Thương vụ tên lửa giữa Indonesia - Ấn Độ trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ấn Độ và Indonesia đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng về thỏa thuận trị giá 450 triệu USD liên quan đến tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos. Nếu hoàn tất, Indonesia sẽ trở thành quốc gia ASEAN thứ hai, sau Philippines, mua hệ thống tên lửa này.

Răn đe mà không đối đầu

Trong chuyến thăm gần đây của Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto tới New Delhi, nơi ông là khách danh dự tại Ngày Cộng hòa Ấn Độ, ông đã gặp Tổng giám đốc điều hành BrahMos Jaiteerth Joshi trước sự chứng kiến ​​của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu cùng Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto dự lễ diễu hành mừng Ngày Cộng hòa tại New Delhi hôm 26-1-2025

Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu cùng Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto dự lễ diễu hành mừng Ngày Cộng hòa tại New Delhi hôm 26-1-2025

Một phái đoàn cấp cao do Đô đốc Muhammad Ali, Tư lệnh hải quân Indonesia dẫn đầu cũng đã đến thăm cơ sở BrahMos.

Nhiều chuyên gia tin rằng, việc mua tên lửa là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Indonesia nhằm tăng cường sức mạnh hải quân và hiện đại hóa quân đội trong bối cảnh lo ngại về an ninh ngày càng gia tăng liên quan đến tham vọng về lãnh thổ và sự quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực.

Trung Quốc đang theo đuổi tham vọng về lãnh thổ ở Biển Đông thông qua sự kết hợp giữa các chiến thuật cưỡng ép và tăng cường quân sự tại khu vực này.

Ấn Độ và Indonesia lo ngại về việc Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh, khiến các nhà phân tích lập luận rằng “yếu tố Trung Quốc” tạo ra cơ sở vững chắc cho hợp tác an ninh song phương.

Indonesia đã nhiều lần đối đầu với Trung Quốc về quần đảo Natuna, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này, và các tàu đánh cá và tàu tuần duyên của Trung Quốc đã xâm nhập vào khu vực này.

Ông Anil Wadhwa, cựu nhà ngoại giao Ấn Độ, cho biết xu hướng đa dạng hóa quan hệ đối tác quốc phòng này, thoát khỏi sự phụ thuộc truyền thống vào Trung Quốc, không nên được coi là sự xâm phạm phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc, có thể dẫn đến căng thẳng ngoại giao.

“Về việc Ấn Độ đề xuất bán tên lửa BrahMos cho Indonesia và trước đó là cho Philippines, tất cả đều là phản ứng trước việc các quốc gia này tìm kiếm biện pháp răn đe phòng thủ chống lại hành động xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông”, ông nói. Trong những trường hợp này, Ấn Độ không nên quá lo ngại về phản ứng của Trung Quốc.

Chính sách cân bằng của Ấn Độ

“Tôi không nghĩ rằng Ấn Độ lo ngại về phản ứng của Trung Quốc. Trung Quốc thậm chí đã chuyển tên lửa đạn đạo hạt nhân cho Pakistan hay tàu ngầm cho Myanmar, Bangladesh và các nước khác, do đó ảnh hưởng đến an ninh của Ấn Độ”, ông Srikanth Kondapalli, giáo sư về Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru nói.

“Vào thời điểm đó, Trung Quốc đã đề cập rằng đây là thỏa thuận giữa hai quốc gia có chủ quyền, do đó, Trung Quốc không nên tức giận về việc Ấn Độ bán vũ khí cho Đông Nam Á hoặc bất kỳ quốc gia nào khác. Ấn Độ cũng nhận thức được rằng họ đang cố gắng bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc”, ông nói thêm.

Ấn Độ - Trung Quốc đang hàn gắn quan hệ nhằm giảm căng thẳng ở khu vực biên giới

Ấn Độ - Trung Quốc đang hàn gắn quan hệ nhằm giảm căng thẳng ở khu vực biên giới

Kể từ tháng 10-2024, Ấn Độ và Trung Quốc đã tham gia vào một loạt các biện pháp xây dựng lòng tin nhằm bình thường hóa quan hệ song phương vốn đã căng thẳng do tranh chấp biên giới và căng thẳng địa chính trị.

Sự gắn kết mới này diễn ra sau cuộc gặp quan trọng giữa Thủ tướng Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 10-2024 tại thành phố Kazan của Nga.

Cả hai nước đã tiến tới ổn định quan hệ bằng cách đồng ý nối lại các dịch vụ hàng không trực tiếp, bắt đầu các cuộc hành hương và tăng cường thương mại xuyên biên giới. Nỗ lực này bắt đầu sau khi cả hai bên rút quân khỏi hai điểm đối đầu trên biên giới tranh chấp sau các cuộc đụng độ biên giới vào năm 2020, khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng.

Giáo sư Kondapalli chỉ ra rằng, bằng cách trang bị vũ khí cho Indonesia, Ấn Độ đang báo hiệu rằng sự gắn kết của họ với Trung Quốc không ảnh hưởng đến các cam kết Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. “Việc bán BrahMos có liên quan đến việc tạo ra sự cân bằng quyền lực ở Đông Nam Á khi Trung Quốc đang quân sự hóa khu vực này để loại trừ các quốc gia khác”, ông nói.

Indonesia đã đàm phán với BrahMos Aerospace của Ấn Độ về thỏa thuận mua tên lửa trị giá 450 triệu USD

Indonesia đã đàm phán với BrahMos Aerospace của Ấn Độ về thỏa thuận mua tên lửa trị giá 450 triệu USD

Bà Alka Acharya, Giám đốc danh dự của Viện Nghiên cứu Trung Quốc tại New Delhi, cho biết việc bán tên lửa đã nằm trong kế hoạch từ rất lâu và đã vấp phải sự chỉ trích từ một số nhà bình luận Trung Quốc. “Đây không phải là một đề nghị mới để có thể liên quan đến những căng thẳng hiện tại. Nhưng rõ ràng là nó sẽ không bị bỏ qua và Trung Quốc chắc phản đối”, bà Acharya nói.

“Tuy nhiên, lập trường của Ấn Độ là điều này không nhằm mục đích chống lại bất kỳ quốc gia thứ ba nào, và là để bảo vệ hợp pháp Indonesia. Nó không có khả năng làm chệch hướng quá trình bình thường hóa giữa Ấn Độ và Trung Quốc”, bà nói thêm.