Tích hợp môn học lịch sử: Sự cộng gộp sống sượng!

ANTĐ - Có lẽ chưa bao giờ việc đổi mới dạy và học môn Lịch sử lại trở thành đề tài tranh luận gay gắt như thời điểm này. Trong suốt những ngày qua, bắt đầu từ khi việc đưa ra ý kiến tích hợp môn sử với các môn học khác trong một hội thảo giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các nhà sử học, vấn đề này chưa bao giờ hết nóng… Các nhà nghiên cứu lịch sử đã phản đối gay gắt việc tích hợp bộ môn lịch sử vì cho rằng đó là sự cộng gộp sống sượng.
Tích hợp môn học lịch sử: Sự cộng gộp sống sượng! ảnh 1

Minh họa: Internet

Tích hợp như thế nào?

Trước những phản đối gay gắt của các nhà nghiên cứu lịch sử, mới đây, Bộ Giáo dục-Đào tạo (Bộ GD-ĐT) đã tiếp tục lên tiếng bảo vệ quan điểm của mình và cho rằng dư luận “chưa hiểu cặn kẽ” đề xuất của Bộ GD-ĐT.  Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Ủy viên Thường trực Hội đồng biên soạn SGK và Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới khi trả lời công luận đã cho rằng: trong dự thảo này, sự khác biệt lớn nhất đó là Lịch sử sẽ không đứng tên như một môn học riêng nữa. 

Cụ thể, Hội đồng biên soạn đã tích hợp môn Lịch sử, Quốc phòng - An ninh (QP-AN) và Giáo dục công dân thành môn học Công dân với Tổ quốc. Môn Công dân với Tổ quốc là môn học bắt buộc, tất cả học sinh đều phải học kiến thức QP-AN theo quy định của Luật Giáo dục QP-AN và tất cả học sinh THPT đều bắt buộc phải học kiến thức lịch sử. Đồng thời, tất cả học sinh còn phải bắt buộc học lịch sử trong môn Khoa học Xã hội (dành cho học sinh sẽ đi vào các ngành Khoa học Tự nhiên, Công nghệ - Kỹ thuật, Nghệ thuật, TDTT) hoặc môn Lịch sử (có yêu cầu cao hơn cả về kiến thức lịch sử và về khoa học lịch sử, dành cho những học sinh định hướng nghề nghiệp sẽ làm việc trực tiếp hoặc liên quan đến Khoa học lịch sử). 

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, mặc dù không còn là môn học riêng biệt, nhưng theo thiết kế của chương trình mới, thời lượng học kiến thức lịch sử sẽ nhiều hơn so với chương trình phổ thông hiện hành. Hiện nay môn Lịch sử được sắp xếp là 1,5 tiết/tuần. Nếu chương trình mới được thông qua thì học sinh học kiến thức lịch sử trong môn Công dân với Tổ quốc có thể là 1 tiết, trong môn Khoa học Xã hội khoảng 1,5 tiết, như vậy 1 tuần sẽ có khoảng 2,5 tiết học kiến thức lịch sử. Còn nếu học sinh đi theo hướng khoa học xã hội thì sẽ có 4 tiết/tuần dành cho học lịch sử. Sở dĩ chúng ta có sự phân biệt thời lượng học của hai nhóm này là để định hướng nghề nghiệp.

Lý giải sự thay đổi trong cách thức phân bố nội dung kiến thức môn Lịch sử khi tích hợp với các môn học khác, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho hay đây là sự đổi mới hình thức tổ chức dạy học, cách trình bày các sự kiện, hiện tượng lịch sử, đánh giá, nhận xét nhằm tránh ôm đồm và gây nặng nề, nhàm chán cho người học. “Dù tích hợp hay là môn học riêng biệt, Lịch sử vẫn là môn học bắt buộc và thời lượng học trong chương trình không hề bị suy giảm đến mức “đáng báo động” như nhiều người lo ngại” – ông Hiển khẳng định.

Xé nát và cộng gộp sống sượng, khập khiễng

Dù vậy, những giải thích của Bộ GD-ĐT  vẫn không nhận được sự đồng tình của các bậc phụ huynh, của giáo viên và đặc biệt là của các chuyên gia nghiên cứu về lịch sử. GS. TS Đỗ Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: “Giáo dục công dân hay giáo dục AN-QP có thể lấy một vài sự kiện, kiến thức lịch sử để xây dựng bài học theo mục đích của môn đó. Nhưng lịch sử còn rất nhiều những vấn đề, sự kiện khác không thể ghép vào các môn kia, vì vậy tôi không hình dung được là chúng ta sẽ tích hợp như thế nào”. Cũng theo GS, hiện nay ít thí sinh chọn môn Lịch sử cũng là dễ hiểu, vì các em học ra ít có cơ hội chọn trường, chọn nghề. “Chưa nói tới tương lai, ngay cả sinh viên đang học cũng đã lo lắng ra trường không có việc làm, có em sinh viên của tôi ra trường 3-4 năm nay không có việc làm. Chúng tôi thì lo người Việt Nam không biết quốc sử, quay lưng lại với lịch sử thì ai đứng ra nối tiếp cha ông ta bảo vệ Tổ quốc”.

