Tiệc ở ngày xưa

ANTD.VN - Tất nhiên xưa cũng như nay, nhân dịp xong hoặc sẽ xong một đại sự nào đấy, thường là chuyện vui, thì người ta rất hay loay hoay mở tiệc. Tiệc là một đám tụ tập (người Việt nói ngắn gọn, hôm nay nhà có đám) có ăn có uống, nếu dư dật thì có thêm múa hát, có tràn ngập đàn ông. 

Ngày nay chỉ cần một lý do nhỏ người ta cũng có thể gặp nhau để tiệc tùng

Và ở những bữa tiệc xa xỉ, nhất là lúc tàn lại phát sinh vui vẻ, thì đàn bà cũng có. Chẳng biết bộ phim cố tình ăn khách nổi tiếng một thời “Dạ yến” của đạo diễn Phùng Tiểu Cương người Tàu có lấy cảm hứng gì từ bức hoạ khét tiếng “Hàn Hi Tái dạ yến đồ” do Cố Hoành Trung cũng người Tàu vẽ không, chỉ biết đây là bức tranh điển hình miêu tả cho một thứ tiệc thượng lưu phè phỡn.

Trong những bữa tiệc kiểu này, thực khách ăn uống chỉ cốt để nôn ra, bởi ngồn ngộn trên bàn là tú ụ cao lương mỹ vị mà có khoẻ như beo như sói cũng không thể hấp thụ trong một sớm một chiều. Nào là tôm hùm hấp to bằng bắp đùi hoa hậu, giá tiền một đĩa tương đương với giá lương tháng của một thiếu nữ quê nghèo đang tần tảo dệt may ở một khu chế xuất. Nào là chim trĩ nhồi sâm củ ngàn năm tròn căng như ngực siêu mẫu, giá một bát xấp xỉ bằng tiền công cả một làng đi làm thuê ròng rã cả tháng.

Ở ta hồi khó khăn bao cấp, những người được mời đi dự tiệc thường là những tay khác thường. Thỉnh thoảng, vài văn nghệ sĩ nào mà được tham dự thì vĩnh viễn nhớ. Rồi khi đến tiệc mà còn được gặp ông này bà nọ thì thật đúng là hân hạnh của muôn đời. 

Trong một chuyến công tác phương Bắc, đại thi hào người Việt là Nguyễn Du có được mời dự tiệc. Trước khi vào ăn chợt Tố Như bỗng thấy lê la ngoài đường một người mẹ và ba đứa con sắp chết đói, ông bật khóc viết bài “Sở kiến hành” nôm na là “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.

Nguyên văn chữ Hán thê thảm lắm, nên có người ứa lệ theo ông Nguyễn mà dịch thành vần Việt. “Mâm cỗ sang vô kể. Nào vây cá gân hươu. Lợn dê mâm đầy ngút. Quan lớn không gắp qua. Bọn dưới chỉ nếm chút. Biết đâu bên lề đường. Có mẹ con khổ cực”. (Bắc hành tạp lục). Nhiều học giả đương đại bụng phệ có thâm niên được mời ăn tiệc, tấm tắc khen bài thơ hiện thực, đã vạch trần ra bản chất của chế độ phong kiến thối nát.

Ở ta hồi khó khăn bao cấp, những người được mời đi dự tiệc thường là những tay khác thường. Thỉnh thoảng, vài văn nghệ sĩ nào mà được tham dự thì vĩnh viễn nhớ. Rồi khi đến tiệc mà còn được gặp ông này bà nọ thì thật đúng là hân hạnh của muôn đời.

Ảnh chụp chung cho dù có phóng to hết cỡ, mặt cũng chỉ bằng đầu tăm, nhưng luôn trân trọng treo giữa nhà dặn con cháu giữ gìn như gia bảo. Tất nhiên, vì đang thời trong sạch vất vả, tiệc tùng hồi ấy đơn sơ đạm bạc. “Oách” nhất là mấy chai bia “Hữu Nghị”, thêm đĩa thuốc lá đựng chừng chục điếu “Thăng Long”. Ngoài ra thì bánh mứt kẹo “Hà Nội”, rồi chè “Thái” và tuyệt đối chưa bao giờ có gái “Tuyên”. 

