Giá sữa trong nước ngược dòng thế giới:

Thương quá, các ông bố bà mẹ Việt Nam!

ANTĐ - Không cần chờ đợi giá xăng giảm, ngay từ tháng 6-2014, khi thị trường thế giới rục rịch giảm giá nguyên liệu sữa, nhiều bà mẹ Việt Nam đã vui mừng báo cho nhau về một ngày mai tươi sáng, khi khoản tiền chi mua sữa cho con, một gánh nặng trên những đôi vai gầy, sẽ phần nào giảm đi. 

Và sau đó là giá xăng dầu giảm đến 9 lần. Nguyên liệu giảm, xăng dầu giảm... hy vọng tràn đầy. Nhưng chờ mãi, chờ mãi, tháng 7 qua, tháng 8, lại tháng 9 đã mất hút và đến bây giờ, đã cuối tháng 11, giá sữa vẫn y nguyên. Cay đắng hơn, khi đọc trên mạng, người ta thấy rõ, nguyên liệu sữa, kể từ tháng 6-2014 đến nay đã giảm từ 15-20% tùy loại. Tại sao? Theo thống kê, chiều cao người Việt trung bình vẫn thấp hơn so với các nước khoảng 10cm. Lý do chủ yếu là thời thơ ấu các em không được cung cấp đủ sữa. Và với lý do đó, các bà mẹ, ông bố nghiến răng, nhịn ăn, mua sữa cho con. Nhưng tại sao cả thế giới được sử dụng sữa giá thấp mà con em Việt Nam lại phải dùng sữa giá cao? Các cơ quan quản lý thị trường, quản lý giá ở đâu? Đã có những tính toán sơ bộ cho thấy các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa đã nhờ sự giảm giá của thị trường thế giới bòn vét được hàng trăm triệu USD từ các ông bố bà mẹ tội nghiệp...

Thương quá, các ông bố bà mẹ Việt Nam!  ảnh 1

Sự vô lý của giá sữa 

Theo nhận định của Bộ Công Thương, từ khi thực hiện Quyết định số 1079 (áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi) ngày 1-6 đến nay, đã có 503 mặt hàng sữa được đăng ký giá với cơ quan quản lý giá. Cuối tháng 10-2014, Sở Tài chính TP.HCM đã công bố, từ tháng 6-2014 đến cuối tháng 10-2014, giá sữa nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới giảm 15%-20%. Tại buổi họp báo của Bộ Tài chính đầu tháng 10, ông Nguyễn Văn Truyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá xác nhận, tính từ tháng 6, giá sữa nguyên liệu thế giới giảm khoảng 15%. Đầu tháng 11, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) cũng đưa tin, tháng 10-2014, giá sữa bột gầy tại thị trường châu Âu tiếp tục giảm thêm 3,3%. Theo Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO), chỉ số giá sữa trong tháng 9-2014 trung bình đạt 187,8 điểm, giảm 13 điểm (6,5%) so với tháng 8-2014 và giảm 62,4 điểm (24,9%) so với cùng kỳ năm trước.

Còn trên thị trường bán lẻ trong nước thì sao? Ngày 18-11-2014, tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội), sữa Enfamil A+1 900 g có giá bán lẻ niêm yết là 532.700 đồng/hộp (giá trần 538.144 đồng/hộp). Trong khi đó, cũng sản phẩm này, tại thời điểm khảo sát cuối tháng 6-2014, giá bán lẻ dưới 450.000 đồng/hộp. Sữa Enfagrow A+4 loại 900 g có giá 379.900 đồng/hộp, sữa Enfagrow A+3 hộp 900 g giá 445.900 đồng/hộp gần như bất động so với tháng  6-2014. Các dòng sữa khác vẫn được niêm yết ở mức khá cao, như Similac Gain dành cho trẻ 6-12 tháng có giá 519.800 đồng/hộp, Similac Gain dành cho trẻ 1-3 tuổi: 405.500 đồng/hộp, Similac Gain cho trẻ 3-6 tuổi: 430.600 đồng/hộp, Pediasure dành cho trẻ 1-10 tuổi trọng lượng 850 g: 591.800 đồng/hộp, Physiolac 3 loại 900 g: 425.900 đồng/hộp… Tới ngày 18-11, thị trường sữa không có sự biến động giá, kể cả hàng nhập khẩu lẫn hàng trong nước. Như sữa Nan Pro 3 loại 900gr dù có mẫu mã mới vẫn giữ giá 335-350 nghìn đồng/hộp; Nan Kid 4 loại 900gr: 324-335 nghìn đồng; Abbott Grow 3 loại 900gr: 255-270 nghìn đồng; Grow 3 loại 400gr: 124-134 nghìn đồng; Enfamil A+1 360 Brain Plus 400gr 242-255 nghìn đồng; Physiolac 1 loại 400gr: 185-222 nghìn đồng; Goatsure 400gr: 295-301 nghìn đồng... Tất cả các đại lý sữa trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều xác nhận, 4-5 tháng nay các đầu mối giao sữa không điều chỉnh giá bán. 

