Thượng nghị sĩ John McCain - Từ chiến binh đến người hòa giải

ANTD.VN - Sau hơn một năm chống chọi với căn bệnh ung thư não, Thượng nghị sĩ John McCain - cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam và là người bạn Mỹ gắn bó với Việt Nam thời sau chiến tranh đã qua đời ở tuổi 82. 

Thượng nghị sĩ John McCain - Từ chiến binh đến người hòa giải ảnh 1John McCain thăm lại Hỏa Lò trong chuyến công tác tại Việt Nam

Sinh năm 1936 trong một gia đình danh giá với cả cha và ông nội đều là đô đốc hải quân 4 sao, John McCain đã phấn đấu để trở thành một tượng đài lớn của chính trường Mỹ. Được mẹ truyền cảm hứng về con đường chính trị, sau khi giải ngũ khỏi lực lượng Hải quân, John McCain bắt đầu tham gia chính trường. Ông thắng cử hai nhiệm kỳ ở Hạ viện, từ năm 1983 - 1987, và 6 nhiệm kỳ ở Thượng viện.

John McCain cũng 2 lần ra tranh cử chạy đua vào Nhà Trắng vào các năm 2000 và 2008 nhưng cả 2 lần đều thất bại. Lần đầu là thua trước đối thủ George W. Bush trong cuộc đua sơ bộ của phe Cộng hòa. Lần hai là thất bại trước Thượng nghị sĩ Barack Obama của phe Dân chủ. Cả George W. Bush và Barack Obama sau đó được bầu làm Tổng thống Mỹ. 

Tuy nhiên, những thất bại trên không ảnh hưởng đến việc ông được coi là một trong những nghị sĩ vĩ đại cuối cùng của Quốc hội Mỹ sau khi nghị sĩ Ted Kennedy qua đời năm 2009 cũng vì ung thư não. Trước khi mất, John McCain là Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ và là thượng nghị sĩ đại diện cho bang Arizona.

Với Việt Nam, John McCain được biết đến như là phi công ném bom trong chiến tranh nhưng sau này lại trở thành một trong những nhân vật ủng hộ tích cực nhất cho việc bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ. Năm 1967, trong phi vụ ném bom lần thứ 23 trên bầu trời miền Bắc Việt Nam, phi cơ của John McCain bị bắn rơi và ông bị thương nặng, được bác sĩ Việt Nam cứu chữa. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, ông được thả tự do.

Sau chiến tranh, cùng với các cựu binh như Thượng nghị sĩ John Kerry, Jim Webb, Chuck Hagel, John McCain trở thành những người đi đầu trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Trong những năm 1990, ông thúc đẩy các dự án nhân đạo như tìm kiếm binh sĩ mất tích trong chiến tranh, hỗ trợ người khuyết tật do hậu quả chiến tranh, rà soát bom mìn...

Thượng nghị sĩ John McCain - Từ chiến binh đến người hòa giải ảnh 2John McCain được các bác sĩ Việt Nam chăm sóc sau khi bị bắn rơi máy bay

John McCain rất “tự hào” được dựng “bia” tại hồ Trúc Bạch, nơi máy bay của ông bị lực lượng phòng không miền Bắc Việt Nam bắn rơi và ông bị bắt làm tù binh. Ông chỉ đề nghị chỉnh sửa cho chính xác trên tấm bia rằng ông là “phi công của Hải quân Hoa Kỳ” chứ không phải là “phi công của Không lực Hoa Kỳ”. Mỗi lần thăm Việt Nam, ông thường dẫn bạn bè tới đây để giới thiệu về tấm bia kỷ niệm. 

Đánh giá về những nỗ lực trên của John McCain, ông Desaix Anderson, Đại biện lâm thời đầu tiên của Mỹ tại Việt Nam sau chiến tranh cho rằng: “Nếu không có sự ủng hộ mạnh mẽ của Thượng nghị sĩ John McCain và John Kerry,  tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ sẽ còn bị trì hoãn nhiều năm nữa vì chống đối ở Quốc hội lúc đó vẫn rất mạnh”.

John McCain còn là người đứng sau nhiều quyết định lớn của Mỹ với Việt Nam những năm gần đây như việc hủy bỏ Chương trình giám sát cá da trơn của Việt Nam, việc làm có thể dẫn đến việc áp đặt thuế chống bán phá giá với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, các basa của Việt Nam. Năm 2016, ngay trước chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama tới Việt Nam, ông kêu gọi dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam vì đó là một tàn dư của quá khứ.

Để tri ân những đóng góp của John McCain, lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã dùng tên ông đặt cho Đạo luật Cấp phép Quốc phòng (NDAA) năm tài khóa 2019, vừa được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký duyệt ngày 13-8.