Thương con gái tật nguyền, cụ bà 82 tuổi nhịn đói đến chết

ANTĐ - Mỗi lần đi xin được người dân cho tiền bạc, thức ăn, mì gói…cụ đều đem về nhường lại cho con gái câm bị bệnh và đứa cháu ngoại tội nghiệp, những lúc đứa cháu hỏi bà ngoại đã ăn no chưa cụ gật đầu cho cháu yên lòng.

Thương cho bà cụ sớm chịu bất hạnh từ nhỏ đến lúc qua đời

Do sức khỏe ngày càng yếu kèm những lần nhịn đói để nhường phần ăn nên ngày 16-6-2013 cụ đã trút hơi thở cuối cùng vì kiệt sức.

Bà cụ đáng thương ấy tên Phạm Thị Nhị 82 tuổi ngụ tại ấp Phước Lợi, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.

Một tháng trôi qua nhưng dư luận của người dân ở xã Phú Tân vẫn chưa thể nào nguôi ngoai và cảm thương trước cái chết đầy ý nghĩa của cụ Nhị khi dành hết tình thương dành cho con gái câm và đứa cháu ngoại tội nghiệp của mình. Sau cái chết của cụ, người dân còn hiểu thêm những chuỗi cuộc đời của cụ đầy bất hạnh và gian truân từ lúc sinh ra.

Cụ Nhị có tới 7 người con, trong số đó có hai con mang chứng bệnh câm bẩm sinh là người con thứ hai là chị Võ Việt Tiến 57 tuổi và người con út Lê Văn Hùng 37 tuổi.

Em Chinh bên người mẹ tật nguyền

Từ nhỏ cụ Nhị phải chịu cảnh mồ côi cha mẹ và tự mưu sinh hàng ngày, không ruộng vườn tài sản hàng ngày cụ đi làm thuê, làm mướn cho người khác từ việc trông em, quét nhà, rửa chén…duyên nợ đẩy đưa với chị với một người đàn ông cùng cảnh nghèo khổ cực, vất vả, hai người đã đến với nhau sau một năm tìm hiểu và rồi cụ lập gia đình ở cái tuổi 25.

Mặc dù cuộc đời vất vả khổ cực nhưng vợ chồng cụ Nhị rất vui khi một năm sau đó một cháu gái thật kháu khỉnh ra đời mang tên Võ Việt Tiến, đây có lẽ là những an ủi cho vợ chồng cụ vì cháu Tiến rất thu hút được mọi người với vẻ mặt dễ thương và hiền hậu, nhưng đến 3 tuổi rồi mà cháu cứ nói ú ớ không nên lời, lúc đầu gia đình cứ tưởng cháu Tiến chậm nói, nhưng có ai ngờ rằng sau khi đưa đi khám mới biết là cháu Tiến đã mang chứng bệnh câm bẩm sinh.

Bà Lưu Thị Được (71 tuổi) người bạn trong xóm thân cận nhất của cụ Nhị cho biết: “Lúc đó tôi biết vợ chồng của chị Nhị rất buồn khi biết con Tiến như thế, nhưng bù lại thì họ đã vui vì có đứa con gái thủ thỉ trong nhà. Và do quá thương con nên tôi thấy vợ chồng chị Nhị rất chu đáo chăm sóc con Tiến”.

Vơi đi nỗi buồn của đứa con gái đầu lòng, những đứa con kế tiếp của cụ Nhị phát triển bình thường không có dấu hiệu gì giống như chị Tiến, nhưng đến khi người con út ra đời thì cái chứng bệnh bẩm sinh đó lại một lần nữa trở lại giống như chị Tiến còn nhỏ.

Rồi từ đó hàng ngày ngoài việc dành thời gian đi làm, vợ chồng cụ Nhị phải dành thời gian để chăm sóc các con. Khi lớn lên các con của cụ phải đi làm ăn xa để kiếm tiền lo cho gia đình chỉ còn lại mỗi vợ chồng cụ Nhị với hai người con mang chứng bệnh câm.

Một đều mà làm cho gia đình đau khổ nhất cả về vật chất lẫn tinh thần là cách đây 25 năm sau khi trở về thăm gia đình các con của cụ hốt hoảng khi nhìn thấy bụng của người chị thứ hai của mình ngày một to lên, sau khi đưa đi khám gia đình mới chết đứng người khi biết chị mình đã mang trong bụng một bào thai gần tới ngày sinh nở. Hỏi ra thì người chị này chỉ biết lắc đầu với những lời nói ú ớ bập bẹ như trẻ lên 2.

“Khi biết tin này tôi thấy chị Nhị rất đau trong lòng và thương cho con gái câm tội nghiệp của mình, có nhiều lúc chị muốn chết để quên đi sự đời, nhưng sợ sau khi chết rồi con cái ai lo và còn hai đứa con câm của mình và đứa cháu ngoại trong bụng như thế nào, nên chị ấy bèn ngậm đắng, nuốt cay mà ráng sống”. bà Được nghẹn ngào kể lại.

Cũng theo bà Được lúc đó gia đình cụ Nhị định trình báo lên công an về cái bào thai trong bụng của cô con gái thứ hai, nhưng biết thưa ai, trình ai trong khi đó con gái cụ lại không biết nói nên gia đình đành chịu nuôi đứa con không cha.

