Tích từng "giọt" gian lận

ANTĐ - Không thể coi gian lận từng giọt xăng là “chuyện nhỏ”. Tích tụ từng “giọt” gian lận, móc túi từng đồng tiền mồ hôi, nước mắt của người dân là “to chuyện”  và cần phải được ngăn chặn, xử phạt nghiêm minh bằng mọi giá.

Phải xây dựng hoàn thiện bộ máy quản lý thị trường chuyên nghiệp, trong sạch không để xảy ra tình trạng “thông đồng, bắt tay”. Đó là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Pháp lệnh Quản lý thị trường. Do liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, pháp lệnh này phải quy định rõ các mảng thị trường cần được quản lý như: thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đặc biệt là xăng dầu vẫn đang còn diễn ra tình trạng buôn gian, bán lận, “móc túi” người tiêu dùng.

Một câu chuyện vẫn còn “nóng hổi” được dư luận quan tâm là Chi Cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn, đo lường chất lượng một tỉnh phía Nam đã cải trang là người buôn xăng lẻ, rồi thành khách du lịch, ập vào một số cây xăng tư nhân có biểu hiện gian lận theo đơn tố giác của người dân địa phương. Sau hơn 4 tháng “mật phục” kết hợp với biện pháp nghiệp vụ cần thiết, bà Chi cục trưởng đã “bắt tận tay, day tận trán” hàng chục cửa hàng xăng dầu sử dụng “công nghệ” ăn cắp tinh vi, mà chỉ với con mắt của người trong nghề đo lường mới phát hiện ra. Kết quả là, cơ quan chức năng đã xử phạt hành vi gian lận, thu về cho ngân sách 5 tỷ đồng. Kết quả lớn hơn là, hàng chục cây xăng khác “có tật giật mình” đã tự nguyện cam kết buôn bán trung thực. 

Qua vụ việc, người tiêu dùng hết sức phấn khởi. Bởi lâu nay, dù có nghi ngờ, thậm chí biết là mình bị “móc ví”, song do tâm lý ngại đôi co, tránh rắc rối, nên không ít người thường nén bực tức, bỏ qua. Điều này vô hình trung đã “nuôi dưỡng”, nếu không muốn nói nặng lời là “tiếp tay” cho những thủ đoạn ranh ma, kiếm đồng tiền bất chính từ những trò gian lận “móc túi” người tiêu dùng.

Điều đáng bàn ở đây là, nếu như không có “nữ tướng bắt xăng gian” kể trên thì trò gian lận trên còn tiếp diễn đến bao giờ? Nếu vị “nữ tướng” ấy không bí mật quay phim, chụp ảnh thì lấy đâu bằng chứng rành rành bắt quả tang những đại lý, chủ cây xăng làm ăn gian lận giữa “thanh thiên bạch nhật”? Thế nhưng, chính Hiệp hội Kinh doanh xăng dầu ở địa phương trên lại lên tiếng, phản ứng việc làm có lợi cho người tiêu dùng của vị Chi cục trưởng đo lường chất lượng là “lấn sân” của Quản lý thị trường. Đằng sau sự phản ứng này là gì, dư luận và người tiêu dùng có thể hiểu được ngay.

Việc quy định rõ các loại hàng hóa gian lận, kém chất lượng... phải là đối tượng của Quản lý thị trường đã cho thấy hết sức cần thiết. Mà cụ thể ở đây, yêu cầu chặn đứng trò gian lận từng giọt xăng dầu bằng mọi biện pháp, đồng thời không để người tiêu dùng bị mất tiền oan là mong mỏi, đòi hỏi chính đáng của người dân.