Tiếc cho du lịch làng nghề Phú Xuyên

ANTĐ - Nằm trên trục giao thông Pháp Vân-Cầu Giẽ thuận lợi cho việc đi lại của du khách, và là nơi tập trung nhiều làng nghề của Hà Nội nhưng huyện Phú Xuyên đang bỏ ngỏ tiềm năng du lịch làng nghề. 

Tiếc cho du lịch làng nghề Phú Xuyên ảnh 1Huyện Phú Xuyên, làng tò he Xuân La độc nhất Việt Nam

Con số 0 tròn trĩnh

Khác với các làng nghề trên địa bàn Hà Nội như lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng luôn tấp nập du khách, mua sắm sản phẩm và tham quan các địa chỉ văn hóa, các làng nghề của Phú Xuyên chỉ có những chuyến xe chở sản phẩm đi tiêu thụ và không khí làm việc miệt mài của những người thợ thủ công nơi đây. Hàng năm, kinh tế làng nghề đóng góp vào ngân sách của huyện rất lớn nhưng du lịch làng nghề của Phú Xuyên lại gần như là con số 0 tròn trĩnh.

Rất hiếm để bắt gặp hình ảnh du khách nhẩn nha thả bộ trên đường làng. Thấy tôi đang đứng trước cửa, chưa biết nên hỏi ai để tìm hiểu về du lịch làng nghề, nghệ nhân Nguyễn Thị Vui (làng nghề khảm trai nổi tiếng Chuyên Mỹ) chạy ra hỏi chuyện và mời vào nhà. Qua chén nước chè, bà chia sẻ “Làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ có từ cách đây 1.000 năm, người làng chúng tôi sinh ra là đã biết tới tiếng đục, tiếng đẽo và cũng chuyên tâm với công việc của ông cha. Sản phẩm của Chuyên Mỹ đã được xuất sang nhiều nước trên thế giới, thu nhập của người làng cũng ở mức ổn định, đảm bảo cuộc sống. Nhưng việc làm du lịch với người làng Chuyên Mỹ thì còn xa lạ với chúng tôi”. 

Về với làng tò he (Xuân La) độc nhất Việt Nam, tốc độ đô thị hóa đã in dấu trên từng nếp nhà được xây dựng khang trang hơn. Tại đây, cũng ồn ã tiếng xe máy chạy trên đường nhưng không nhìn thấy bóng dáng của du khách tham quan, tìm hiểu về lịch sử phát triển của làng nghề đặc biệt này. Hỏi chuyện một người làng, tôi được biết làng tò he Xuân La có tự bao giờ thì không ai còn nhớ, chỉ biết những con giống được người nghệ nhân tạo nên  từ bột nếp đã gắn liền với tuổi thơ của biết bao người dân Hà Nội. Những con giống này đã được “xuất ngoại” đi Mỹ. Một số đoàn du khách nước ngoài đã tìm về nơi đây nhưng là thông qua các mối quan hệ của người làng Xuân La. 

Du lịch làm theo lối tự phát

Để tìm hiểu cụ thể hơn về việc phát triển du lịch của huyện Phú Xuyên, tôi đã tìm gặp ông Nguyễn Chí Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên và được ông cho biết: “Huyện Phú Xuyên có 156 làng và cụm dân cư có nghề, trong đó 39 làng nghề được thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống. Tuy có bề dày truyền thống với lịch sử, văn hóa đa dạng nhưng du lịch làng nghề Phú Xuyên hoàn toàn làm theo lối tự phát”. Hiện nay, UBND huyện mới chỉ gắn du lịch làng nghề vào các lễ hội tôn vinh làng nghề và huyện Phú Xuyên cũng có chủ trương tạo thành một tuyến du lịch gắn kết các làng nghề theo trục giao thông dài 20km. Tuy vậy, đây mới chỉ là chủ trương do cơ sở hạ tầng, nhân lực và các thiết chế văn hóa chưa đáp ứng. Và một điều quan trọng khác, kinh phí đầu tư để thực hiện các bước này quá lớn, huyện Phú Xuyên chỉ trông chờ vào sự đầu tư của thành phố và sự ủng hộ của các cá nhân. 

Cũng tại UBND huyện Phú Xuyên, khi được hỏi về những biện pháp mà huyện Phú Xuyên sẽ áp dụng trong thời gian tới để phát triển du lịch làng nghề, ông Trương Thế Cầu - Bí thư Huyện ủy chia sẻ: “Thực trạng du lịch làng nghề Phú Xuyên chưa xứng đáng với tiềm năng vốn có của một huyện “ôm trong lòng” rất nhiều làng nghề thủ công. Nhưng trước khi tạo nên các tour du lịch của các công ty du lịch đến du khách trong và ngoài nước thì huyện Phú Xuyên có chủ trương sẽ xây dựng một trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề và từng bước nâng cao mẫu mã sản phẩm. Từ trung tâm này, sản phẩm của người Phú Xuyên được quảng bá, thu hút được sự quan tâm của du khách thì họ mới tìm về để tham quan”. Phú Xuyên không thua kém bất cứ làng nghề nào về độ tinh xảo của sản phẩm, sự khéo léo của người thợ và các di tích lịch sử còn tồn tại đến ngày nay nhưng bài toán về du lịch thì vẫn chưa có đáp số.