Thương sấu

ANTĐ - Người Hà Nội tự hào về những tuyến phố có dãy sấu cổ thụ, nhưng tôi tự hỏi, một năm người ta để ý đến những hàng sấu được mấy lần? Có chăng chỉ là những lúc gió mùa về, suốt dọc những dãy phố lá sấu điệp cùng lá xà cừ một màu vàng rực, rải đầy đường làm phố đẹp đến nao lòng. 

Rồi một lần nữa, có chăng là vào lúc sấu đồng loạt trổ hoa, thả cái màu vàng nhạt lấm tấm trên khắp các mái nhà, trên tóc, trên áo, trên những vỉa hè để mỗi bước chân đi qua, thấy sao rưng rưng, bồi hồi khôn tả. Cũng chỉ nhìn ngắm tí ti thế thôi, còn chăm sóc thì không. Dưới gốc sấu, người ta vẫn thản nhiên đốt vàng mã, đặt bếp lò… Thế nhưng cứ hè đến, bất kể sáng trưa chiều tối, sấu Hà Nội "hút khách" đến lạ kì. Ngồi quán nước ven đường, thấy một ngày mỗi gốc sấu có vài lượt người đến "thăm", nhất là các cậu tuổi choai choai. Đi hàng đoàn cũng có, mà lẻ tẻ vài người cũng có. Ai cũng nhăm nhăm một chiếc gậy móc dài và những bao tải, túi nilon. Thoắt một cái đã tót lên tận ngọn. Gần thì còn với tay vặt, xa thì kéo vào, bẻ cả cành. Nhóm này vừa đi, nhóm khác lại đến. Lượt đầu thì còn được lưng lưng bao, lượt sau ít đi thấy rõ, nhưng lượt sau nữa, tưởng đã hết trụi quả rồi thì vẫn thấy người ta vót vét được chút đỉnh. Cứ mỗi một toán người rút đi, tán sấu thưa thớt xác xơ thêm, và dưới gốc thì la liệt cành lá rụng. Dưới mặt đất chỉ còn vài quả sấu rơi dập vỡ nằm buồn…

Bà bán nước chè chén ở góc phố Trần Hưng Đạo bảo, mấy năm trước cả Hà Nội chỉ có một ông trung tuổi đi hái sấu bán thôi, nhưng sau, không biết có phải vì báo chí viết rằng ông ấy thu nhập mấy chục triệu một mùa sấu hay không mà "đội quân" hái sấu ngày càng nhiều lên. Quanh năm không thấy mặt quen tên, nhưng mùa này, ngày họ lượn qua các gốc sấu vài lượt. Đầu mùa giá sấu 40-50 nghìn một cân, chỉ cần bỏ một buổi sáng là cũng có tiền triệu, lại hái "của công", chẳng mang tiếng trộm cắp, đó là cái cớ để người ta leo trèo, "chăm sóc" những gốc sấu rất nhiệt tình. Bây giờ, cuối vụ rồi, sấu ngoài chợ đã rẻ, nhưng nhiều người cho rằng sấu hái tại Hà Nội ngon, có vị đặc biệt hơn nên "đặc sản" này vẫn đắt, thế là những người hái sấu lại "càn quét". Chỉ khi nào hết sạch quả, đến khi ấy những cây sấu mới được yên thân, nghỉ ngơi, dồn nhựa, lấy sức để mùa sau ra quả tiếp.

Những hàng sấu dọc các phố Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng, Lý Nam Đế... từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của những người yêu Hà Nội. Nhà thơ Xuân Diệu từng trầm trồ trước "Quả sấu non trên cao", nhà văn Băng Sơn thì viết: "Trong máu của người Hà Nội có vị sấu", còn nhà thơ Chính Hữu cũng từng nổi tiếng với câu thơ "Đêm Hà Nội buốt tê/ Mái buồn nghe sấu rụng". Viết được những câu văn, câu thơ ấy thì chỉ có văn nhân, thi sĩ, nhưng với người thường, có lẽ ai cũng cảm nhận được sự hiện diện của sấu trong đời thường Hà Nội. Nó chẳng có gì là to tát cả, chỉ là thứ gia vị, chỉ là những hàng cây, song, hàng sấu mỗi năm mỗi già thêm, chưa kể trước mùa mưa bão còn bị cưa bớt cành lá, nếu cứ bị tận diệt thế này, chỉ vài năm nữa thôi, những tàng sấu sẽ chỉ còn thưa thớt.

Trong khi đó, có khi phải hàng chục, thậm chí dăm bảy chục năm nữa Hà Nội mới lại có được những "con đường sấu" cổ thụ như bây giờ. Tôi đã thấy hàng sao đen trên phố Lò Đúc từ lâu chỉ còn những thân cao vút, cành lá ít ỏi đến nỗi chim chóc ít dám đậu. Tôi cũng đã thấy cây gạo, cây lộc vừng già bên hồ Gươm thi thoảng mới trổ hoa. Tôi sợ những cây sấu sẽ cằn cỗi dần vào những mùa sau. Chắc chắn, niềm vui nho nhỏ của tôi là phát hiện và chờ một quả sấu chín đỏ lủng lẳng trên cành rụng xuống vào sớm mai nào đó cũng biến mất. Tôi cũng sợ một đêm thanh vắng nào đó, chờ mãi bên mái hiên, chẳng còn nghe thấy tiếng sấu rụng nữa. Những quả sấu muốn đi trọn một vòng đời của mình, từ lúc ra hoa cho tới khi quả chín; những cây sấu muốn níu kéo sản phẩm để thết đãi tâm hồn người Hà Nội cho thật trọn vẹn nhưng người ta thì chẳng thể để chúng được toại nguyện, đơn giản chỉ vì nhu cầu rất cá nhân của một nhóm người. Một nỗi thương cảm rất vu vơ, song nó không khỏi làm tôi day dứt đến độ phải thốt lên: ai bảo vệ cây trái phố phường?