Theo Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm nay Việt Nam đã nhập khẩu 904,1 triệu USD sữa và sản phẩm sữa, dự kiến cả năm, lượng sữa nguyên liệu và thành phẩm nhập khẩu sẽ đạt 1,2 tỷ USD. Như vậy, chỉ 9 tháng đầu năm, với sự giảm mạnh giá sữa của thị trường thế giới, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa đã kiếm khoản lợi hàng trăm triệu USD và các ông bố bà mẹ cũng bị móc túi ra ngần ấy, khi không được hưởng lợi từ việc giảm giá của thị trường thế giới. 

Và sự bất lực (hay bênh vực) của cơ quan quản lý Nhà nước

Sáng nay 18-11-2014, trên diễn đàn Quốc hội, trả lời Đại biểu Lê Đình Khanh về giá sữa, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nói đây là việc rất khó. Trước đó, ngày 7-11-2014, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Nguyên liệu sữa chỉ là một yếu tố hình thành nên giá bán sữa thành phẩm của các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Ngoài ra, giá nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới chỉ là giá chào bán. Do đó, chưa tác động nhiều đến giá sữa bán trong nước”. 

Như vậy, theo các cơ quan quản lý Nhà nước, giá sữa trên thị trường trong nước chưa rẻ đi do độ trễ thị trường, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa vẫn đang sản xuất bằng nguyên liệu mua giá cao. Và lý do thứ hai là giá nguyên liệu chỉ chiếm một phần trong giá thành. Chúng ta thử  phân tích hai lý do này. Về độ trễ thị trường, chúng ta đã nghe quá nhiều khi nói về giá xăng dầu chậm tăng khi giá thế giới giảm. Có thể có độ trễ đó, nhưng không thể trễ hàng quý được. Giá thị trường thế giới đã giảm 5 tháng nay mà các doanh nghiệp vẫn mua nguyên liệu giá cao là lỗi của doanh nghiệp, không thể đổ lên đầu người tiêu dùng được. Về nguyên nhân thứ hai, để trả lời, chúng ta phải tìm hiểu xem giá nguyên liệu chiếm bao nhiêu trong giá thành. Khi lý giải việc giá sữa tăng, chính Cục Quản lý giá đã công bố tài liệu cho thấy, giá nguyên liệu chiếm 77% giá thành sữa thành phẩm. Vậy mà cũng theo Cục Quản lý giá ngày 7-11-2014 để bào chữa cho việc giá sữa trong nước không giảm, Cục này đã lại đưa một con số khác: giá nguyên liệu chỉ chiếm 40-50% giá thành (!). Tại sao?

Theo một nhà kinh doanh sữa, cho đến ngày 18-11-2014, chỉ có một công văn của một cơ quan quản lý Nhà nước gửi đến các doanh nghiệp đề nghị các doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh, chưa hề có văn bản nào yêu cầu các doanh nghiệp hạ giá sữa khi thị trường thế giới giảm giá nguyên liệu. Không yêu cầu, không có các biện pháp kiểm soát thì... không có doanh nghiệp nào điên để tiền lẽ ra vào túi mình lại bay đi. Đó là lẽ thường tình.

