Thượng tướng Vũ Lăng: Đánh trận giỏi, nghiên cứu giỏi (kỳ 2)

Trong chiến dịch Tây Nguyên tháng 3/1975, tướng Vũ Lăng là Phó Tư lệnh chiến dịch đã giúp Tư lệnh Hoàng Minh Thảo trong việc chỉ huy chung

Trong mùa xuân 1975
Trong chiến dịch Tây Nguyên tháng 3/1975, ông là Phó tư lệnh chiến dịch đã giúp Tư lệnh Hoàng Minh Thảo trong việc chỉ huy chung và trực tiếp đến tăng cường chỉ huy sư đoàn 10 trong trận đánh tiêu diệt sư đoàn 23 phản kích trên đường 21 (từ 14-18/3) bằng bốn trận đánh trên đoạn đường dài 50 km- một chiến thắng làm địch phải rút nhanh khỏi Tây Nguyên.

Sau đó, lực lượng chủ lực của Mặt trận Tây Nguyên được tổ chức thành binh đoàn cơ động là Quân đoàn 3 do ông làm Tư Lệnh đảm nhiệm vào hướng Tây Bắc Sài Gòn: tiêu diệt căn cứ Đồng Dù, đột kích chiếm sân bay Tây Sơn Nhất, đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn...

Trong quá trình chuẩn bị chiến dịch Tây nguyên, Phó Tư lệnh -Tham mưu trưởng Vũ Lăng là người thiết kế chính của chiến dịch. Ông là người giải quyết các tình huống phức tạp cũng như kết luận các vấn đề sau tranh luận sôi nổi, thẳng thắn, cũng là người chỉ huy sáng suốt và quyết đoán.

Khi Trung đoàn 45 của đối phương sục sạo vào vị trí Sư đoàn 320 của ta ở Fa H’Peo, ông là người đã quyết định tung tin giả trên mạng vô tuyến điện, nên đã đánh lạc hướng tình báo quân khu 2 của địch.

Đi cùng Sư đoàn 10, gặp tình huống 24 khẩu pháo dã chiến của VNCH làm lá chắn ngăn quân ta làm chỗ dựa cho Lữ dù số 3 của chúng, ông quyết định tiêu diệt trận địa pháo địch trước.

Chỉ huy Quân đoàn 3 vào Sài Gòn, đến 2h sáng 30/4, Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh bổ sung nhiệm vụ cho Quân đoàn 3 đánh chiếm thêm Bộ Tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn, ông đã nghiêm chỉnh chấp hành.

Thượng tướng Vũ Lăng.
Thượng tướng Vũ Lăng.

Tổng kết chiến dịch, trên nêu: “B3 (Mặt trận Tây Nguyên), Quân đoàn 3 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ-đặc biệt xuất sắc”.

Có được thắng lợi ấy là nhờ xương máu chiến sĩ, nhờ công chỉ huy. Đồng đội đánh giá ông là người chu đáo. Đánh Buôn Ma Thuột, điều cho xe tăng, pháo qua sông Sê-rê-pốc, ông xem đi xem lại mấy lần. Tác phong này có từ Thượng Lào 1953, Điện Biên Phủ 1954... Từ đó, ông sắp xếp lực lượng khoa học.

Còn người lính, người cán bộ Quân đoàn 3 nhớ về ông, vị tướng đánh giặc giỏi nhưng yêu văn hóa, trọng thiên nhiên, thấm đượm tình người, lo cái ăn ở cho cán bộ, chiến sĩ.

Vì vậy, Quân đoàn 3 mới thành lập, nhưng từ Tây Nguyên, ông đã dẫn dắt Quân đoàn, xây dựng phương án tác chiến cho Quân đoàn tham gia tiến công trên hướng chủ yếu một cách sáng tạo, phù hợp kết hợp tổ chức thọc sâu các cứ điểm như Khu Quang Trung, sân bay Tân Sơn Nhất và cùng các đơn vị bạn chiếm Bộ tổng tham mưu Ngụy, sử dụng sư đoàn 320, sư đoàn 316 tiêu diệt sư 25 Ngụy.

Hơn một thập kỷ trên giảng đường Học viện

Đánh trận giỏi, nghiên cứu khoa học quân sự sâu sắc, tất yếu, Tướng Vũ Lăng trở thành 1 trong 6 giáo sư đầu tiên của quân đội.

