Thương mại điện tử toàn cầu nhận cú hích lớn từ đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các biện pháp phong tỏa được áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 đã tạo cú hích lớn cho thương mại điện tử, trái ngược với tình cảnh của các nhà bán lẻ truyền thống lớn, vốn đã phải sa thải số lượng lớn nhân viên do tác động của dịch bệnh.
Đại dịch Covid-19 thúc đẩy làn sóng sáng tạo trong giới thương mại điện tử và công nghệ

Đại dịch Covid-19 thúc đẩy làn sóng sáng tạo trong giới thương mại điện tử và công nghệ

Doanh số thương mại điện tử đã tăng vọt trong giai đoạn Chính phủ các nước tiến hành giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, qua đó buộc người dân ở nhà và phải dựa khá nhiều vào mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, hãy cùng phân tích xem “số phận” ngành này có thể duy trì mức lợi nhuận cao hay không.

Doanh thu bán hàng trực tuyến tăng 71%

Theo số liệu từ báo cáo Chỉ số mua sắm của công ty chuyên về phần mềm quản lý quan hệ khách hàng (CRM) Salesforce, doanh thu của hoạt động bán hàng trực tuyến trên toàn cầu trong quý II-2020 đã tăng vọt 71% so với cùng kỳ năm trước. Lượng truy cập vào các trang thương mại điện tử cũng tăng 37%, tỷ lệ chuyển đổi từ khách truy cập thành khách mua hàng tăng tới 35% và mức chi tiêu của người dùng cũng tăng 34% - đây là những con số kỷ lục dựa trên báo cáo của Salesforce.

Phó Chủ tịch mảng chiến lược và thông tin ngành công nghiệp tại Salesforce - ông Rob Garf cho biết, trong 2 quý đầu tiên của đại dịch Covid-19, nhiều nhà bán lẻ không quá quan tâm đến lợi nhuận. Thay vào đó, họ quan tâm nhiều hơn đến mức sẵn có của sản phẩm và đưa sản phẩm đến tận nơi ở của người tiêu dùng. Ông Rob Garf khẳng định, một trong những câu hỏi phổ biến nhất mà công ty nhận được từ các khách hàng là doanh nghiệp bán lẻ làm thế nào để họ duy trì hành vi mua sắm mới này theo cách có lợi.

Mặc dù sự gia tăng doanh số bán hàng trực tuyến là rất đáng chú ý, nhưng Salesforce cảnh báo không nên đánh giá thấp chi phí cho hoạt động thương mại điện tử. Ngoài chi phí cho việc lấy hàng, đóng gói và giao hàng, tỷ lệ khách hàng trả lại hàng đã mua cũng có thể khá cao. Một số chuyên gia ước tính rằng người tiêu dùng thường trả lại 15-40% những mặt hàng họ đặt mua trực tuyến, cao hơn hẳn so với mức chỉ 5-10% khi mua sắm trực tiếp tại cửa hàng. Nếu không cải thiện được nhà bán lẻ sẽ khó có thể trụ vững về dài hạn.

Bán hàng qua các nền tảng ứng dụng công nghệ ngày càng phổ biến

Giám đốc điều hành (CEO) của Công ty quảng cáo Geometry U.K - ông Michelle Whelan cho biết, để thành công trong lĩnh vực thương mại điện tử, nhà bán lẻ cần có cách đưa việc mua sắm trực tuyến trở nên “vui vẻ” hơn thông các hoạt động như livestream, sử dụng công cụ thực tế tăng cường (AR) cùng những phương tiện khác.

Livestream - nơi những người có ảnh hưởng bán sản phẩm trong các video phát trực tiếp trên mạng, đang trở nên phổ biến ở Trung Quốc. Taobao Live - chi nhánh chuyên về livestream của “gã khổng lồ” thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba lần đầu tiên nhận thấy số thương nhân bán hàng trên nền tảng này tăng tới 719% so với tháng trước đó. Lý do cho sự gia tăng ấn tượng nêu trên là dịch Covid-19 đã buộc nhiều khu vực ở Trung Quốc phải hạn chế đi lại.

Mặc dù hoạt động bán hàng qua livestream vẫn chưa thịnh hành ở Mỹ, Phó Chủ tịch mảng chiến lược và thông tin ngành công nghiệp tại Salesforce - ông Rob Garf nhận định việc bán hàng qua các nền tảng như TikTok ngày càng phổ biến hơn. Một người thường có nhiều khả năng mua thứ gì đó mà họ thấy một nhân vật có tầm ảnh hưởng mặc trên nền tảng này, thay vì truy cập website của một thương hiệu hoặc nhà bán lẻ để tìm cảm hứng mua sắn.

Về vấn đề doanh số bán hàng trực tuyến sẽ như thế nào, CEO của Công ty quảng cáo Geometry U.K - ông Michelle Whelan cho hay đó sẽ là “một bức tranh pha trộn nhiều màu sắc” - “Nhiều người có thể sẽ khá eo hẹp về tiền bạc, nhưng cũng sẽ có nhiều người mong muốn được giải tỏa sau thời gian bị dồn nén và ăn mừng. Điều mà lĩnh vực bán lẻ cần phải nhắm trúng tới là đưa ra hứa hẹn về những khoảnh khắc vui vẻ và sang trọng mà mọi người đều khao khát sau một năm thực sự khó khăn”.

