Tích cực ngăn chặn buôn lậu hàng tiêu dùng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn ra phức tạp. Đáng chú ý, vi phạm liên quan đến các mặt hàng tiêu dùng có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Phát hiện hàng loạt vụ nhập lậu

Thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2025, ngày 10-2-2025, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 6, Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn phối hợp cùng Phòng Cảnh sát Giao thông và Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Lạng Sơn tiến hành khám phương tiện vận tải biển kiểm soát 29C-962.39 do ông T.T.N (địa chỉ tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) điều khiển.

Lực lượng chức năng ngăn chặn một vụ vận chuyển xúc xích nhập lậu

Lực lượng chức năng ngăn chặn một vụ vận chuyển xúc xích nhập lậu

Kết quả khám phát hiện trong thùng chứa hàng hóa của xe ô tô có cất giấu 3.967 túi xúc xích nhập khẩu, trên bao bì hàng hóa có in tiếng nước ngoài. Ông T.T.N không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hay bất cứ giấy tờ gì khác liên quan đến toàn bộ số hàng hóa nêu trên. Ước tính trị giá của số hàng hóa khoảng hơn 200 triệu đồng. Đội QLTT số 6 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa và phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật.

Tại Hà Nội, nhằm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025. Ngày 20-1-2025 của Đội QLTT số 10 phối hợp với Đội Cảnh sát ĐTTP về hình sự, kinh tế và ma túy - Công an huyện Mê Linh khám xe ô tô tải biển kiểm soát số 29H-521.xx. Qua khám, phát hiện hàng hóa trên xe ô tô là 7.000kg lòng lợn (chứa trong 207 thùng xốp và 51 thùng carton) không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đội QLTT số 10 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa và xe ô tô tải trên để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Còn tại Hải Dương, đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Hải Dương phối hợp cùng với Phòng Cảnh sát ĐTTP về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường, Công an tỉnh Hải Dương kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh (tại địa chỉ lô NV08.42, Khu đô thị Tuệ Tĩnh, phường Cẩm Thượng, thành phố Hải Dương) thuộc hộ kinh doanh do ông Ngô Mạnh Cường làm chủ. Tại địa điểm kiểm tra có 1.430kg táo đỏ khô (là thực phẩm) là hàng hóa nhập lậu. Toàn bộ số tang vật có dấu hiệu bị nấm mốc, bụi bẩn, không đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, không đảm bảo an toàn sử dụng, có nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người khi sử dụng. Tổng giá trị tang vật vi phạm là 78.650.000 đồng.

Thực phẩm là một trong những mặt hàng tiêu dùng nhập lậu rất nhiều trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán. Nhóm hàng thực phẩm nhập lậu ngày càng đa dạng, từ nội tạng đông lạnh, xúc xích, đến táo đỏ, đường cát… Đây chỉ là một trong những nhóm hàng tiêu dùng bị phát hiện nhập lậu trong thời gian qua. Ngoài các mặt hàng này, lực lượng chức năng còn ngăn chặn nhiều vụ vận chuyển thuốc lá điếu, bia, rượu, xe điện, điều hòa nhiệt độ, vải may mặc…

Thông tin về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại tháng 1-2025, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, cùng với pháo nổ, hàng tiêu dùng là nhóm hàng bị nhập lậu gia tăng trong thời gian qua. Hàng tiêu dùng được vận chuyển chủ yếu qua biên giới Việt - Trung, Việt - Lào, Việt Nam - Campuchia. Các năm trước hàng nhập lậu chủ yếu là hàng thời trang như quần áo, túi xách, giày dép, nước hoa… nhưng nhu cầu tiêu dùng trong nước thay đổi, chuyển sang các món hàng thiết yếu hơn nên các đối tượng buôn lậu cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội này khiến buôn lậu gia tăng.