Từ 1977, ông là Viện trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Học viện Lục quân, đóng ở Đà Lạt. Đây là Học viện đào tạo đội ngũ sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp trung đoàn, lữ đoàn (có cả cấp sư đoàn) cho tám binh chủng và chuyên ngành của lục quân: binh chủng hợp thành, xe tăng thiết giáp, pháo binh, phòng không, công binh, thông tin, hóa học, trinh sát và về sau đào tạo cán bộ quân sự địa phương.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của ông, việc đầu tiên là ổn định tư tưởng nâng cao đời sống cán bộ giáo viên, trụ vững trên đất Đà Lạt.

Ông xác định khối lượng kiến thức, chương trình môn học. Muốn có thày giỏi, trò giỏi, đầu tiên là có chương trình phù hợp với nghệ thuật quân sự Việt Nam, chú ý cả cách đánh truyền thống đến sự phát triển của chiến tranh với binh khí kỹ thuật hiện đại. Học viện Lục quân là đơn vị đầu tiên trong quân đội tổ chức đào tạo nghiên cứu sinh, làm và bảo vệ luận án phó tiến sĩ khoa học quân sự. Từ 1984, ông đề nghị trang bị máy tính để nghiên cứu, giảng dạy, quản lý.

Thượng tướng Đoàn Khuê, Tổng tham mưu trưởng năm 1988 ghi nhận: năm 1977, với cương vị là Viện trưởng và Bí thư Đảng ủy Học viện Lục quân, đồng chí cùng Đảng ủy và Ban giám hiệu Học viện lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng học viện đi vào nề nếp và ngày càng vững mạnh về mọi mặt. Với kinh nghiệm đã tích lũy được ở đơn vị và cơ quan, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng chí đã góp phần tích cực đào tạo đội ngũ cán bộ trung đoàn, sư đoàn của quân đội.

Năm 1982, từ Học viện, ông đến Thái Nguyên tham gia diễn tập ở Quân khu 1, do Tướng Đàm Quang Trung làm Tư lệnh. Tại đây, có nhiều tướng lĩnh Hồng Quân, họ nghe nói ông đã học ở Học viện Vê-rô-si-lốp, họ hỏi: “Đồng chí khóa mấy?”. Ông đáp: “Khóa 3”. Vị Tướng Liên Xô nói: “Vậy thì đồng chí là lớp đàn anh chúng tôi rồi”.

Còn giáo viên Học viện nhớ trong một lần đi diễn tập ở Hàm Tân, Bình Thuận, rất vất vả, ông thường có ấm nước dừa cạn để chữa bệnh cao huyết áp. Anh em tưởng thủ trưởng uống nước sâm, bèn uống thử một ngụm, liền phun ra ngay và cười nói: sâm nhạt thếch! Người chỉ huy Trung đoàn Thủ đô năm nào, trông huấn luyện diễn tập, rất nghiêm khắc theo giáo án, nhưng trong đời thường, luôn đồng cam cộng khổ với đồng đội.

Đại tướng Chu Huy Mân: Vũ Lăng không những là vị tướng quân sự giỏi mà còn là một nhà nghiên cứu khoa học quân sự đã từng đảm nhận trách nhiệm Phó Cục trưởng Cục khoa học quân sự, Phó Viện trưởng Viện Khoa học quân sự và đã có thời gian là Cục trưởng Cục tác chiến- cục quan trọng nhất trong Bộ Tổng tham mưu và cuối cùng là Giám đốc Học viện Lục quân Đà Lạt trong một thời gian dài.

Như vậy là đã lâp được chiến công trên mặt trận trong hầu hết các chiến dịch từ Biên Giới đến Điện Biên Phủ, cho đến chiến dịch Hồ Chí Minh và trong nghiên cứu khoa học quân sự, làm tác chiến đã có những đề xuất, những ý kiến sắc sảo, có trí tuệ sáng tạo tốt.

Vũ Lăng để lại một tấm gương sáng cho cán bộ trong đoàn quân ta, cán bộ lực lượng vũ trang (Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Qua sinh hoạt và chiến đấu, cuộc đời binh nghiệp của Thượng tướng Vũ Lăng đúng là sáng đẹp cả đức độ và tài năng, đáng để cho con cháu và thế hệ sau kế thừa trân trọng.

>> Chuyên đề : Tướng lĩnh QĐND Việt Nam

Văn Tuấn