Tạo cảm hứng mua sắm cho người dùng

Salesforce cho hay có rất nhiều cách mà các thương hiệu và các nhà bán lẻ có thể thực hiện để cải thiện trải nghiệm mua sắm trực tuyến và giúp việc bán hàng trở nên hiệu quả hơn. Trong khi một cửa hàng truyền thống thường được thiết kế để mang lại cảm giác dễ khám phá, nhiều cửa hàng thương mại điện tử chỉ đơn giản là liệt kê danh sách sản phẩm và giá cả cùng chức năng tìm kiếm thông qua bộ lọc. Do đó, cửa hàng trực tuyến của họ không phải lúc nào cũng tạo “cảm hứng mua sắm” cho người tiêu dùng.

Phó Chủ tịch mảng chiến lược và thông tin ngành công nghiệp tại Salesforce - ông Rob Garf cũng lưu ý việc cung cấp dịch vụ tốt hơn là một cách khác để khuyến khích người dùng mua sắm trực tuyến. Ông Rob Garf cho biết, các nhà bán lẻ đang dần hiện thực hóa ý tưởng đưa cửa hàng thực lên nền tảng kỹ thuật số. Đặc biệt là họ sẽ dùng các trợ lý cửa hàng để hỗ trợ người tiêu dùng khi họ mua sắm trực tuyến, cũng như thu hút khách hàng hơn.

Song, ông Rob Garf thừa nhận thách thức với các trợ lý này là họ vốn được đào tạo để làm việc tại các cửa hàng truyền thống. Sử dụng hình ảnh và video do chính người mua hàng tạo ra cũng là một cách khác để tăng sức hút cho thương mại điện tử.

Ông Rob Garf Garf nói rằng, Google đã giới thiệu chức năng này cho các bài đánh giá mua sắm vào năm ngoái và tuyên bố rằng 50% người mua sắm trực tuyến cho biết hình ảnh giúp họ trong quá trình quyết định mua hàng. Các nhà bán lẻ phương Tây có thể học hỏi nhiều điều từ Trung Quốc và cách thức họ xây dựng các trang chi tiết sản phẩm thế nào. Đó sẽ là một trong những bước chuyển đổi lớn trong thương mại điện tử khi các nhà bán lẻ xây dựng lại trang thông tin sản phẩm theo hướng tập trung vào nội dung do khách hàng tạo ra.

Sự chuyển dịch sang mua sắm trực tuyến ở hầu hết các quốc gia

Tập đoàn tư vấn Kantar (Anh) chỉ rõ các số liệu gần đây đã cho thấy sự chuyển dịch sang mua sắm trực tuyến. Thương mại điện tử quốc tế đã tăng 41% chỉ trong 3 tháng tính đến hết tháng 8-2020, so với mức tăng trưởng 22% dự kiến cho cả năm 2020, giữa bối cảnh dịch Covid-19 đã làm thay đổi các thói quen bán lẻ. Xu hướng này càng được minh chứng khi ngày 18-8 vừa qua, nhà bán lẻ Marks & Spencer Plc (M&S) của Anh thông báo cắt giảm 7.000 nhân viên.

Chỉ một vài giờ sau đó, “ông lớn” thương mại điện tử Amazon thông báo đang tuyển dụng 3.500 nhân viên tại Mỹ. Việc M&S cắt giảm nhân lực chỉ là một phần trong bức tranh toàn cảnh tại Anh. Chuỗi cửa hàng bách hóa bán lẻ lớn nhất nước này Debenhams cũng thông báo cho nghỉ việc 2.500 nhân viên, trong khi ở chiều ngược lại, chuỗi siêu thị lớn nhất “xứ sở sương mù” Tesco thông báo kiến tạo 16.000 việc làm cố định mới nhằm đáp ứng sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động bán hàng trực tuyến của tập đoàn này.

Tại Mỹ, Walmart cũng đã chuyển sang hướng đi thuần về thương mại điện tử nhằm hưởng lợi từ sự khởi sắc của hoạt động thương mại điện tử tại thị trường Mỹ. Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Trung Quốc hiện ghi nhận thị phần trung bình của thương mại điện tử tăng từ 8,8% năm 2019 lên 12,4% trong quý II-2020, theo số liệu của Kantar.

Doanh nghiệp thương mại điện tử Trung Quốc thu siêu lợi nhuận

Theo Ngân hàng Jefferies (Mỹ), sau sự bùng phát của đại dịch Covid-19, tốc độ số hóa tiếp tục tăng nhanh và sự chuyển dịch từ ngoại tuyến sang trực tuyến, đặc biệt là mua sắm cá nhân, đang trở thành thói quen của người tiêu dùng. Những “gã khổng lồ” trong lĩnh vực thương mại điện tử và giao thực phẩm của Trung Quốc gần đây đã báo cáo doanh thu tăng mạnh trong quý II-2020 khi những chính sách hạn chế tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới được nới lỏng.

- Meituan Dianping - Công ty cung cấp dịch vụ giao hàng theo yêu cầu lớn nhất Trung Quốc đã thông báo đạt lợi nhuận ròng 2,2 tỷ NDT (319,5 triệu USD) trong quý II, tăng hơn 152% so với cùng kỳ năm ngoái.

- Alibaba báo cáo doanh thu đạt 153,75 tỷ NDT trong quý II-2020, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn mức được ghi nhận trong quý đầu tiên của năm.

- JD.com - đối thủ của Alibaba, cũng công bố doanh thu tăng vọt. Công ty này cho biết thu nhập ròng trong quý II là 16,45 tỷ NDT (2,32 tỷ USD), tăng hơn 2.500% so với cùng kỳ năm ngoái.