Thương bố mẹ nghèo, những tài năng trẻ nuôi chí lớn

ANTĐ - Cùng đoạt Huy chương Vàng Toán quốc tế, tình cờ hai chàng trai quê lúa Thái Bình cũng có chung hoàn cảnh. Đó là họ đều sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, bố mẹ làm nông với nghề phụ là phụ hồ, bán kính, sửa khóa dạo…
Thương bố mẹ nghèo, những tài năng trẻ nuôi chí lớn ảnh 1

Xuân Trung và Thế Hoàn - 2 chàng trai “vàng” được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển “thưởng nóng”

Tấm HCV… ngoài tưởng tượng

Vũ Xuân Trung, học sinh lớp 11, trường THPT chuyên Thái Bình là thành viên ít tuổi nhưng lại có thành tích cao nhất của đội tuyển Toán đi thi quốc tế năm nay. Sinh ra tại miền quê Đông Hưng (Thái Bình), Trung là em út trong gia đình có 5 chị em. Cả gia đình 7 miệng ăn chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, khó khăn trăm bề, 4 chị gái Trung đều chỉ học chưa hết cấp hai. Trung là em út nhưng thông minh, ham học nên từ nhỏ đã mang về nhiều thành tích, phần thưởng lớn, là niềm tự hào của gia đình. Nhưng, giấc mơ đoạt HCV Toán quốc tế là điều… ngoài sức tưởng tượng của bố mẹ, họ hàng, làng xóm của Trung. Chính vì thế, chia sẻ với chúng tôi, ông Vũ Xuân Hảo (bố Trung, SN 1963, ở Đông Các, Đông Hưng) thật thà nói: “Biết tin con được giải, ban đầu chúng tôi không dám tin. Sau đó là hạnh phúc, cảm giác đến…. vỡ tim!”.

Thương bố mẹ nghèo, những tài năng trẻ nuôi chí lớn ảnh 2

Cả nhà cùng vui đón Thế Hoàn 

Về hoàn cảnh của gia đình, ông Hảo tâm sự, hiện nay hai vợ chồng ngoài làm ruộng còn buôn bán nhỏ lẻ kiếm đồng ra đồng vào nuôi Trung ăn học. Tranh thủ những lúc nông nhàn, ông Hảo lại rong ruổi khắp các chợ bằng chiếc xe máy cũ để bán kính mắt, sửa khóa dạo.

Nhận xét về cậu học trò Vũ Xuân Trung, thầy Nguyễn Quang Tuấn, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Thái Bình cho biết: “Gia cảnh của em Trung rất khó khăn. Bố làm nghề bán kính dạo, sửa khóa thuê nhưng chính vì thế mà Trung có khả năng tự lập cao và luôn vươn lên trong học tập. Tôi đánh giá cao tính tự học, tự mày mò qua sách vở của em. Điều đặc biệt là em không hề đi học thêm”.

Còn cô Đào Thị Lệ Dung (giáo viên chủ nhiệm, cũng là người trực tiếp dạy Toán của Trung) chia sẻ: “Trung là một trong những học sinh nổi bật, xuất sắc nhất từ trước đến nay của trường. Em có tố chất thông minh, khả năng độc lập, tư duy tốt. Trung thường có nhiều cách giải toán khiến tôi bất ngờ, đặc biệt về dạng Toán tổ hợp”.

Thương bố mẹ nghèo, những tài năng trẻ nuôi chí lớn ảnh 3

Bố mẹ Vũ Xuân Trung xúc động khi nghe tin con được HCV

Thương bố mẹ vất vả làm thuê kiếm sống

Trước khi sang Thái Lan tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế, trên trang facebook cá nhân, Nguyễn Thế Hoàn (xã Hòa Bình, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), cựu học sinh trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên viết: “Tôi đã quá may mắn khi có được cơ hội tham gia kỳ thi Olympic Toán quốc tế tới  2 lần, trong khi người khác chỉ ao ước có được một lần trong đời. Tôi biết đó là tham lam nhưng đã là đam mê thì tôi sẽ phải tranh đấu để có được cơ hội đó…”. Và rồi, giấc mơ “vàng” của em lần nữa lại trở thành hiện thực! 

Một câu chuyện nữa, đó là trước khi đi, thấy chiếc va-li nhỏ từ kỳ thi Olympic quốc tế năm ngoái đã hỏng khóa, bố mẹ nói mua cái mới nhưng Hoàn lắc đầu không chịu. Hoàn bảo, “bố mẹ tiết kiệm tiền còn lo nhiều việc, con ít quần áo bỏ vào va-li này cũng đủ rồi”. Biết con tiết kiệm, ông Nguyễn Văn Hòa đành cùng con dán keo vào những vết hở để dùng tiếp chiếc va-li cũ.

Ông Hòa kể rằng, vì thương bố mẹ vất vả làm thuê chắt chiu từng đồng lo chi phí sinh hoạt, học tập ở trường nên Hoàn tiết kiệm lắm. Ăn chẳng dám ăn, mặc chẳng dám mặc, nhiều lần nhận được tiền học bổng, Hoàn đều đưa cho mẹ cất. Có lần, Hoàn nhịn ăn sáng, học hành nhiều nên ốm mà không chịu nói vì sợ bố mẹ phải lo lắng.

Phía sau sự thành công của Hoàn với 2 HCV Olympic là sự hy sinh, vất vả của người làm cha mẹ. Nhưng, có lẽ rằng những ngày tháng đứng nắng, dầm mưa làm phụ hồ công trình trên đất Hà Nội 3 năm của vợ chồng ông Hòa đã được đền đáp bằng chính sự nỗ lực, bản lĩnh, tài năng và 2 tấm  HCV của Hoàn. Được biết, từ ngày Hoàn học xong cấp ba, bà Nguyễn Thị Thảnh (mẹ Hoàn) đã về quê Thái Bình làm công nhân lắp ráp linh kiện điện tử với số tiền lương 3 triệu đồng/ tháng. Còn ông Hòa vẫn bám trụ trên đất thành phố, ngủ dưới lán đi theo công trình nay đây mai đó.

Với tài năng và bản lĩnh của mình,  Hoàn đang từng bước thực hiện giấc mơ du học Mỹ. Chắc chắn giấc mơ ấy không còn xa nữa vì Hoàn từng tâm sự: “Em không sợ nghèo. Nghèo là động lực giúp em vươn lên. Con người nếu không có ước mơ, sống không rõ mục đích mới là điều đáng sợ!”.