Nỗi đau người con gái câm bị bệnh lại chịu cảnh không chồng mà có con

Đến ngày sinh nở, một cháu trai đầy cảm thương cho cuộc đời tên Võ Trường Chinh với thân hình trắng trẻo và kháu khỉnh chào đời trước niềm vui của bà con, hàng xóm và thầm trách cho kẻ đã gây ra cái cảnh oan nghiệt này.

Sau những ngày cháu Chinh khôn lớn là những ngày cậu dì của em phải đi làm ăn xa vì hoàn cảnh nghèo vẫn còn đeo bám không dứt. Do bản thân mình mang chứng bệnh câm nên chị Tiến cũng không biết chăm sóc con như thế nào nên công việc này lại dồn lên hết cụ Nhị vừa làm bà ngoại và cũng vừa làm mẹ.

Được sự nuôi dưỡng dạy bảo của ông bà ngoại, cháu Chinh ngày lớn ngày càng ngoan hiền và dễ bảo và hiếu thảo nên rất được lòng bà con hàng xóm từ sự giúp đỡ gói mì đến tiền bạc để Chinh có tiền mà lo lại cho mẹ và ông bà ngoại.

Năm 1991, sau căn bệnh nặng ông ngoại đột ngột qua đời, căn nhà lá ngày nào vắng tiếng người nay càng lạnh lẽo vì trong 4 người đã có mẹ và cậu của Chinh là bị câm và đang bị bệnh không làm gì được.

“Thằng cậu út của nó thì không làm gì được vì không ai dám kêu dám mướn vì nó làm gì là đổ bể cái đó, còn thằng Chinh thì phải ở nhà chăm sóc mẹ nó nên hầu như cuộc sống mỗi ngày đều dồn hết lên bà ngoại nó, có những lúc gia đình không có gì ăn, bà ngoại nó phải chạy vạy khắp nơi để nhờ người giúp đỡ”. Bà Được nghẹn ngào kể lại.

“Tôi nhớ cách đây không lâu trong lúc đi xin tiền do trời mưa trơn trợt nên chị Nhị té dọc đường trầy hết tay chân về nhà phải nằm bệnh vì trúng mưa, mặc dù vậy mà chị không dám ăn cơm, cháo để nhường phần cho đứa con gái câm bị bệnh của mình”. Bà Được kể tiếp.

Còn về phía Chinh thì sau khi khôn lớn, mặc dù muốn được đi học nhưng do hoàn cảnh nghèo và không ai chăm sóc mẹ và bà ngoại nên em phải bỏ học giữa chừng ở lớp 7 để dành hết thời gian trông nom mẹ, còn đối với cụ Nhị mặc dù tuổi đã già nhưng ngày nào cụ cũng phải vất vả nắng mưa để xin nhờ sự giúp đỡ của bà con chòm xóm, có lúc bà phải lặn lội xa vài cây số để nhờ vào sự giúp đỡ của mọi người, những lúc xin được tiền bạc, cơm canh bà đều đưa hết cho Chinh để lo cho mẹ với mong muốn con gái bà khỏe ngày nào thì bà vui ngày ấy.

Em Chinh bên bàn thờ bà ngoại

“Cách đây vài tháng, em có nói bà ngoại đừng lặn lội đi xin nữa ngoại cứ ở nhà chăm sóc mẹ con, con đi làm để lo cho gia đình, nhưng ngoại nói, tuổi ngoại đã già rồi làm sao chăm sóc được mẹ con, con cứ ở nhà chăm sóc mẹ, ngoại đi xin được bao nhiêu thì nhờ bấy nhiêu, con thương ngoại lắm”. Chinh nghẹn ngào kể lại.

 Giờ đây khi cụ Nhị qua đời căn nhà lại càng lạnh lẽo và trống vắng hơn, do không ai chăm sóc nên người cậu út bị câm của Chinh phải lên thành phố Hồ Chí Minh để ở với gia đình vợ chồng người chị thứ 6.

“Em muốn đi làm để có tiền lo trị bệnh tai biến và bệnh phổi cho mẹ, nhưng em đi làm thì ai lo cho mẹ?". Chinh nghẹn lòng với lời nói của mình.

Được biết mẹ Chinh bây giỡ đã 57 tuổi. Chinh cho biết do mẹ bị bệnh phổi thở không được nên bác sĩ phải mổ ở cổ để mở khí quản và những lúc mệt thì phải có bình tiếp hơi. Hàng ngày nhìn căn bệnh hành hạ mẹ đau đớn, Chinh mong muốn được một lần được gặp mặt cha ruột của mình để san sẽ cuộc sống của mình sau này.

Ông Huỳnh Thái Quốc –phó chủ tịch UBND xã Phú Tân cho biết “Việc cụ Nhị qua đời do tự nhịn đói để nhường thức ăn cho con gái câm và cháu ngoại là đúng sự thật, sau khi hay tin cụ Nhị qua đời, chính quyền địa phương cũng đã đến viếng và chia sẽ nỗi đau thương cùng gia đình. Hiện giờ gia đình cụ chỉ còn lại cô con gái câm đang bị bệnh và người cháu ngoại chăm sóc cho mẹ”.

 Hiện giờ cuộc sống của mẹ con em Chinh lâm vào cảnh khốn cùng, bạn đọc hảo tâm muốn chia sẽ giúp đỡ có thể liên lạc theo địa chỉ: Võ Trường Chinh, số 78 ấp Phước Lợi, xã Phú Tân, hiện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.