Thương vụ Mistral: Nga mới chính là "ngư ông đắc lợi"

ANTĐ - Nga và Ai Cập sẽ ký kết hợp đồng cung cấp trực thăng tấn công Ka-52K và các thiết bị phụ trợ cho nó trị giá hơn 1 tỷ USD, còn Pháp có thể sẽ thiệt hại tới hơn 300 triệu USD vì thương vụ Mistral.

Không giao Mistral, Pháp thiệt hàng trăm triệu USD

Theo nguồn tin của hãng thông tấn Nga RIA Novosti, Moscow và Cairo sẽ xem xét việc chuyển giao cho Ai Cập trong những thiết bị đặc biệt của Nga vào cuối tháng 10, để trang bị trên 2 chiến hạm Mistral mà Pháp bán lại cho Ai Cập, sau khi không bàn giao cho Nga.

Ngày 19-10, ông Sergei Ivanov, chánh văn phòng điện Kremlin tuyên bố, Nga sẽ bắt đầu cung cấp trực thăng tấn công Ka-52K và thiết bị đi kèm của nó cho các tàu Mistral của Ai Cập. Hợp đồng mà 2 nước sắp ký kết sẽ có trị giá hơn 1 tỷ USD.

Ông nhấn mạnh, các tàu này tuy được Pháp đóng nhưng nó gần như đã là tàu của Nga do được thiết kế theo yêu cầu của họ. Moscow sẽ là nhà thầu phụ cung cấp cho những con tàu đổ bộ trực thăng này những thiết bị trên, nếu thiếu chúng, Mistral chỉ là cái “vỏ đồ hộp rỗng”.

Về vấn đề Nga-Pháp hủy hợp đồng, Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Francois Hollande đã bày tỏ sự hài lòng về biện pháp việc giải quyết các vấn đề xung quanh 2 con tàu sân bay trực thăng dự kiến được đặt tên là Vladivostok và Sevastopol, lẽ ra phải thuộc về tay Nga.

Phát ngôn viên của điện Kremlin là ông Dmitry Peskov cho biết, giải pháp cho vấn đề này là Paris bán lại 2 con tàu cho Cairo đã đáp ứng lợi ích của tất cả các bên. Theo nguồn tin bên lề, Ai Cập đã mua 2 con tàu này bằng nguồn kinh phí do Nga cho vay.

Việc hủy hợp đồng bán 2 tàu Mistral cho Nga đã khiến Paris chịu nhiều thiệt thòi.

Tàu sân bay trực thăng lớp Mistral “kiểu Nga” được trang bị trực thăng tấn công trên hạm Ka-52K

Trước hết, đáng lẽ là Paris sẽ nhận được 1,2 tỷ euro từ Nga thì nước này phải đền bù cho Moscow khoản tiền 949.754.859 euro, tuy sau đó Pháp bán lại cho Ai Cập bằng giá đền bù là 950 triệu euro, nhưng rõ ràng là Paris đã mất đi 250 triệu euro (tương đương 285 triệu USD) lẽ ra được nhận.

Ngoài ra, từ nay đến thời hạn tháng 4 sang năm, Pháp cũng phải mất khoản tiền không nhỏ để tu sửa lại con tàu, sau khi Nga phá dỡ 1 số bộ phận để gỡ thiết bị chỉ huy-điều khiển, hệ thống cáp thông tin liên lạc và các thiết bị phục vụ cất, hạ cánh cho trực thăng Ka-52K, thiết bị chống đóng băng…

Do đó, việc không bàn giao 2 tàu này cho Nga vừa khiến Paris thiệt hại tới hơn 300 triệu USD, lại ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của ngành công nghiệp quốc phòng và cả thể diện của nước Pháp, gây khó cho những hợp đồng mua bán sau này.

Nga được lợi những gì từ thương vụ Mistral?

Còn Nga, tuy không nhận được 2 con tàu trên nhưng trên thực tế Nga mới là “ngư ông đắc lợi”.

Trước hết, 2 con tàu này được Nga đặt đóng trong giai đoạn năm 2011 khi quan hệ Nga-Pháp nói riêng và NATO nói chung đang có dấu hiệu nồng ấm. Khi đó, cả 2 bên đang mơ tới “mối quan hệ hợp tác hữu hảo” và viễn cảnh hai bên sẽ tổ chức các hoạt động chung trên các đại dương của thế giới.

Tuy nhiên, hiện Nga đang nằm trong vòng cấm vận của phương Tây, nền kinh tế đang bước vào giai đoạn suy thoái nên ưu tiên số 1 của Moscow là tập trung các nguồn lực để bảo vệ đất nước, việc sở hữu những con tàu đổ bộ tầm xa không còn cần thiết nữa.

Vấn đề thứ 2 là Nga sẽ tái xây dựng mối quan hệ mật thiết với Ai Cập như dưới thời Liên Xô, vốn đã mai một sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ và bị Mỹ “đánh chiếm”. Giờ đây, quan hệ Mỹ-Ai Cập đang sứt mẻ sau khi chính quyền quân sự của ông Abdel Fattah Al-Sisi lên nắm quyền là cơ hội tốt cho Nga.

Việc Pháp bán Mistral cho Ai Cập khiến Nga được lợi rất nhiều

Ba là, quá trình hợp tác đóng phần đuôi tàu ở Nga đã giúp Nhà máy đóng tàu Baltic của nước này tiếp cận bản vẽ kỹ thuật của Mistral và hấp thụ công nghệ đóng tàu Modul của phương Tây. Sau này, nó sẽ giúp ích rất lớn cho Nga trong phát triển công nghiệp đóng tàu.

Bốn là: Nga đang có mục đích riêng khi cho Ai Cập vay tiền để mua tàu. Ngoài việc thu hồi lại số tiền đã ứng trước cho Pháp, Nga còn bán được nhiều thiết bị trên tàu trước đây đã sản xuất, chế tạo cho Ai Cập. Nó sẽ là sự lăng-xê tốt nhất cho vũ khí Nga ở khu vực châu Phi.

Ông Ivanov cũng đề xuất, sau khi thỏa thuận này được hoàn thành, Ai Cập "sẽ ký hợp đồng với Nga về việc trang bị thêm cho Mistral. Bản thân con tàu cũng như các máy bay trực thăng còn cần thêm nhiều thiết bị và vũ khí đi kèm, để “đóng góp đáng kể vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố”.

Một số chuyên gia Nga đã từng gợi ý cho Cairo rằng 2 nước có thể sử dụng 1 trong 2 con tàu này để triển khai nhiệm vụ “chống buôn người và cứu hộ người tị nạn trên Đại Trung Hải”, thể hiện hình ảnh đầy trách nhiệm của Nga và Ai Cập trong vấn nạn dân di cư ở châu Âu.

Tuy nhiên, ý nghĩa đích thực của hành động này là Nga muốn xây dựng 1 lực lượng hải quân mạnh ở Địa Trung Hải để đối chọi với lực lượng của Hạm đội 6-Mỹ ở vùng biển này.

Nga đã có tuần dương hạm Moskva uy lực rất mạnh ở đây, nếu được sự bổ sung của Mistral, nhóm tàu Nga ở Địa Trung Hải sẽ trở nên rất đáng gờm, bảo vệ vững chắc cho quân cảng Tartus, căn cứ không quân Latakia nói riêng và sự hiện diện của Nga ở Syria nói chung, trong bối cảnh Nga quyết tâm tái hiện diện ở Trung Đông.