Thượng tướng Lê Quý Vương: Không chỉ người có chức vụ, quyền hạn mới tham nhũng

ANTD.VN - Phát biểu thảo luận tổ tại Quốc hội chiều nay, 9-11, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an (ĐBQH đoàn Hưng Yên) cho rằng, trước nay, khi nói về các đối tượng tham nhũng, chúng ta thường chỉ nhắc đến những người có chức vụ, quyền hạn song điều này cần cân nhắc… 
Phát biểu thảo luận tổ tại Quốc hội chiều nay, 9-11, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an (ĐBQH đoàn Hưng Yên) cho rằng, trước nay khi nói về các đối tượng tham nhũng chúng ta thường chỉ nhắc đến những người có chức vụ, quyền hạn, song điều này cần cân nhắc lại…

Thượng tướng Lê Quý Vương: Không chỉ người có chức vụ, quyền hạn mới tham nhũng ảnh 1Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an thảo luận tổ tại QH chiều 9-11

Nhấn mạnh Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là luật hết sức quan trọng, ĐB Lê Quý Vương nhấn mạnh, xây dựng Luật này phải làm sao cho chất lượng, xứng với kỳ vọng, trong đó cần tập trung vào "phòng rồi mới chống".

Nói cách khác, Luật này cần phải nhấn mạnh đến vấn đề phòng tham nhũng, để làm sao cho người ta "không dám" tham nhũng nữa. "Trong mấy cái không thì không thể tham nhũng phải là yếu tố hàng đầu" – ông nhấn mạnh.

Phân tích kỹ hơn về các công cụ, giải pháp để phòng tham nhũng, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, cái quan trọng đầu tiên là phải xác định rõ thế nào là tham nhũng, thứ hai là phải xác định được đối tượng tham nhũng.

"Luật đã nêu ra 12 hành vi tham nhũng, gần như cơ bản đã được đưa vào Bộ luật Hình sự, như các hành vi: tham ô, hối lộ, môi giới hối lộ, lạm dụng chức vụ..." – Thứ trưởng Lê Quý Vương nói.

Còn về đối tượng tham nhũng, ĐB Lê Quý Vương cho biết, trước nay, chúng ta đều xác định là người có chức vụ, có quyền hạn, tức là có điều kiện để tham nhũng. Nhưng vừa qua kiểm tra ở một số địa phương, ngay cả nhân viên kế toán của trường cũng thông đồng với hiệu trưởng làm sai lệch để rút tiền, quyết toán khống.

“Trong quản lý kinh tế thì giữa thủ trưởng và kế toán gắn bó với nhau. Nếu không có kế toán thì không thể lấy tiền ra. Do đó, quy định đối tượng thế nào thì phải cân nhắc” – Thượng tướng Lê Quý Vương góp ý.

Đồng thời, ĐB Lê Quý Vương cũng bày tỏ quan điểm cho rằng dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cần mở rộng đối tượng áp dụng ra khu vực ngoài Nhà nước, bởi trong bối cảnh đổi mới hiện nay, các đơn vị kinh tế nhà nước sẽ giảm, khu vực tư nhân tăng lên và khu vực tư nhân lại tác động đến quản lý của Nhà nước.

"Qua điều tra các vụ án về kinh tế cũng dễ thấy có sự đan xen giữa những người hoạt động kinh tế với trách nhiệm của cơ quan quản lý"– Thứ trưởng Bộ Công an nói.

Ngoài ra, ĐB Lê Quý Vương cũng nhấn mạnh, muốn thành công trong phòng, chống tham nhũng thì minh bạch, công khai phải là yêu cầu số một, yếu tố minh bạch, công khai phải được đề cập "rất sâu" trong dự Luật quan trọng này.  

Cuối cùng, Thượng tướng Lê Quý Vương ủng hộ quan điểm của cơ quan thẩm tra và đông đảo các ĐBQH là nên xem xét dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trong 3 kỳ họp Quốc hội nhằm đảm bảo xây dựng luật chặt chẽ, phúc đáp được yêu cầu của thực tiễn.