Tất cả các cơ quan quản lý thị trường đều biết, tất cả các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa đều có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, lên giá cùng lên, hạ giá cùng hạ. Thêm nữa, mỗi hãng sữa nước ngoài chỉ chọn một doanh nghiệp trong nước độc quyền kinh doanh các nhãn hàng sữa của mình, vì vậy, không có cạnh tranh về giá trên một nhãn hàng. Tiếng thì có tới trên 500 nhãn hiệu sữa, nhưng thực chất chỉ có vài chục nhà kinh doanh là quyết định giá thị trường. Chưa và nếu với cung cách quản lý này sẽ không bao giờ có một thị trường sữa cạnh tranh. 

Vậy cung cách quản lý thị trường sữa ra sao? Hiện nay, Nhà nước chỉ thực hiện bình ổn giá đối với sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi (sữa công thức), giá sữa thuộc thẩm quyền tự quyết định giá của doanh nghiệp. Vì vậy, khi doanh nghiệp có quyết định tăng hoặc giảm giá sữa, doanh nghiệp chỉ gửi kê khai đăng ký giá với cơ quan quản lý.

Và cho đến thời điểm này, Bộ Tài chính đang trong quá trình tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình. Khi cần thiết mới kiểm tra yếu tố hình thành giá từ đó mới có đánh giá và đưa ra các quyết định quản lý. Và cũng theo quy định của Bộ Tài chính, đến ngày 1-12 tới, các doanh nghiệp không cần đăng ký giá bán sữa mà chỉ cần kê khai, có nghĩa là được toàn quyền tăng giá. Lúc đó ai ngăn được lòng tham của các doanh nghiệp?

Cần khẩn cấp có biện pháp để các doanh nghiệp hạ giá sữa

 Có thể nói, việc duy trì một giá sữa cao đến bất thường, làm lợi cho nhà sản xuất kinh doanh và bất lợi cho người tiêu dùng là một hành vi thiếu trách nhiệm với tương lai đất nước. Bộ Tài chính, Bộ Công thương cần sớm kiểm tra yếu tố hình thành giá từ đó, đánh giá và đưa ra các quyết định quản lý. Cơ cấu hình thành giá sữa hiện đang có rất nhiều vấn đề. Còn nhớ, kết luận thanh tra của Bộ Tài chính với 5 DN kinh doanh sữa lớn cho thấy, năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014, các DN đã chi vượt mức quy định đối với việc quảng cáo dành cho các mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. 4/5 công ty đã chi 386 tỷ đồng dành cho quảng cáo, chi trả hoa hồng cho các thầy thuốc tư vấn dùng sữa. Điều này đã làm tăng giá bán sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, tương ứng từ 2,18-16,39%. Thông thường, các hãng sữa nước ngoài chi phí cho quảng cáo, bán hàng tới trên 30% chi phí kinh doanh; thậm chí có DN con số này lên tới 60-70%. Kết quả thanh tra của Bộ Tài chính cũng cho thấy, giá sữa thường được đẩy lên gấp 2-3 lần giá vốn. Nhiều sản phẩm sữa ngoại, nhất là những loại sữa dùng riêng cho trẻ nhỏ, người bệnh còn được đẩy giá cao tới gần 4 lần giá vốn. Các chi phí bao bì, các chi phí sản xuất đều được đẩy lên cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn thế giới. 

Ngoài công việc quản lý giá, cũng cần có biện pháp để tạo ra một thị trường cạnh tranh thật sự để người tiêu dùng có thể hưởng lợi từ các quy luật thị trường. Hiện nay, theo một chuyên gia kinh tế, không có doanh nghiệp kinh doanh sữa nào dám chủ động hạ giá, dẫu là doanh nghiệp nhỏ, lợi nhuận không quan trọng bằng mở rộng thị trường. Tại sao? Có doanh nghiệp đã nói nửa đùa nửa thật: Hạ giá thì được ngay, chỉ có là sau đấy không sống được khi những đòn sát thủ của cả hệ thống các doanh nghiệp sữa tung ra với kẻ độc hành. Các cơ quan quản lý có biết không? 

Thương quá, các ông bố bà mẹ Việt Nam. Thương quá, trẻ em Việt Nam.