Thượng tá Công an Hà Nội nhớ lại những tháng ngày mẹ hy sinh, cha ở chiến trường

ANTD.VN - Tôi gặp Thượng tá Nguyễn Văn Tâm tại Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an, nơi ông đang điều trị bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Trong bộ trang phục giản dị ngoài giờ làm việc, Thượng tá Tâm trầm tư nhớ lại câu chuyện về người mẹ tần tảo của mình. 

Trong công việc, Thượng tá Nguyễn Văn Tâm đầy nhiệt huyết và trách nhiệm, được đồng nghiệp trân trọng và quý mến

Khi mẹ mất, Thượng tá Nguyễn Văn Tâm, Phó trưởng Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội mới 7 tuổi, hình ảnh về mẹ giờ chỉ loáng thoáng trong trí nhớ ông, nhưng cha và đồng đội của mẹ là những “nhân chứng sống” giúp ông có cái nhìn và sự cảm nhận về mẹ được trọn vẹn hơn.

Mẹ Thượng tá Nguyễn Văn Tâm là liệt sỹ Lê Thị Nguyệt, sinh năm 1938. Bà phụ trách công việc quản lý lương thực, phục vụ chiến trường Nam Lào (địa bàn thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Cụ thể là chuyển phát gạo cho bộ đội phục vụ chiến trường.

Hy sinh khi đang phát gạo cho bộ đội

Rạng sáng 17-3-1966, sau một đêm đi nhận gạo đem về nơi tập kết để phát cho bộ đội, các đồng đội khuyên bà nghỉ tay bế con (em trai út của Thượng tá Tâm, lúc đó mới 6 tháng tuổi), do đói sữa nên cháu bé khóc quá, các cô chú bộ đội ở nhà thay nhau dỗ cháu mà không được. Nhưng bà lo lắng, bom ném dữ dội nếu không phát gạo sớm có thể sẽ nguy hiểm cho mọi người đang chờ lấy gạo nên bà tranh thủ từng giờ từng phút, một tay ôm con, một tay lấy gạo phát cho bộ đội trước lúc trời sáng.

Hai giờ sau, máy bay Mỹ ném bom dữ dội làm rung chuyển cả vùng, một quả bom rơi trúng nơi bà đang làm việc, khiến đứa con trai bé bỏng trên tay bị hất văng xa hơn 20 mét vào bụi cỏ lau, bị thương rất nặng, còn bà tử vong tại chỗ với thi thể không còn nguyên vẹn.

Em trai út của Thượng tá Tâm được các đồng đội của mẹ đưa gấp về trạm quân y quân đội để cấp cứu và may mắn được cứu sống, tuy nhiên, di chứng vết thương để lại khiến sức khỏe của em trai ông sau này rất yếu.

Sự hy sinh của liệt sỹ Lê Thị Nguyệt đã khiến cho 3 đứa trẻ mất mẹ khi còn quá nhỏ. Chồng bà, khi ấy là Công an vũ trang cửa khẩu Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, đã phải sống cảnh gà trống nuôi con trong điều kiện hết sức khó khăn.

Thượng tá Tâm chia sẻ: “Khi mẹ tôi mất, ba anh em tôi sống thiếu thốn cả về tinh thần lẫn vật chất. Cha gửi ba anh em tôi về sống tạm với cậu ruột một thời gian. Gia đình cậu tôi khi đó nghèo lắm. Tôi vẫn nhớ những ngày ba anh em tôi dắt tay nhau đi lang thang ngoài đường, cứ bước đi trong vô định, vừa nhớ mẹ vừa đói, bố thì ở ngoài chiến trường, thi thoảng mới tạt về thăm các con. Bây giờ, mỗi khi bắt gặp những đứa trẻ lang thang ngoài đường tôi lại xúc động vì lại thấy hình ảnh tuổi thơ của mình trong đó”.

Ước mơ thành hiện thực

Lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ từ khi còn nhỏ nhưng Thượng tá Tâm đã ý thức sớm được trách nhiệm của người anh cả, ông luôn thay cha chăm sóc động viên các em sống tốt và chăm chỉ học hành để cha yên tâm công tác ngoài chiến trường.

