Thương nhớ làng quê xứ Đoài

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hơn 30 năm sống cuộn mình giữa lòng Thủ đô, chân tôi vẫn lấm đầy đất đỏ, chưa bao giờ dám nhận mình là người phố thị
Ai cũng cần có một làng quê nghèo để mà thương mà nhớ - Ảnh: Internet

Ai cũng cần có một làng quê nghèo để mà thương mà nhớ - Ảnh: Internet

Tôi sinh ra ở một làng quê xứ Đoài.

Tuổi thơ tôi đầy nắng, nhiều gió với bạt ngàn sim mua nơi chân núi.

Lớn lên. Mưu sinh. Vì cuộc sống. Tôi ra Hà Nội.

Hơn 30 năm sống cuộn mình giữa lòng Thủ đô, chân tôi vẫn lấm đầy đất đỏ, chưa bao giờ dám nhận mình là người phố thị. Làng quê giống như lằn sống lưng ẩn giấu trong cơ thể, nuôi dưỡng và nâng đỡ cuộc đời tôi. Nó là cái dây neo cho cuộc đời, là niềm thương, nỗi nhớ mà mỗi khi đời mỏi chỉ muốn tìm về…

Rồi một ngày, Hà Tây hợp nhất vào Hà Nội. Quê tôi bỗng “lên đồng” vì những cơn “sốt” đất. Một trảng đồi chè, hai khoảnh vườn xanh, ba dải vườn sân, bốn, năm, sáu, bảy… những đất là đất phía Thạch Thất, Quốc Oai, Sơn Tây… bao năm yên ả bỗng chia ngang xẻ dọc thành lô, thành khoảnh.

Người quê tôi bán đất. Thật vậy!

Những trảng đồi đã có chủ mới những tưởng sẽ được đầu tư thành những khu trang trại hay resort nhưng đã hóa thành vườn hoang, cỏ mọc lút đầu. Cơn “sốt” đất lắng xuống được chục năm, những tưởng làng quê yên ả thật rồi thì từ đầu năm nay cả nước bỗng “đùng đùng” lên cơn “sốt” đất. Từ công chức, doanh nhân cho đến bà bán nước chè, đâu đâu người nói với người là chuyện giá chuyện đất. Quê tôi bỗng náo nhiệt lạ thường. Ôi dào. Khắp ngả đường làng, cong cong ngõ xóm, uốn lượn đồi cao, vòng vèo lũng sâu..., chỗ nào cũng thấy xe cộ của dân tứ chiếng ùn ùn kéo đến xem xét, ngó nghiêng dò hỏi, mặc cả giá đất như con cá lá rau.

Hồi đầu tháng, tôi với anh bạn đồng nghiệp về quê, gặp thằng cháu họ, nhà tít trên Khánh Thượng. Hỏi dạo này làm gì, nó đáp: “Cháu đi bán quê”. Nghe câu nói lạ tai, anh bạn tôi hỏi: “Bán quê là thế nào?”. Nó nói: Dạo này dân tứ chiếng rầm rập đổ xô lên mua đất, nhất là cuối tuần, chật cứng hết cả các con đường. Khắp các xã Bình Yên, Yên Bình, Tiến Xuân… của huyện Thạch Thất; Phù Cát, Đông Xuân, Phú Mãn, Hòa Thạch… của huyện Quốc Oai đặc biệt dọc theo con đường tỉnh lộ 87 qua các xã Vân Hòa, Tản Lĩnh, Ba Trại, Minh Quang… của huyện Ba Vì dân buôn sục sạo khắp các ngõ xóm.

Làng quê là cái dây neo cho cuộc đời, là niềm thương, nỗi nhớ mà mỗi khi đời mỏi chỉ muốn tìm về...

Làng quê là cái dây neo cho cuộc đời, là niềm thương, nỗi nhớ mà mỗi khi đời mỏi chỉ muốn tìm về...

Những mảnh đồi xưa kia liền một mảnh, ngút mắt với sắn, dứa thì nay đã xây tường, phân lô. Có những mảnh vườn, trước Tết bán cùng lắm được ba trăm triệu đồng, giờ lên cỡ 4-5 tỷ đồng. Có ông tháng trước “ôm” mảnh đất giá 5 tỷ đồng, giờ có người trả 20 tỷ đồng không thèm bán. Thế nên cháu đi làm “cò” tìm các nhà bán đất, môi giới bán cho họ. Nó bảo: Người đi mua, lúc đầu ông nào cũng bảo ở Hà Nội ngột ngạt, về đây kiếm mảnh vườn để làm cái nhà vườn, cuối tuần ở về trồng cây, trồng rau hít thở không khí quê.

