Thuốc chữa đột quỵ từ nước bọt loài dơi

ANTĐ - Nước bọt từ loại dơi quỳ đang được thử nghiệm giúp điều trị các nạn nhân đột quỵ tại các bệnh viện Vương quốc Anh. Nghiên cứu cho thấy, loại thuốc nguồn gốc từ nước bọt này có thể gây loãng máu và phá vỡ cục máu đông trong não.

Hiện nay, hầu hết bệnh nhân bị đột quỵ cần phải tiêm để phá vỡ máu đông trong vòng 4 tiếng thì thuốc mới hiệu quả. Tuy nhiên, nếu sử dụng loại thuốc có nguồn gốc từ protein trong nước bọt của dơi có thể tạo ra tác dụng tương tự lên đến 9 tiếng. Điều này có nghĩa là loại thuốc gọi là Desmoteplase có thể được sử dụng cho những bệnh nhân bị đột quỵ trong khi ngủ và tiêm sau khi tỉnh dậy và phát hiện ra.

Loài dơi hút máu được lựa chọn bởi vì các nhà khoa học thấy trong nước bọt của chúng có chất giữ cho máu của con mồi đủ loảng để uống. Cuộc thử nghiệm diễn ra tại 40 bệnh viện trên khắp nước Anh, với 400 bệnh nhân nhận được loại thuốc mới. Các bác sĩ cho biết nếu thử nghiệm thành công, phương pháp điều trị có thể phổ biến rộng rãi trong vòng  3 năm.

Hơn 80% các cơn đột quỵ xảy ra khi việc máu ngừng lưu thông vì một cục máu đông trong não. Loại đột quỵ dạng thiếu máu cục bộ này có thể cấp cứu bằng tiêm thuốc tan cục máu đông. Tuy nhiên, dạng ít xảy ra hơn là đột quỵ xuất huyết, khi một mạch máu cung cấp cho não bị suy yếu và vỡ ra thì phẫu thuật khẩn cấp là cần thiết.