Thưởng trà là lúc tránh xa công nghệ

ANTD.VN - Trong số Báo ANTĐ ra ngày hôm qua, phóng viên đã viết về thú thưởng trà Việt đang quay trở lại, thậm chí trong giới trẻ. Hôm nay, chúng tôi tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc về một loại trà hết sức đặc biệt ở đất Hà thành. 

Trà sen nên pha ở nhiệt độ 85 - 90 độ C

Phàm cứ nhắc tới trà hương, người Hà Nội đã hình dung ra ngay màu hồng trăm cánh của bông sen Bách Diệp trong Đầm Trị, Thủy Sứ (Tây Hồ). Mỗi người ướp trà sen lại có một triết lý khác nhau: người coi trà là chủ, sen là khách; người lại giữ trà là khách, sen là chủ; hương hương vị vị, có người nhẫn nại chờ duyên tri kỷ khi trong trà có sen, trong sen có trà.

Vào độ tháng 5, khi bầu trời có hôm không một gợn mây, nắng rực bỏng rát và bắt đầu có những cơn mưa rào tươi mát, người làm trà lại rục rịch chuẩn bị làm trà sen. Công việc làm trà sen sẽ kéo dài từ tháng 5 tới tháng 7; có năm sen được mùa, đến tận rằm tháng 7 âm lịch vẫn còn ướp được trà.

Sen xổi, sen gạo

Làm trà sen xổi đơn giản, không quá cầu kỳ. Buổi sáng, khi bông sen hé nở, người ta đi thuyền ra thả những lá trà vào trong hoa rồi buộc túm lại. Tùy khẩu vị mỗi người thích phảng phất hay đậm đặc mà chọn thời gian trở lại hồ sen. Có thể ngay chiều hôm ấy hoặc để sang ngày hôm sau. Thời gian sen tỏa hương chính là thời gian trà ngậm hết hương sen vào từng búp. Đến buổi tối bông sen cụp lại, sáng hôm sau ra tìm bông sen ngày cũ, tách từng cánh hoa sen và lấy trà bên trong đem về.

Trà sen xổi khi pha mang hương thơm thanh nhẹ, uống đến 2-3 nước đầu đã phai hết hương, còn mỗi trà không. Nhưng cảm giác tách bông hoa sen ra lấy trà là một hình ảnh bình dị đẹp đẽ mà ai cũng muốn trải nghiệm, bởi thế trà sen xổi được phần đông người ưa chuộng. Người ta sử dụng hình ảnh đó trong phim “Đêm hội Long Trì”, khi chúa Trịnh Sâm sai các cung nữ đun nước pha trà, ra đầm sen lấy hoa.

Ướp sen gạo là bông hoa sen hái lúc trời sớm tinh mơ, khi mặt trời chưa ló rạng. Anh Nguyễn Việt Hùng, người đoạt giải Tea masters cup Việt Nam 2016 với trà sen cho biết: “Bông hoa sen lúc ấy mới hàm tiếu”. Nghĩa là hoa ngậm cười he hé, hơi mỉm. Hái bông hoa sen lên bờ, đặt một chiếc lá sen trong lòng, người làm trà tách từng cánh ngoài, cánh trong bông hoa để lấy phần gạo sen. Gạo sen là phần tập trung tinh túy nhất của bông hoa sen, là túi hương của nó.

Trà sen gạo chưa bao giờ rẻ, xưa có giá 3-4 chỉ vàng và chỉ dùng cho các dịp trọng đại. Nhiều nhà uống chút nếm khi vào mùa, rồi cất để dành tới Tết. Ngày xưa, các cụ ướp trà sen dùng trà khô mạn ngược (trà được trồng trên vùng núi cao). Về, các cụ xắn tay đồ lên làm cho nó doãi, rồi cho vào chum đất ủ 2-3 năm, sau đó nó phân hủy hết chất tanin gây chát trong trà. Sau vài ba năm, trà xốp lên, tầng tầng lớp lớp thành từng tấm.

Công đoạn ướp trà gạo sen: trải một lớp trà đã dỡ tách từ tấm xốp, một lớp gạo, như vậy cho hết trà hết gạo. Tiếp đến ủ trà trong khoảng từ 2-3 ngày tùy thời tiết. Trà hút hương sẽ bị ẩm, người ta phải đem sấy khô giữ hương. Quá trình ấy lặp lại 7 lần. Thường, 21 ngày sẽ được một mẻ. Khoảng 1.000-1.400 bông sen lấy gạo mới ra được một cân trà sen và khi pha trà cho màu nước đỏ. Ngày nay, bởi người Việt có xu hướng uống trà xanh nước màu vàng ánh, nên người làm trà làm theo cách mới, lược bỏ công đoạn ủ trà trong chum.

Sống lưu hương

Điều người làm trà sen mong muốn nhất với người uống là hãy biết ơn trời đất mưa thuận gió hòa. Bởi năm nào mất mùa, người làm trà sen phải đằng đẵng chờ mùa sen sang năm làm mẻ ưng ý. Khi uống, vị sen vị trước, vị trà vị sau, từ từ vị trà nổi lên, vị sen lan tỏa. Nếu nó chỉ hời hợt bảng lảng ở đâu đó không rõ ràng thì không phải trà sen. 

Xưa nay đều vậy, uống trà sen như một thú vui tao nhã thư nhàn. Nếu bạn muốn thưởng thức hương trà trọn vẹn, ấm trà phải được pha, chén trà phải được rót trong một môi trường ổn định để hương lên thẳng đứng. Nếu có gió thổi, hương sen sẽ lản. Hương sen tràn ngập và lan tỏa trong vòm họng, khoang mũi người uống chứ không sỗ sàng như hít bên ngoài. Các cụ ngày trước có câu “thập nhị lan can nhất trản trà” chỉ cách uống chậm, từ tốn. Điều thú vị, các cụ chỉ uống cùng lắm đến chén thứ ba thôi, đến chén thứ tư sẽ thành “trâu ăn mẫu đơn” thô tục.

Người làm trà như người chế tác hương. Riêng với anh Hùng, việc làm trà sen rất thiêng liêng. Hoa sen là một loài hoa “đỡ bàn chân” Đức Phật. Người trẻ bây giờ khi tiếp xúc với trà Việt, trà hương thì trà sen vẫn là một trong những lựa chọn đầu tiên. Nhưng người trẻ uống trà còn hời hợt. Cái sự hời hợt ấy sẽ mất đi nếu người trẻ tập trung uống trà thay vì vừa uống qua loa vừa lướt điện thoại di động. Anh Hùng tiếc nuối: “Không hiểu sao, 2 năm nay hồ Tây mất mùa sen, chẳng biết có phải do ô nhiễm không, vì thế trà sen ngày càng quý”.