Cũng ngay từ khi còn nhỏ, Thượng tá Tâm đã có ước mơ sau này được khoác lên người màu áo chiến sĩ công an như cha mình. Và ước mơ đó đã trở thành hiện thực. Năm 1977, Thượng tá Tâm thi đỗ vào trường Hạ sỹ quan an ninh 1. Sau khi tốt nghiệp, ông được điều về công tác tại Công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Năm 1994, Thượng tá Tâm được giao giữ trọng trách Trạm phó Trạm Cảnh sát bến xe phía Nam. Sau 3 năm công tác, ông được bổ nhiệm làm Trạm trưởng. Năm 1999, ông về làm trưởng Công an phường Tân Mai, quận Hai Bà Trưng.

Tháng 12-2003, Công an quận Hoàng Mai được thành lập, Thượng Tá Tâm về phụ trách Đội cảnh sát QLHC về TTXH. Là một đơn vị mới được thành lập, còn rất nhiều khó khăn ban đầu, đặc biệt là công tác quản lý hành chính chuyển đổi từ mô hình cấp xã lên thành phường, nhưng với sự cố gắng, khắc phục khó khăn của tập thể đơn vị, với tinh thần cải cách hành chính vì nhân dân phục vụ, ông đã tham mưu xây dựng thành công 2 chuyên đề: “Nói lời hay làm việc tốt, vì nhân dân phục vụ”; “Lắng nghe dân nói, để nói cho dân hiểu, vận dụng linh hoạt thủ tục hành chính -  vì nhân dân phục vụ”.

Nhờ 2 chuyên đề này, đơn vị đã giải quyết được một khối lượng công việc lớn về đăng ký hộ khẩu, cấp chứng minh  nhân dân… cho nhân dân trên địa bàn quận. Nhiều lá thư khen được gửi về, qua đó, uy tín của CAQ Hoàng Mai được nâng lên rõ rệt.

Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành xuất sắc

Trong suốt những năm công tác, dù ở bất cứ vị trí công tác nào, Thượng Tá Tâm cũng luôn được chỉ huy cũng như các đồng nghiệp yêu mến và ghi nhận khả năng của mình.

Thiếu tá Nguyễn Thu Thủy, nguyên là cán bộ Đội Chính trị hậu cần CAQ Hoàng Mai chia sẻ: “Thượng tá Tâm là người rất giỏi về chuyên môn nghiệp vụ và là người có nhân cách sống rất đáng trân trọng, mọi người đều quý mến. Anh cũng là người trách nhiệm trong công việc, kiên quyết nhưng lại linh hoạt trong công tác lãnh đạo chỉ đạo đơn vị thực hiện nhiệm vụ chính trị được cấp trên giao…”.

Do có nhiều thành tích trong công tác, nhiều năm liền lãnh đạo đơn vị đạt danh hiệu Quyết thắng, cá nhân đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua, năm 2012, Thượng tá Nguyễn Văn Tâm vinh dự được đón nhận Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Và cũng trong năm 2012, ông  được bổ nhiệm giữ vị trí Phó trưởng CAQ Hoàng Mai, phụ trách mảng an ninh.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thượng tá Nguyễn Văn Tâm, Đội An ninh nhân dân CAQ Hoàng Mai đã làm tốt công tác tham mưu cho Quận ủy, UBND Quận trong công tác đảm bảo an ninh chính trị nội bộ và văn hóa tư tưởng trên địa bàn quận. Trong những năm qua, quận Hoàng Mai tự hào là địa bàn ổn định về an ninh chính trị, không để xảy ra các hoạt động như chống đối, khủng bố phá hoại, biểu tình, gây rối. 

Giờ đây đã sắp hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó, chuẩn bị được nghỉ ngơi, Thượng tá Tâm vẫn còn rất nhiệt huyết với công tác mà mình đã gắn bó suốt mấy chục năm. Trong suy nghĩ của ông, dù còn công tác hay đã nghỉ, thì cũng sẽ làm hết sức mình để đóng góp vào công cuộc giữ vững ANTT trên địa bàn thành phố, góp phần giữ gìn thành quả mà những người như mẹ ông đã hy sinh cả cuộc đời để giành lấy.