Thương hiệu nhỏ khó vào siêu thị

(ANTĐ) - Đây là một trong hàng loạt các ý kiến được đưa ra nhằm góp phần đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng Việt Nam một cách nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Thương hiệu nhỏ khó vào siêu thị

(ANTĐ) - Đây là một trong hàng loạt các ý kiến được đưa ra nhằm góp phần đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng Việt Nam một cách nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Đưa hàng vào bán tại siêu thị là một cách để doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh

Đưa hàng vào bán tại siêu thị là một cách để doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh

Hướng đi cho thương hiệu nhỏ

Ông Nguyễn Thành Lưu - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ tiếp cận hệ thống phân phối bán lẻ (CESARS) cho rằng: “Không ít doanh nghiệp khi nhắc đến kênh bán lẻ là nghĩ đến siêu thị trước tiên. Lựa chọn này cần phải được cân nhắc, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Theo ông Lưu, hàng hóa đưa vào siêu thị dễ tạo được dấu ấn thương hiệu. Đây lại là địa điểm có lượng khách hàng tới mua sắm đông, nhu cầu khách hàng cao và đa dạng. Việc mong muốn đưa được hàng vào bán lẻ tại các siêu thị của doanh nghiệp là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, lựa chọn này phù hợp với các thương hiệu lớn hơn, bởi họ có hậu thuẫn bằng các chương trình quảng cáo, “câu” khách bằng các chương trình khuyến mại; họ có đủ tiềm lực tài chính để thuê những vị trí đầu kệ trong siêu thị sao cho lượng hàng bán ra được nhiều nhất. Trong khi đó, các thương hiệu nhỏ vào siêu thị phải đối mặt với không ít khó khăn.

Ông Lưu dẫn chứng, có thương hiệu nhỏ muốn đưa hàng vào bán tại một hệ thống siêu thị Hà Nội phải mất hơn 50 triệu đồng chi phí “gầm bàn”. Nhưng chi phí này chưa đủ đảm bảo cho vị trí trưng bày tốt. Bên cạnh đó, rất nhiều thủ tục chứng nhận hàng hóa nhiêu khê khác khiến doanh nghiệp mệt mỏi mà chưa biết hàng hóa có tiêu thụ được không. Giải pháp kích cầu tiêu dùng hàng hóa được cho là tối ưu đối với các thương hiệu nhỏ là đưa hàng về bán tại các tỉnh thông qua các công ty phân phối hàng hóa “cỡ trung bình”.

Người dân nông thôn không cần các thương hiệu lớn và ngược lại, thương hiệu lớn không hẳn đã phù hợp với người dân các địa phương này. Ví dụ đối với mặt hàng vở học sinh, Công ty cổ phần Việt Xanh đang cần phân phối mặt hàng này ở các tỉnh. Hàng phải đảm bảo chất lượng, viết không nhòe, giấy không quá mỏng nhưng cũng không cần quá trắng, giá cả hợp lý. Với yêu cầu như trên thì các thương hiệu lớn như Hồng Hà khó đáp ứng. Cơ hội đương nhiên thuộc về các thương hiệu nhỏ hơn.

Không đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng: “Không nên có suy nghĩ thương hiệu nhỏ khó vào siêu thị mà pháp luật quy định các loại hàng hóa đều bình đẳng. Quan trọng nhất là hàng hóa đó phải đảm bảo chất lượng và đáp ứng được yêu cầu thị trường”.

Ông Phú ví dụ, trong siêu thị vẫn có các mặt hàng nhỏ như chiếc tăm, túi kẹo lạc… chứ không chỉ có hàng hóa thương hiệu tốt. Ông Phú cũng đánh giá cao cơ hội nâng cao khả năng cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp khi quyết tâm đưa hàng vào bán trong siêu thị để từ đó người tiêu dùng được hưởng lợi.

Lựa chọn nhà phân phối “vừa tầm”

Ông Nguyễn Thành Lưu gợi ý 2 hình thức đưa hàng hóa về phân phối tại các tỉnh. Một là doanh nghiệp tự bỏ tiền đầu tư xây dựng hệ thống phân phối riêng tại tỉnh, thành. Điều đáng chú ý là phải tuyển dụng được nhân sự có chất lượng. Sản phẩm sẽ khó tiêu thụ nếu đội ngũ nhân viên thiếu trình độ và kinh nghiệm.

Hai là lựa chọn nhà phân phối “vừa tầm” bởi các nhà phân phối lớn hầu hết chỉ nhận phân phối cho các thương hiệu lớn, sản phẩm có quảng cáo và đối tác trả mức chiết khấu cao. Trên thị trường có những nhà phân phối nhận chiết khấu 30% sản phẩm. Điều này chắc chắn khó khăn đối với doanh nghiệp nhỏ.

Ông Phú đưa ra quan điểm, đưa hàng về bán tại các tỉnh là điều nên làm. Trong trường hợp không qua các nhà phân phối, một số doanh nghiệp có thể phối hợp với nhau để đưa hàng về bán tại các tỉnh và không nên đi riêng lẻ. Theo ông Phú, việc đi theo đoàn sẽ tạo ra không khí mua sắm và người dân sẽ tìm được nhiều mặt hàng họ cần hơn.

Bà Hà Thị Vinh - Giám đốc Công ty Gốm sứ Quang Vinh (Bát Tràng- Gia Lâm) chia sẻ: “Mặc dù mặt hàng gốm sứ không nằm trong nhóm nhu yếu phẩm nhưng các chuyến bán hàng tại các tỉnh, thành phố khác đã chứng tỏ, nhu cầu của người tiêu dùng các tỉnh rất đa dạng. Bất cứ phiên chợ nào tại các địa phương này, sản phẩm gốm sứ của công ty cũng trong tình trạng “cháy hàng”. Điều đó chứng tỏ người tiêu dùng Việt Nam đang quan tâm hơn đến việc lựa chọn tiêu dùng hàng Việt Nam”.

Vân Hằng