Thượng tướng Lê Quý Vương: Đưa trẻ 12-18 tuổi vào cơ sở cai nghiện thì phải tính rất kỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Qua thảo luận, quy định về việc cai nghiện ma túy đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi của dự án Luật Phòng chống ma tuý (sửa đổi) còn nhiều ý kiến tranh luận…

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại phiên họp

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại phiên họp

Sáng nay, 9-12, Ủy ban Thường vụ Quốc họp phiên thứ 51, cho ý kiến về việc chỉnh lý, tiếp thu dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Một trong những nội dung còn nhiều tranh luận nhất tại dự án luật này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, là quy định về việc cai nghiện ma túy đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi (Điều 40).

Theo đó, nhiều ý kiến nhất trí với việc có một điều riêng trong dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) về lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy từ 12 đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc song cần đơn giản hóa các thủ tục liên quan.

"Nhiều gia đình muốn đưa con em vào cơ sở cai nghiện ma tuý, nhưng với trình tự quy định trong dự thảo thì hơi khó thực hiện" - Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc góp ý.

Theo ông Phúc, nếu quy trình đầy đủ là gia đình phải đề nghị với Chủ tịch UBND xã, rồi đợi lập hồ sơ, xem có vấn đề gì không mới chuyển lên huyện xem xét, sau đó lại đề nghị toà án xem xét trong thời gian 2 ngày thì “e rằng sẽ ùn tắc hồ sơ đưa đi cai nghiện".

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận phiên thảo luận

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận phiên thảo luận

Ngược lại, nhiều ý kiến khác nhấn mạnh quan điểm người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi là đối tượng cần được ưu tiên bảo vệ và biện pháp phải khác so với đối tượng từ 18 tuổi trở lên, đó là quan điểm mang tính nhân văn của Nhà nước ta.

Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng, trong Luật cần thiết có một điều riêng về nội dung này, song cần thống nhất với các luật khác để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho trẻ em, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cũng đồng tình với quy định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đi cai nghiện bắt buộc, song đề nghị cần bố trí khu riêng cho đối tượng này…

Phát biểu tại phiên họp, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, trẻ từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi còn đang trong độ tuổi đi học, vui chơi nên việc đưa vào cơ sở cai nghiện cần được tính toán kỹ vì liên quan đến nhiều vấn đề, kể cả vấn đề nhân đạo.

“Kế cả, nếu đưa các cháu vào đây 6 tháng đến 1 năm thì việc bảo đảm việc học hành cho các cháu như thế nào. Cho nên, phải có quyết định của toà án là như vậy… Khi soạn thảo luật, chúng tôi băn khoăn nhất độ tuổi này. Tuy nhiên, hiện nay, độ tuổi này dễ bị rơi vào nghiện hút nhất” - Thượng tướng Lê Quý Vương nói.

Giải trình thêm về quy định đối với cơ quan chuyên trách phòng chống ma tuý trong dự thảo luật, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, dự thảo được thiết kế có cơ quan thuộc công an và 3 cơ quan khác là bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan.

Theo thẩm quyền điều tra tội phạm ma tuý thì Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý sẽ điều tra tất cả các vụ tội phạm ma tuý. Với hoạt động đấu tranh tội phạm về ma tuý thuộc chức năng của bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, chỉ làm nhiệm vụ theo chức năng của mình, tại địa bàn quản lý.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, để bảo đảm sự thống nhất giữa các luật, các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát lại, hoàn thiện dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) để có thể thông qua tại kỳ họp Quốc hội thứ 11 - khóa XIV.

Dự thảo Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi) quy định:

- Thời hạn cai nghiện ma túy bắt buộc cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi từ 6 tháng đến 12 tháng.

- Việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc do TAND cấp huyện quyết định và không coi là biện pháp xử lý hành chính.