“Hơn 30 năm sống cuộn mình giữa lòng Thủ đô, chân tôi vẫn lấm đầy đất đỏ, chưa bao giờ dám nhận mình là người phố thị. Làng quê giống như lằn sống lưng ẩn giấu trong cơ thể, nuôi dưỡng và nâng đỡ cuộc đời tôi. Nó là cái dây neo cho cuộc đời, là niềm thương, nỗi nhớ mà mỗi khi đời mỏi chỉ muốn tìm về…”.

Ngô Chí Tùng

Tôi ậm ờ, hóa ra ai cũng cần có một làng quê nghèo để mà thương mà nhớ… Thằng cháu tôi ngáng họng: “Họ nói là mua đất làm “quê” thế thôi. Chứ hở ra cái được giá gấp đôi, gấp ba là bán phắt, kiếm mảnh “quê” khác. Thế nên cái đám “cò” như cháu cứ chạy long sòng sọc đi kiếm “quê” cho bọn họ, được giá lại chính họ nhờ bán phắt cái “quê” đó. Mấy tuần nay đất trên này sôi sùng sục, có ông vừa mua mảnh “quê” tuần trước, tuần sau đã bán rồi. Mà chú biết không, giá đất lên do chính bọn cháu “thổi” thế nên bọn cháu bán “quê” cho họ cũng kiếm được mớ.

Chuyện của thằng cháu tôi có lẽ cũng là chuyện chung của cả một đội ngũ môi giới mua bán đất đang mọc lên như nấm ở quê tôi. Nhưng cũng không hẳn tất cả những người về mua đất quê đều là những nhà đầu cơ kiếm lời như lời nó nói. Ông sếp cơ quan cũ của tôi, nhà chẳng thiếu gì ngoài điều kiện, mươi năm trước khi thấy phong trào mua đất làm trang trại, cũng rủ rê bạn bè về Hòa Lạc mua hàng chục héc-ta vườn đồi.

Bỏ một đống tiền ra xây nhà vườn, trồng cây, sân vườn trông khá đẹp. Thời gian đầu, cứ cuối tuần cả nhà sếp và đám bậu xậu kéo nhau về làm vườn trông rất ra dáng… nông dân. Thế nhưng được một thời gian, phong trào đi làm nông dân ấy xẹp xuống. Nhà bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Hôm rồi gặp lại, ông sếp cũ bảo: “Phí tiền đầu tư vào đó, tao bán quách mấy năm trước rồi. So với vàng, lỗ chỏng gọng”.

Nhà báo Ngô Chí Tùng

Nhà báo Ngô Chí Tùng

Cơn sốt đất quê tôi giờ vẫn đang “lên đồng”. Nhiều lướt sóng nhanh thì “hốt” bạc, ông nào “ôm” vào, không bán được giống như cơn sốt 10 năm về trước thì xuống… chó. Nó giống như canh bạc, tiền ở túi người nọ sang túi người kia.

Xét ở góc độ kinh tế, nó chỉ mang lại lợi ích cục bộ cho một số người mà gây hại cho cả nền kinh tế. Tiền không được đưa vào sản xuất để tạo ra giá trị thặng dư cho xã hội mà cứ chạy lòng vòng từ túi người nọ vào túi người kia. Khi bong bóng vỡ, sẽ có không ít người ôm cục nợ. Đất đai bỏ hoang bởi hầu như những người đầu cơ đất nếu không bán được đều không có khả năng canh tác trên chính mảnh đất đã mua. Người dân bán đất, kiếm được ít tiền, sau khi tiêu hết, không còn sinh kế lại tứ tán tha phương. Họ có rất nhiều nơi để đến, nhưng đất quê bán hết rồi nên chẳng có chốn quay về. Làng quê xơ xác.

Hơn 70 năm trước, nhà thơ Quang Dũng đã viết: “Đôi mắt người Sơn Tây/ U uẩn chiều lưu lạc…”.

Giờ, mỗi lần về quê, câu hát của nhạc sĩ Lê Minh Sơn vẳng lại rõ mồn một: “Bên cạnh làng tôi đất bán hết rồi/ Chỉ còn nho nhỏ nghĩa địa xa xa/ Ɓên cạnh làng tôi уếm thắm lụa đào/ Ngực cau nhu nhú đã vội đi xa…”.

Lòng tôi thắt lại. Thương nhớ quê nghèo!