Đồng quan điểm, PGS.TS Vũ Quang Hiển (Khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng không thể nói, lịch sử có trong môn Văn học, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng… mà tích hợp vào những môn đó. Không thể “xé nát” môn Lịch sử ra để mỗi môn học giảng dạy một chút. Giáo dục lịch sử có tính đặc thù, phải được tiến hành một cách hệ thống, được thực hiện bởi đội ngũ những nhà chuyên môn được đào tạo một cách chuyên nghiệp, với những phương pháp dạy học đặc trưng, chứ không phải bất cứ giáo viên nào cũng có thể giảng dạy được môn học này. 

Giáo dục lịch sử một cách có hệ thống trong nhà trường phổ thông là nhiệm vụ của chính môn Lịch sử, chứ không phải nhiệm vụ của bất kỳ môn học nào khác. Mặc dù một số môn học có thể góp phần giáo dục lịch sử trên một số chiều cạnh mà môn học đó cần khai thác bằng những phương pháp riêng, nhưng không thể làm chức năng giáo dục lịch sử một cách có hệ thống và đồng bộ.

Trả lời trên báo chí, PGS. TS Văn Như Cương cho rằng để tiến hành công việc này, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu kỹ, chứ không phải thấy người ta làm mình cũng làm. Việc chúng ta gán cho nó dưới danh nghĩa là tích hợp mà chưa có sẵn những tiền đề để thực hiện vô tình biến sự việc trở nên quá ôm đồm, to tát. 

GS. TS Đỗ Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường đại học Sư phạm Hà Nội: Hậu quả của việc coi nhẹ môn Lịch sử sẽ không lường trước được

Nếu nói như Bộ GD- ĐT thì đúng là nhìn qua môn học nào cũng đều có sử. Nhưng đi vào thực tế sẽ ra sao, cách thiết kế như Bộ GD-ĐT đưa ra thật ra chỉ là phép cộng gộp máy móc, khập khiễng, sự xem thường những giá trị đặc thù của giáo dục lịch sử, có nguy cơ dẫn đến “teo” môn Lịch sử. Đây là môn học có một giá trị đặc thù không giống với những môn học khác. Nếu như Toán, Lý, Hóa, Văn, Ngoại ngữ… là môn học công cụ giúp con người có nghề nghiệp thì cần coi môn Lịch sử là môn học nền tảng, góp phần hình thành nhân cách con người. Xét về mặt kinh tế, lịch sử không mang lại giá trị kinh tế, nhưng hậu họa của việc coi nhẹ môn Lịch sử thì không thể lường trước được.

Anh Phan Quang Hùng (một kỹ sư đang làm việc tại Nhật Bản): Đang có cách nhìn nhận không đúng về môn Lịch sử

Dù lãnh đạo Bộ GD-ĐT nói là số tiết môn học Lịch sử không hề giảm thậm chí còn tăng lên, nhưng ai cũng có thể thấy rõ chương trình giáo dục phổ thông hiện nay và chương trình đổi mới như Bộ GT-ĐT đang xin ý kiến có cách nhìn nhận không đúng về môn Lịch sử. Thực trạng học sinh không thiết tha với môn Lịch sử không phải vì môn Lịch sử quá khó, không hay. Ở đây, theo tôi là do chúng ta quá dàn trải chương trình, ôm đồm nhiều kiến thức, sự kiện, số liệu, ngày tháng và đòi hỏi học sinh phải thuộc lòng. Kiến thức thì lặp lại ở các cấp học khiến học sinh nhàm chán.

Ở nước Mỹ, các nước châu Âu, khi dân nhập cư muốn trở thành công dân của họ, trước tiên phải thi lấy quốc tịch. Nội dung thi là lịch sử của các quốc gia đó... Còn ở nước ta, ngay trong nhà trường, môn Lịch sử lại trở thành môn học tự chọn. Mà học thì khó, giáo viên dạy không hấp dẫn, ra trường không có việc làm… thì tất nhiên các em sẽ không chọn. Vấn đề là ngành giáo dục phải làm sao cho các em yêu thích môn Lịch sử hơn, chứ chỉ vì thấy các em không yêu thích, các em không học thì lại tìm cách giảm tải, coi nhẹ nó là vô cùng thiển cận.