Thương mại điện tử: Chỉ có cơ hội khi không gây sốc

ANTĐ - Mới manh nha phát triển nhưng thương mại điện tử Việt Nam đã liên tiếp gặp các cú sốc như: vụ việc “mua bán 24.vn” hay giám đốc Nhóm Mua bị điều tra vì quản lý không minh bạch… khiến niềm tin của người dân vào hình thức mua bán hiện đại này suy giảm.

Nhommua.com đang tạm thời đóng cửa, khách hàng bất bình

Cú sốc niềm tin

Vụ việc trang web mua bán 24.vn bị điều tra cách đây ít lâu chưa làm dư luận an lòng khi thực hiện mua bán trực tuyến thì đến lượt giám đốc Nhóm Mua bị điều tra vì có dấu hiệu không minh bạch trong quản lý. Đến ngày 15-11, nhiều khách hàng đã mua các phiếu giảm giá của Nhóm Mua về dịch vụ ăn uống, hàng thời trang, đồ lót nữ… bị từ chối thanh toán. Vụ việc đã gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho khách hàng.

Chị Hải Yến (Hai Bà Trưng - Hà Nội), cho biết: “Tôi đã mua voucher một vài lần và đều thành công. Nhưng cứ nay tiêu cực này, mai vi phạm khác, khiến khách hàng hoài nghi”.

Thừa nhận còn nhiều hạn chế, ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) ngày 16-11 cho biết, những hạn chế này gây thiệt hại cho cả cơ quan quản lý và người tiêu dùng. Ví dụ, cơ quan nhà nước chưa biết tính thuế như thế nào đối với các giao dịch điện tử, rồi quản lý website mua bán trực tuyến, chế tài xử lý vi phạm. Trong khi đó, người tiêu dùng thì chưa có hợp đồng điện tử rõ ràng với doanh nghiệp, thông tin cá nhân dễ bị lộ… Nhiều doanh nghiệp lợi dụng thương mại điện tử để mua hàng theo nhóm, kinh doanh đa cấp nhưng thiếu đảm bảo cho khách hàng.

Một khảo sát gần đây cho thấy, có 50% số người được hỏi cho rằng họ có thể mua được nhiều loại sản phẩm khác nhau trên mạng, nhưng chỉ có 13% nghĩ rằng mua sản phẩm trên mạng là an toàn. Vậy làm sao để khách mua hàng nhiều hơn qua giao dịch điện tử? Theo ông Nguyễn Hòa Bình - Tổng giám đốc PeaceSoft, lòng tin là yếu tố quyết định. “Những yếu tố tác động đến lòng tin của khách khi mua hàng tại một website là:  có biểu tượng đã được bên thứ 3 chứng thực đảm bảo uy tín, đảm bảo sự yên tâm cho người mua; có thông tin liên hệ và địa chỉ chi tiết, rõ ràng; bạn bè hoặc đồng nghiệp đã từng mua…”- ông Bình cho hay.

Kinh tế suy thoái, thương mại điện tử lên ngôi

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, năm 2011-2012 được coi là giai đoạn khó khăn nhất trong 20 năm qua. Tiêu dùng giảm xuống rất thấp, hàng tồn kho cao chưa từng thấy. Ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng: “Càng khó khăn, thương mại điện tử càng phát triển”. Một năm “ác mộng” đã đẩy những nhà bán lẻ truyền thống lên mạng để khám phá những nguồn thu mới. Thương mại điện tử tại Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn 10 lần so với thương mại truyền thống. Nhiều doanh nghiệp đã có định hướng rõ ràng “Bán hàng online hay là chết?”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Hữu Linh khẳng định, suy thoái kinh tế khiến doanh nghiệp Việt Nam lo lắng. Nhưng đây chính là thời điểm để doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh. Ông Linh đưa ra con số chứng minh tiềm năng to lớn của hoạt động thương mại này như: hiện Việt Nam có khoảng 150 triệu thuê bao di động, trên 30 triệu người thường xuyên truy cập internet. Việt Nam đứng top 20 thế giới về truy cập   internet. Trong khi đó, hiện có 85% người dân giao dịch thương mại điện tử đặt hàng qua điện thoại, 71% sử dụng fax, 72% sử dụng email và 23% sử dụng website. 

Đại diện Cục Thương mại điện tử Bộ Công Thương cho biết đang soạn thảo Nghị định thương mại điện tử nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này, thúc đẩy kinh doanh điện tử và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.