“Thước đo” của chất lượng

ANTĐ - Mở đầu phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 4, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh rằng những vấn đề được các đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ hầu như không mới, nhưng các bộ trưởng phải đưa ra những lời giải mới. Trong những câu chất vấn cũng có một số vấn đề mới nổi như hàng tồn kho, nợ xấu, quản lý thị trường vàng hoặc thủy điện Sông Tranh 2… Song, chung quy đều liên quan tới việc quản lý, điều hành và trách nhiệm của các vị “tư lệnh” được Quốc hội, Chính phủ giao phó trọng trách.

Nhìn lại khái quát nội dung trả lời chất vấn của 4 thành viên Chính phủ, có thể nhận thấy chưa đưa ra được những giải pháp mới cho từng lĩnh vực, từng vấn đề cụ thể. Chẳng hạn trước câu hỏi bức xúc về tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường, trong khi việc quản lý bị buông lỏng đến mức tạo tâm lý cho doanh nghiệp “làm thật ăn cháo, làm láo ăn cơm”, Bộ trưởng Công Thương chỉ đưa ra giải pháp ngăn chặn quá chung chung. Khi đại biểu đặt câu hỏi: Bằng giờ này sang năm, liệu có chặn đứng được hàng giả, hàng kém chất lượng về xăng dầu, thuốc trừ sâu hay không, ông Bộ trưởng trả lời rằng, bằng sự nỗ lực của Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan, tin chắc là phải chấm dứt sớm nhất tình trạng này. Trả lời câu hỏi về việc xăng dầu tạm nhập nhưng cố tình không tái xuất gây bao nhiêu thiệt hại cho nhà nước, Bộ trưởng Công Thương cũng chưa nắm được thông tin giá trị thiệt hại là bao nhiêu. 

Lần đầu tiên đăng đàn, Bộ trưởng Xây dựng cũng thẳng thắn thừa nhận công tác quản lý đầu tư xây dựng, lãng phí thất thoát có từ lâu và là “bệnh” khó khắc phục triệt để. Ví như có những tuyến đường chỉ kiểm tra giải quyết được từng điểm, nên có những đoạn đường bị sình lầy mà không phát hiện ra, dẫn đến ảnh hưởng tới chất lượng công trình, gây thất thoát, lãng phí mà tiền không vào túi ai cả. Bình luận về những giải pháp giải phóng tồn kho trong bất động sản mà ông Bộ trưởng đưa ra như đề nghị ngân hàng cho vay đối với những người mua nhà lần đầu hoặc Quốc hội miễn giảm thuế giá trị gia tăng, một số đại biểu cho rằng, các giải pháp đưa ra đều không khả thi, nhất là khi Bộ trưởng không nắm được lượng tồn kho trong bất động sản hiện nay cụ thể là bao nhiêu. Mặc dù ông khẳng định rằng, có thể tháo gỡ khó khăn nhưng không thể tháo gỡ tuyệt đối cho thị trường bất động sản mà phải từng bước. Chắc chắn thị trường này sẽ “ấm” lên cùng với sự phục hồi của nền kinh tế. 

Có lẽ tâm điểm “nóng” nhất được quan tâm nhất không chỉ với các đại biểu mà cả cử tri cũng như người dân là phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về quản lý thị trường vàng và nợ xấu. Tuy nhiên những giải trình của Thống đốc không làm thỏa mãn các đại biểu, nhất là khi ông trả lời dứt khoát “không có chuyện giá vàng trong nước liên thông với thế giới”. Chưa có người đứng đầu ngành nào lại nói rằng không cần bình ổn thị trường mà mình được giao trách nhiệm quản lý. Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước công cụ để can thiệp, bình ổn thị trường vàng, không thể coi vàng là mặt hàng bình thường không phải bình ổn. Chuyện nợ xấu cũng được đại biểu đặt câu hỏi rất cụ thể, song Thống đốc không đi thẳng vào vấn đề và cũng không đề ra được giải pháp căn cơ.

Chất vấn và trả lời chất vấn đã trở thành một đòi hỏi tất yếu thể hiện chức năng giám sát của Quốc hội. Chất lượng chất vấn ngày càng được nâng cao, song điều mà cử tri mong đợi là chất vấn không chỉ rõ vấn đề, mà chất vấn còn rõ trách nhiệm và quan trọng hơn là chỉ ra lời giải mới, biện pháp mới khắc phục hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành. Đây mới là “thước đo” của chất lượng chất vấn.