Thước đo của cuộc đời

ANTĐ - 75 tuổi, nhà bác học Thomas Edison vẫn miệt mài nghiên cứu ở phòng thí nghiệm không kể ngày đêm. Sáng hôm ấy, trước khi Edison đến phòng thí nghiệm, vợ ông có dặn tối nay về sớm lúc 7h vì nhà có việc, Edison có hỏi là việc gì nhưng bà không nói chỉ bảo ông nhất định phải về, Edison đành nhận lời.

Miệt mài làm việc, thí nghiệm rồi viết báo cáo, tối lúc nào ông cũng chẳng hay, đến khi ông nhớ ra việc ở nhà thì đã hơn 7h tối. Vội vàng đi về, Edison ngạc nhiên khi thấy nhà ông đèn thắp sáng trưng. Mở cửa vào, ông bất ngờ khi thấy một bữa tiệc sinh nhật với bánh, nến và champagne đã được bày sẵn, mọi người ùa ra nói lời chúc mừng sinh nhật tuổi 75 của ông. 

Edison xúc động cảm ơn người thân, bạn bè và đồng nghiệp đã nhớ ngày sinh nhật mình vì chính ông cũng không nhớ. Một người cụng ly với Edison và nói: “Ngài Edison, ngài tuổi đã cao nhưng vẫn cống hiến gần như toàn bộ thời gian của mình cho khoa học. Xin hỏi bao giờ ngài mới định cho mình nghỉ ngơi?”.

Nhà bác học Edison mỉm cười trả lời: “Tôi chưa nghĩ đến vì có quá nhiều việc phải làm nên chưa có thời gian để nghĩ đến việc nghỉ ngơi”. Một người nghe vậy liền thắc mắc: “Một người trung bình chỉ làm việc 8h một ngày, còn ngài làm việc tới 16h mỗi ngày, như vậy nếu quy ra số ngày công lao động hay số ngày sống thì đã gấp đôi số ngày sống của ngài rồi. Tinh thần làm việc của ngài thật đáng khâm phục”.

Edison cười lớn: “Ồ, như vậy thì các anh phải chúc mừng ngày sinh nhật lần thứ 150 của tôi rồi”.

Mọi người trong bữa tiệc đều cười vui vẻ, họ bảo nhau: “Đúng là nhà bác học, ông hơn hẳn chúng ta một cái đầu. Đúng là cách tính cuộc sống dài hay ngắn không phụ thuộc vào số ngày chúng ta sống trên đời mà là tính trên giá trị của sự cống hiến của chúng ta cho cuộc sống. Cuộc sống sẽ là vô ích nếu chúng ta sống mà không lao động, nếu không có cống hiến thì dù có sống tới trăm tuổi cũng chỉ vô ích mà thôi. Thước đo của cuộc đời chính là sự cống hiến”.