Người dân vào rừng thu gom lá trầu để bán
Nghỉ việc rẫy để hái lá trầu đem bán
Những ngày gần đây, nhiều người dân đồng bào H’rê ở các xã An Quang, An Hòa và An Hưng (huyện An Lão, Bình Định) rủ nhau đổ xô lên rừng đi hái lá trầu không về bán cho các thương lái Trung Quốc. Theo tìm hiểu của chúng tôi, người dân các xã miền núi này gần đây đã ngưng việc làm rừng làm rẫy để vào rừng tìm lá trầu. Sự việc thu mua lá trầu của các thương lái Trung Quốc chỉ diễn ra cấp tập từ giai đoạn sau Tết Nguyên đán đến nay. Một người dân cho biết, thời điểm trước Tết giá mỗi kg trầu không chỉ từ 5.000-7.000đ với loại lá đẹp, nhưng nay thì giá cả được đẩy lên gấp cả chục lần, tới 45.000-50.000đ/kg, cho tất cả các loại lá xấu đẹp, lớn nhỏ. Anh Tín, một người dân thôn 3 xã An Quang cho biết cả tháng nay anh đi hái lá trầu về bán cũng thu được gần 4 triệu. Lúc đầu có ngày anh thu hoạch được 50-60kg, bây giờ đi ráo riết cũng chỉ được khoảng 20kg/ngày.
Do được thu mua với giá cao nên người dân đã triệt để thu hoạch hết lá trầu không trong vườn nhà, quanh xóm làng. Những thân trầu không bị vặt trụi lá từ gốc đến ngọn ở khắp nơi tại các địa phương này. Khi lá trầu quanh nhà không còn, người dân lại kéo nhau vào rừng tìm lá trầu rừng về bán theo kiểu “tận diệt”. Sáng sớm, người dân các xã này đã mang theo cơm ăn, nước uống lũ lượt kéo nhau vào rừng để tìm lá, đến chiều khoảng 4 giờ bắt đầu mang sản phẩm thu hoạch được ra bán tại trung tâm xã. Ở An Lão hiện có 4 điểm thu mua lá trầu lớn, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là ở xã An Hòa. Anh Nguyễn Văn H. một người dân xã An Hòa cho biết: “Hằng ngày cứ vào khoảng 4-5 giờ chiều là lại thấy có khoảng 6-7 xe hàng của thương lái cả người Việt và người Trung Quốc đến bốc hàng rồi chở đi. Nghe nói họ mang ra sân bay rồi đưa về Trung Quốc. Trung bình mỗi ngày mỗi địa điểm thu gom được khoảng từ 8 tạ - 1 tấn lá trầu tươi”.
Theo quan sát của chúng tôi, hoạt động mua bán lá trầu tại huyện An Lão diễn ra rất công khai, thương lái thu gom tất cả lá trầu trong vùng chỉ trừ những lá vàng hoặc quá nhỏ. Người dân trong huyện An Lão hiện đã vặt hết tất cả lá trong vườn trầu đem bán dẫn đến hiện tượng lá trầu sắp “tuyệt chủng”. Những ngôi làng của đồng bào dân tộc xung quanh cũng rơi vào tình trạng tương tự. Đặc biệt, xã An Quang hiện có trên 3000ha rừng phòng hộ và trầu được trồng rải rác trên diện tích này. Với việc thu mua lá trầu theo kiểu tận diệt như vừa qua, thì số trầu trồng ở mép rừng và giữa rừng đã bị hái toàn bộ, chỉ còn trơ dây. Một hệ lụy nhãn tiền là vì quá ham mê số tiền có được hằng ngày từ việc bán lá trầu nên nhiều gia đình đã lơi là trong công việc đồng áng, nương rẫy. Ngoài ra tại những nơi trước đây có diện tích cây trầu lớn như ở mép và giữa rừng đã bị “vặt” sạch, chỉ còn trơ dây. Do vậy, người dân muốn hái lá trầu giờ chỉ còn cách phải đi vào tận rừng sâu. Vì trầu thuộc họ dây leo mọc trong rừng, dây trầu bò trên những cây rừng to. Để hái được loại lá này thì người dân phải leo trèo rất vất vả, do đó để hái lá trầu cho nhanh, nhiều người dân đã không ngần ngại chặt luôn cả cây xuống để thu hái, ảnh hưởng không nhỏ tới việc bảo vệ rừng.
Những câu hỏi và yêu cầu cuộc sống
Vấn đề các thương lái Trung Quốc sang Việt Nam tận thu những mặt hàng kỳ quái với giá cả biến động không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà còn làm gay cấn trong những phiên chất vấn trên diễn đàn Quốc Hội. Việc mua giá cao các mặt hàng theo kiểu xúi dục nông dân tận diệt môi trường tự nhiên hoặc gây khó khăn cho các cơ sở chế biến nông sản của ta đã kéo dài nhiều năm. Ngay trong kỳ trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 1-4-2014, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đã có giải trình về các biện pháp ngăn chặn tình trạng này. Mặc dù Bộ trưởng cũng đã có những cam kết cũng như trình bày các giải pháp ngăn chặn, nhưng rất tiếc, chưa đề cập đến những biện pháp có tính pháp lý để giải quyết dứt điểm việc này mà chỉ giới hạn ở các biện pháp tuyên truyền giáo dục nông dân. Đó chỉ là những giải pháp thụ động, theo đuôi các thương lài Trung Quốc.
Về việc mua bán nông sản, chúng ta phải khẳng định, nếu chúng ta có nông sản và có người mua, mà nhất là được giá, đương nhiên chúng ta bán, thậm chí chúng ta còn phải tăng sản lượng để bán. Tuy nhiên, đây là bán cho thương lái nước ngoài cho nên cần phải đề ra những quy định có tính pháp lý cao. Các thương lái mua hàng xuất khẩu phải có các loại giấy phép xuất khẩu các mặt hàng này. Các cơ quan chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương có quyền kiểm tra kiểm soát việc này.
Mặt khác, chính Bộ Công thương cần có danh mục hàng hóa được phép xuất khẩu để tạo căn cứ cho địa phương ngăn chặn việc thương lái thu mua các mặt hàng lạ. Dĩ nhiên các thương lái Trung Quốc sang ta mua bán đã được điều chỉnh bằng luật. Vấn đề là các cơ quan bảo vệ pháp luật có làm nghiêm không mà thôi. Không lẽ việc thu mua hàng lạ rầm rộ, làm dấy loạn một vùng mà các cơ quan chức năng thấy khó khăn quá không tìm ra được đầu mối để kiểm tra kiểm soát? Còn một nỗi băn khoăn nữa của những người trong cuộc là khối lượng hàng hóa lớn này đi qua biên giới chúng ta bằng cách nào? Chẳng lẽ các cơ quan hải quan vẫn cho phép các mặt hàng lạ này ra khỏi biên giới? Hay họ mang lậu qua các đường mòn? Biên giới chúng ta không lẽ thủng đến độ con voi qua lọt? Những câu hỏi này, nếu được trả lời một cách nghiêm túc, tôi tin chúng ta vẫn bán được nông sản mà không còn nỗi sợ hãi nữa.