Hàng tiêu dùng nhập lậu thường có giá rẻ hơn, số lượng nhiều, mẫu mã phong phú… cạnh tranh trực tiếp với hàng trong nước sản xuất, gây sức ép cho doanh nghiệp Việt Nam. Nguy hiểm hơn, nhiều hàng tiêu dùng nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không hạn sử dụng, không rõ tiêu chuẩn chất lượng thẩm lậu vào thị trường nội địa là nguy cơ với sức khỏe người tiêu dùng.

Đại diện Đại sứ quán Mỹ cùng doanh nghiệp làm việc với lãnh đạo Tổng cục QLTT bàn giải pháp phối hợp ngăn chặn nho khô nhập lậu

Đại diện Đại sứ quán Mỹ cùng doanh nghiệp làm việc với lãnh đạo Tổng cục QLTT bàn giải pháp phối hợp ngăn chặn nho khô nhập lậu

Phối hợp ngăn chặn

Do bị ảnh hưởng nhiều bởi hàng lậu trong thời gian qua, mới đây, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tổng cục QLTT nhằm tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với sản phẩm nho khô của nhãn hàng Sunview (Mỹ) tại thị trường Việt Nam. Tại buổi làm việc này, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT chia sẻ, vấn nạn hàng lậu, hàng giả tại thị trường Việt Nam rất phức tạp, có tới hàng vạn mặt hàng trên cả môi trường thương mại truyền thống và thương mại điện tử.

Do vậy, cùng với sự nỗ lực của lượng chức năng, các doanh nghiệp liên quan cần kịp thời trao đổi thông tin về sản phẩm đang có nghi vấn vi phạm để lực lượng chức năng đẩy nhanh quá trình kiểm tra, từ đó xử lý vi phạm hiệu quả hơn. Nho khô của nhãn hàng Sunview chủ yếu thẩm lậu vào nội địa Việt Nam, sau đó qua các đầu mối lớn đưa đến các cửa hàng bán lẻ ở mặt phố. Cùng với đó, một lượng lớn tuồn bán trên các sàn thương mại điện tử.

Tuy nhiên, để xử lý vi phạm một cách hiệu quả, lãnh đạo Tổng cục QLTT đề nghị đại diện phía Hoa Kỳ phối hợp cung cấp thông tin thường xuyên với Tổng cục QLTT. Cùng với đó, lực lượng QLTT sẽ cảnh báo để người tiêu dùng thận trọng, từ đó giảm nhu cầu, tác động đến giảm nguồn cung hàng lậu. Lãnh đạo Tổng cục QLTT cho biết thêm, năm 2025, lực lượng chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm trên môi trường thương mại điện tử để góp phần lành mạnh hóa thị trường.

Đại diện Tổng cục Hải quan cũng cho biết, nhằm ngăn chặn các vi phạm về hàng hóa trên thị trường, lực lượng hải quan sẽ không để tồn đọng các vụ vi phạm chưa được giải quyết, các quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa được thực hiện và hạn chế phát sinh các vướng mắc về xử phạt vi phạm hành chính khi chuyển sang mô hình tổ chức bộ máy mới. Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố, các đơn vị liên quan rà soát, xử lý kịp thời, dứt điểm, nhanh chóng các vụ vi phạm đã được phát hiện; nhanh chóng tiến hành xác minh, trao đổi ý kiến với các cơ quan có liên quan để làm rõ các vụ việc có dấu hiệu vi phạm để xử lý kịp thời tại Công văn số 191/TCHQ-PC ngày 13-1-2025. Đồng thời, xây dựng các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính sau khi có mô hình tổ chức bộ máy mới.

Theo các chuyên gia, hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng lậu vẫn ngang nhiên lộng hành, việc xử lý vi phạm từ cơ quan Công an, QLTT, Hải quan hay Biên phòng là chưa đủ, mà cần sự chung tay vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp. Trong đó, người dân và doanh nghiệp góp sức ngăn ngừa hàng lậu, hàng giả trong vai trò “người tiêu dùng thông thái”, không tiêu thụ hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ trên không gian mạng, đồng thời báo cáo cơ quan chức năng khi phát giác hành vi vi phạm việc vận chuyển, tiêu dùng hàng lậu, hàng giả.