Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên: Còn đó tia hy vọng

ANTD.VN - Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến vào ngày 12-6 tới tại Singapore, tưởng như đổ vỡ sau tuyên bố hủy bỏ bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, lại đang chuyển hướng theo chiều thuận lợi. 

Người dân Hàn Quốc kêu gọi tiếp tục đối thoại giữa Mỹ với Triều Tiên

Thông báo tại cuộc họp báo được phát trên truyền hình toàn quốc sau cuộc gặp chớp nhoáng ngày 26-5 với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại địa điểm thuộc phía Triều Tiên ở làng đình chiến Panmunjom, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết hai bên “nhất trí rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều vào ngày 12-6 tới phải được tổ chức thành công”. Báo chí Triều Tiên thì khẳng định Bình Nhưỡng bày tỏ “ý chí kiên định” tiến hành hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Mới 2 ngày trước đó, giới báo chí thế giới như lên cơn sốt khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố hủy cuộc gặp thượng đỉnh theo như dự kiến giữa ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Giải thích cho quyết định gây sốc này, ông Donald Trump cho rằng buộc phải hủy cuộc gặp thượng đỉnh là do “thái độ thù địch công khai và giận dữ ghê gớm” trong một số phát biểu của ông Kim Jong-un mới đây.

Nếu theo sát diễn biến trên bán đảo Triều Tiên, phản ứng tiêu cực của Bình Nhưỡng với Washington không phải không có lý do. Cho đến nay, quan điểm của hai bên đối nghịch nhau như nước với lửa. Trong khi Mỹ đòi Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược, thì Bình Nhưỡng cho rằng việc phi hạt nhân hóa cần được tiến hành từng bước và phải được triển khai trên toàn bộ bán đảo Triều Tiên theo nguyên tắc “có đi có lại”, nghĩa là Mỹ phải ngừng các cuộc tập trận với Hàn Quốc.

Chính vì thế, vào thời điểm cuộc gặp được hy vọng là sẽ khép lại tình trạng chiến tranh kéo dài hơn nửa thế kỷ qua trên Bán đảo Triều Tiên đã cận kề, thì việc Mỹ vẫn tiếp tục cuộc tập trận thường niên với Hàn Quốc chẳng khác nào như hành động cố ý khiêu khích. Đáng nói hơn nó lại diễn ra đúng lúc Triều Tiên thông báo hoàn tất việc dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri dưới sự chứng kiến của các phóng viên quốc tế.

Trong bối cảnh sự “lệch nhịp” gia tăng giữa Mỹ và Triều Tiên, cuộc gặp chớp nhoáng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Panmunjom đã giúp tháo bớt trở ngại lớn nhất giữa Bình Nhưỡng với Washington là niềm tin. Sau cuộc gặp , ông Moon Jae-in tuyên bố hai bên cần từ bỏ mọi sự hiểu lầm thông qua việc thông tin trực tiếp và tiến hành đầy đủ các cuộc đối thoại cần thiết về chương trình nghị sự cho sự kiện này. 

Ngoài ra, lãnh đạo hai miền Triều Tiên cũng nhất trí nhóm họp cấp cao giữa hai bên vào ngày 1-6 tới và thúc đẩy hơn nữa đối thoại trong nhiều lĩnh vực, như giữa giới chức quân đội và hội Chữ Thập Đỏ. Trước đó, Bình Nhưỡng đã dừng cuộc họp cấp cao này, nhằm phản đối cuộc tập trận không quân kéo dài 2 tuần giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Khi nghi kỵ phần nào được giải tỏa, mọi việc dường như lại trở lại quỹ đạo như dự định. Tuyên bố tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết mọi việc hướng tới hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên vào ngày 12-6 đang diễn ra “rất tốt đẹp” và ông đặt nhiều hy vọng vào cuộc gặp này với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông Trump thậm chí còn tin tưởng: “Chúng tôi đang trông chờ ngày 12-6 tại Singapore. Không có gì thay đổi”.

Những “cung bậc” ngoại giao nêu trên cho thấy tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên hoàn toàn không đơn giản. Để chốt được lịch cho cuộc gặp thượng đỉnh là cả chặng đường vô cùng khó khăn. Bởi khi thù hận tích tụ đã hơn nửa thế kỷ, thì ngồi được với nhau đã là thành công.