Đại loại “công tiệc” là vậy, nhưng “tư tiệc” có hơi khác. Ở đám dân chúng bình thường, nhân dịp hiếu hỉ, gia chủ tích góp lòng thành vất vả sửa một tiệc khiêm cung gọi là “bữa cơm thân mật”. Cho đến giờ tại Hà Nội, thuật ngữ này vẫn được dùng ở những thiếp cưới trang trí xanh đỏ lòe loẹt.

Tiệc cưới đã giở ra ăn mặn, thì sống chết cũng phấn đấu làm thành 4 bát 6 đĩa. Vì chưa có văn hoá phong bì nên sau đêm tân hôn cô dâu chú rể thường lầm lũi kéo cày giả nợ. Và nhờ “cùng một lứa bên trời lận đận”, nói chung hôn nhân thời bao cấp, vợ chồng sống bền bỉ đến đầu bạc.

Tiệc mặn của lễ cưới hồi đó thì chỉ mời người thân, còn tiệc ngọt mới mời linh tinh rộng. Nhà trai nhà gái lúc ấy rất yêu thương nhau, nên tiếp khách chung cùng hội trường, do đó phát sinh một loại đàn ông chuyên đi dự tiệc “chùa”. Những tay này mặt mũi sạch sẽ, có duy nhất một áo vét tông đã bong hết lớp vải lót, bên trong vận áo sơ mi trắng cổ sờn khéo léo “pích kê”.

Bọn họ trà trộn vào đám tân khách, nhỡ nhà giai hỏi thì bảo mình là khách nhà gái hoặc ngược lại. Thỉnh thoảng gia chủ có hớ hênh thì cũng rút trộm chút ít đồ mừng. Nhiều tay bị bắt quả tang thì đành chuyển sang đám hiếu. Bây giờ đám thập thành đi dự tiệc “ké” vẫn còn rất nhiều.

Thương thay, ngày xưa người ta miễn cưỡng làm chuyện này là vì đói, còn ngày nay hầu hết là thèm huyênh hoang danh hão. Chẳng phải chức trách chuyên môn gì của mình, cũng lê liếm cố kiếm bằng được tấm giấy mời. Từ mừng công bóng đá đến tổng kết đặt vòng rồi bán tranh từ thiện, tuần chay nào cũng sũng sĩnh nước mắt, mồm miệng nhờn mỡ những là “nhân nghĩa lễ trí tín”.

Ngoài những thứ vớ vẩn như đã kể, tiệc ở ngày xưa vẫn có những người hoành tráng lẫm liệt. Phàn Khoái thời Hán Sở tranh hùng chẳng hạn, hộ vệ Lưu Bang đi dự Hồng Môn yến, đã hào sảng ăn hết một vai lợn làm đối phương chủ tiệc kinh ngạc run sợ. Tất nhiên họ Phàn về già bị gan nhiễm mỡ có thêm tiểu đường lẫn cao huyết áp.

Hoặc Quan Vân Trường thời Tam Quốc, cũng được phe Đông Ngô đối địch mời ăn cỗ, đã oai phong cầm theo “hàng nóng” là cả một thanh long đao to đùng, làm gia chủ Lã Mông khi tiếp hộ thức ăn phải ngấm ngầm đóng “bỉm”.

Nhưng đáng kể nhất là danh thần Nguyễn Biểu thời mạt Trần của Đại Việt. Khi được tướng Tàu tàn bạo Trương Phụ của nhà Minh mời dự tiệc ăn cỗ đầu người, cụ Nguyễn khí tiết coi đấy là đầu kẻ thù, ung dung khoét mắt ăn trước. Có thể nói, tráng khí hào hùng từ sự tử tiết của liệt sĩ Nguyễn Biểu đã báo trước việc thảm bại của đám giặc phương Bắc. 

Ngày nay, phố Nguyễn Biểu ở thủ đô dài 260 mét, đi từ phố Trấn Vũ tới phố Phan Đình Phùng nối đường Hoàng Diệu. Hồi bao cấp, phố nhỏ nhiều cây yên bình này thường được các cặp tử tế yêu nhau chọn làm nơi hẹn.