Quốc hội bàn về bỏ phiếu tín nhiệm:

"Thượng phương bảo kiếm" rút ra khi nào?

ANTĐ - Hôm qua 4-6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Đề án Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Nội dung nhận được nhiều ý kiến ĐBQH quan tâm nhất là vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Bỏ phiếu tín nhiệm các đại biểu là cần thiết khi cử tri bức xúc

 (Cử tri tìm hiểu thông tin trước khi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIII, tháng 5-2011)

Mở đầu phần thảo luận, ĐB Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) cho rằng, giải quyết hậu chất vấn làm chưa tốt. ĐB tỉnh Lạng Sơn nói: “Chúng ta nghị quyết sau chất vấn nhưng thực hiện như thế nào thì Quốc hội lại chưa nói rõ. Vì vậy, nhiều kiến nghị chưa được giải quyết kịp thời, nên cử tri vẫn còn băn khoăn. Tôi thấy cần phải có những quy định rõ hơn, làm rõ trách nhiệm giải quyết hậu chất vấn”. ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) thêm ví dụ: “Trả lời như các bộ, ngành có khi dài hàng trăm trang nhưng cử tri vẫn chưa thoải mái. Cử tri muốn sau mỗi kỳ họp Quốc hội, kiến nghị của họ được giải quyết, có thay đổi thực sự, không phải việc đâu đóng đấy như thế. Cần có những quy định bắt buộc đối với giải quyết các kiến nghị của cử tri”. Cùng quan điểm, ĐB Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) nói, “phải làm tới nơi, tới chốn, nếu không sẽ gây mất lòng tin trong nhân dân”. 

Liên quan tới nội dung nóng nhất của đề án, ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) không đồng ý quan điểm bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm. Ông cho rằng, phải coi đây như "thượng phương bảo kiếm" của Quốc hội và “chỉ rút ra khi nào cần thiết”. ĐB Phùng Văn Hùng nói: “Chỉ bỏ phiếu khi cần thiết và tại mỗi kỳ họp chúng ta xin ý kiến ĐBQH đối tượng nào cần được bỏ phiếu tín nhiệm...”.

Tuy nhiên, ý kiến ĐB Cao Bằng chỉ là thiểu số bởi rất nhiều ĐBQH khác có quan điểm ngược lại. ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) phân tích: “Thực chất đây là bỏ phiếu bất tín nhiệm. Vấn đề này đã được ghi nhận tại Hiến pháp và pháp luật hiện hành nhưng hơn 10 năm qua chưa một lần được thực hiện. Nguyên do bởi pháp luật hiện hành chưa quy định dựa vào tiêu chí nào để ĐBQH đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm một chức danh. Do đó, phải xây dựng những căn cứ và tiêu chí rõ ràng thì mới đảm bảo vừa tránh được xu hướng bỏ phiếu hình thức, bỏ phiếu cảm tính, vừa tránh được tình trạng người đứng đầu không dám triển khai các biện pháp quản lý ngành, lĩnh vực một cách quyết liệt”. 

Góp ý cụ thể vào nội dung, ĐB Lê Thị Nga nói: “Cần tồn tại 2 hình thức, bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ và bỏ phiếu tín nhiệm bất thường khi có sự kiện về việc một chức danh có vi phạm. Việc bỏ phiếu định kỳ chỉ nên bắt đầu tiến hành vào thời điểm từ cuối năm thứ hai của nhiệm kỳ. Số lượng các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn rất lớn, vì vậy, các đối tượng cần bỏ phiếu chỉ nên là các chức danh từ Bộ trưởng và tương đương trở lên. Nếu phiếu không quá bán phải trình Quốc hội xem xét miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn việc cách chức”.

ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nêu quan điểm, trước mắt, có thể chọn lọc để lấy phiếu tín nhiệm ở những vấn đề xã hội đang bức xúc hay cán bộ có những sai phạm, có dấu hiệu tham nhũng. “Chúng ta làm trước xem như bước đi để thấy đủ độ vững chắc thì thực hiện rộng rãi” - ĐB Trương Minh Hoàng nói. Đồng tình, ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) đề nghị, phải làm rõ mối quan hệ của cơ quan quản lý cán bộ trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm: “Nếu không làm rõ, chúng ta sẽ thấy rất phức tạp và khó thực hiện, vì công tác cán bộ là của Đảng”.

Chốt lại vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói: “Đây là vấn đề rất lớn. Đảng đã có chủ trương và trong đề án có nói rõ là cuối năm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình với Quốc hội quy chế. Vấn đề là phải làm rõ giữa việc bỏ phiếu theo thẩm quyền Quốc hội và lấy ý kiến thường xuyên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương. Đây là những vấn đề mà chúng tôi sẽ báo cáo lại với Quốc hội trong thời gian tới”.