâm” của khói nên đã bị khói “tấn công” gây ngạt. 

Theo Đại tá Nguyễn Văn Sơn, khi lực lượng PCCC chữa cháy chuyên nghiệp cùng phương tiện có mặt tại hiện trường để triển khai các biện pháp chữa cháy thì người dân trong tòa nhà tuyệt đối chấp hành hướng dẫn của cảnh sát PCCC, không hoảng loạn mất bình tĩnh dẫn đến có các hành động nguy hiểm đến tính mạng…