Thượng tôn pháp luật mới có hòa bình và an ninh ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Chỉ có thượng tôn pháp luật, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên sở luật pháp quốc tế mới có hòa bình và ổn định tại vùng biển gắn liền với lợi ích sống còn của nhiều quốc gia khu vực và thế giới này.

Các đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế Biển Đông lần thứ 12 cho rằng cần phải thượng tôn pháp luật ở Biển Đông

Các đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế Biển Đông lần thứ 12 cho rằng cần phải thượng tôn pháp luật ở Biển Đông

Nhận diện mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh ở Biển Đông

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 với chủ đề “Duy trì hòa bình và hợp tác trong bối cảnh có nhiều biến động” diễn ra trong 2 ngày 16 và 17-11 tại Hà Nội là cơ hội để giới chuyên gia, học giả khu vực và thế giới cùng chia sẻ những nhận định, đánh giá để tìm kiếm giải pháp duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở Biển Đông - vùng biển chiến lược mang ý nghĩa sống còn không chỉ các quốc gia và vùng lãnh thổ liên quan mà nhiều quốc gia khác trên toàn cầu.

Chỉ riêng việc có tới 300 đại biểu tham dự trực tiếp cùng hơn 400 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến - trong đó có gần 60 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ 30 quốc gia trên các châu lục khác nhau, 12 Đại sứ và đại diện của trên 20 Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam - cùng gần 100 phóng viên đến từ 58 hãng thông tấn, truyền hình trong và ngoài nước đã đăng ký tham gia đưa tin về Hội thảo đã cho thấy sức hút thể hiện sự quan tâm lớn của các quốc gia, giới học giả và dư luận quốc tế đối với vấn đề Biển Đông.

Mối quan tâm này diễn ra trong bối cảnh Biển Đông từ đầu năm tới nay vẫn là một điểm nóng hàng đầu trên thế giới, bất chấp đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) hoành hành khắp toàn cầu. Căng thẳng ở Biển Đông chẳng những không lắng dịu để tạo điều kiện cho tăng cường hợp tác, thúc đẩy giao thương nhằm góp phần giảm thiểu tác động vô cùng tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới kinh tế khu vực và toàn cầu, trái lại còn gia tăng thêm.

Ngay từ những tháng đầu năm 2020, trong khi đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội tại quốc gia tâm dịch Trung Quốc rồi lây lan nhanh chóng ra toàn thế giới, Trung Quốc không chỉ liên tiếp tổ chức tập trận quy mô lớn ở Biển Đông còn có những hành vi hung hăng, gây gấn như điều tàu khảo sát Hải Dương 8 đi xuyên qua vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, xuống “quấy nhiễu” tàu thăm dò của Malaysia, dùng tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam…

Mới đây nhất, Trung Quốc công bố dự thảo luật “bật đèn xanh” cho lực lượng hải cảnh nước này sử dụng vũ lực trên biển, động thái khiến dư luận đặc biệt lo ngại về việc tạo ra mối đe dọa tới tính mạng và tài sản của ngư dân các nước, gây cản trở tự do hàng hải qua các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng.

Lên tiếng tại hội thảo Biển Đông lần thứ 12, các học giả Ấn Độ, Nhật Bản và Đông Nam Á cũng như quốc tế đồng loạt bày tỏ lo ngại việc hải cảnh Trung Quốc tùy tiện sử dụng vũ khí, nhất là khi lực lượng này thường xuyên có cách hành xử tùy tiện đối với ngư dân và tàu thuyền các nước thời gian qua. Giáo sư Carl Thayer, học giả danh tiếng của Australia, cho rằng dự luật của Trung Quốc khiến ông nhớ đến “Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp” mà Trung Quốc thông qua năm 1992, đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế để rồi tự ý quy định lãnh hải rộng 12 hải lý áp dụng cho cả 4 quần đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Giáo sư Carl Thayer nhấn mạnh, các tàu hải cảnh Trung Quốc thường được trang bị vũ khí và nhắc đến căng thẳng giữa Malaysia và Trung Quốc từ tháng 12-2019 đến khi Trung Quốc điều các tàu hải cảnh tuần tra, quấy rối gần nơi giàn khoan West Capella của Malaysia hoạt động ở vùng biển mà Kuala Lumpur tuyên bố là EEZ của nước này. Theo Giáo sư Carl Thayer, việc này giống như là “ngoại giao pháo hạm”.

Thượng tôn pháp luật, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình

Nhìn nhận về tình hình Biển Đông thời gian qua khi phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao nước ta Bùi Thanh Sơn cho rằng, tình hình vùng biển này vẫn còn nhiều thách thức khó lường, tác động đến hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực, trong đó có các vấn đề nổi cộm như: việc đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế không phù hợp với chuẩn mực và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, cạnh tranh địa chính trị nước lớn và quân sự hóa Biển Đông làm tình hình thực địa tiếp tục diễn biến phức tạp, cản trở các tiến trình ngoại giao nhằm nỗ lực thúc đẩy đối thoại và hợp tác. Bên cạnh đó, các vấn đề an ninh phi truyền thống trên biển ngày càng phức tạp, tác động đến cuộc sống bình yên của hàng triệu người.

Đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế để từ đó tự đưa ra những yêu sách đòi chủ quyền và dùng sức mạnh vượt trội để hiện thực hóa yêu sách đòi chủ quyền phi pháp là căn nguyên của tình hình căng thẳng ở Biển Đông lâu nay. Thực thi “ngoại giao pháo hạm” nhằm phô trương sức mạnh quân sự với mục đích đe dọa để đạt được các mục tiêu đối ngoại và buộc quốc gia bị đe dọa phải nhượng bộ quyền lợi trong các vấn đề chủ quyền ở Biển Đông là mối đe dọa nghiêm trọng với hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực cũng như thế giới.

Chia sẻ đánh giá chung cho rằng nguy cơ xảy ra đụng độ trên Biển Đông thời gian tới ngày càng lớn do cạnh tranh giữa các nước lớn gia tăng, các học giả tham gia hội thảo đề xuất một số khuyến nghị cho các nước liên quan nhằm phòng tránh đụng độ, giảm thiểu rủi ro như nghiêm chỉnh tuân thủ Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), các nước gia nhập các điều ước, thoả thuận quốc tế nhằm giảm thiểu rủi ro trên biển như COLREG, SUA and SOLAS. Từ năm 2016, Trung Quốc và ASEAN đã ra tuyên bố chung về Quy tắc phòng tránh đụng độ trên biển (CUES), song đến nay CUES vẫn là bộ quy tắc tự nguyện và chỉ áp dụng cho các lực lượng hải quân, do đó các học giả Australia đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng CUES cho cả các lực lượng cảnh sát biển (hải cảnh), chấp pháp dân sự trên biển.

Trong các bài diễn văn quan trọng tại hội thảo, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Sajjan và Chuẩn đô đốc Juergen Ehle, Cố vấn cao cấp của Cơ quan đối ngoại Liên minh châu ÂU (EEAS), cùng phản đối các hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng khu vực và phá hoại sự ổn định ở Biển Đông. Bộ trưởng Harjit Sajjan phản đối sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, cải tạo đảo trên diện rộng, xây dựng đồn bốt trên các điểm tranh chấp và sử dụng chúng cho các mục đích quân sự ở Biển Đông, đồng thời thúc giục tất cả các bên tuân thủ cam kết phi quân sự hóa các điểm tranh chấp và các cam kết trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ cần sớm hoàn thành đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); không tiến hành các hoạt động đơn phương, cả quân sự và dân sự nhằm thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông; tiếp tục đề cao, tôn trọng sự toàn vẹn và giá trị thống nhất, phổ quát của UNCLOS 1982, coi Công ước này là cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động trên biển, đồng thời cần tôn trọng quyền lợi hợp pháp căn cứ theo luật pháp quốc tế của các bên liên quan ở Biển Đông. Chỉ có thượng tôn pháp luật, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế mới mang lại hòa bình, ổn định an ninh và hợp tác ở Biển Đông.

Hà Lan kêu gọi EU lên tiếng mạnh mẽ trước những vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông

Hà Lan kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) lên tiếng mạnh mẽ hơn trước các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Đây là một trong những điểm chính trong tài liệu chính sách mới phác thảo về chiến lược đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thể hiện “Tầm nhìn Hà Lan”.

Cùng với các quốc gia EU khác như Pháp và Đức, Hà Lan cũng nêu ra những quan ngại ở Biển Đông, trong đó có sự đối đầu ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đe dọa sự ổn định của tuyến đường thủy quan trọng đi qua vùng biển này. Trong văn kiện, Hà Lan kêu gọi không để khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trở thành “cuộc chơi giữa các cường quốc”. “EU nên tìm kiếm hợp tác với các nước trong khu vực để đảm bảo tự do đi lại và an toàn hàng hải. Trong bối cảnh đó, EU phải thể hiện một cách thường xuyên và mạnh mẽ hơn về những diễn biến ở Biển Đông vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển” - văn kiện này nêu rõ.

Hà Lan cũng đề xuất trao cho EU vai trò cố vấn hoặc quan sát viên trong các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa ASEAN và Trung Quốc về một Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Trong một bức thư gửi quốc hội về tài liệu chính sách mới này, Ngoại trưởng Hà Lan Stef Blok đề cập đến các chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Pháp và Đức đề ra và cho biết chính sách mới của Hà Lan được chuẩn bị với mong muốn “một tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương trong bối cảnh châu Âu” được đánh giá là lập trường chung của EU trong khu vực.

EU gồm 27 thành viên là đối tác thương mại lớn thứ hai của các nước Đông Nam Á và là nhà đầu tư lớn nhất trong khối. Hà Lan là một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất sang các nước ASEAN trong EU, sau Đức. Báo cáo ghi nhận 22,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hà Lan đến từ các nước châu Á.

Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), tạo cơ sở cho cơ chế pháp lý quản lý các đại dương trên thế giới. Tòa trọng tài tại La Haye năm 2016 đã ra phán quyết rằng hầu hết các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông là bất hợp pháp theo UNCLOS và Trung Quốc đã bị các nước như Mỹ và Australia chỉ trích vì đã coi thường luật pháp quốc tế.

Thu Nguyên (Theo Benarnews)