Thuốc chữa bệnh giả: Kiện ai?

ANTĐ - Kỹ thuật công nghệ phát triển là bàn đạp thuận tiện cho các trùm sản xuất thuốc giả. Hiện ở Việt Nam rất ít thuốc giả được làm trong nước mà chủ yếu từ nước ngoài vào qua các nước có đường biên giới chung với Việt Nam như Lào, Campuchia, Trung Quốc. Năm nay, tỷ lệ thuốc giả phát hiện được có tăng, chủ yếu là thuốc đắt tiền và do công nghệ in ấn, dập viên hiện đại, ngay giới chuyên môn cũng khó phân biệt đâu là thuốc thật, đâu là thuốc giả. 

Trời vừa nhập nhoạng, ông Tự đã áo quần chỉnh tề. Đôi gò má ông thỉnh thoảng lại giật giật, ông thở hổn hển như có gì đó đang nung nấu trong đáy cái bụng phệ kia. Ông Tự ló cái đầu lấm tấm hoa râm ra khỏi cửa, đôi mắt liếc ngang liếc dọc như sắp làm gì mờ ám. Rồi khi đường không một bóng người, ông vội vàng bước một mạch tới hiệu thuốc nhỏ cuối ngõ.

Thì thào với cô hàng thuốc Tây một lát, ông đút tay vào túi, xòe ra ba tờ 200.000đ mới cóng. Ông rụt tay lại, lưỡng lự nhìn ba tờ giấy bạc một giây rồi thẳng tay đặt lên trên quầy thuốc. Một tháng nhịn ăn sáng ông cũng chịu, vì cái mà ông sắp nhận được từ tay cô nàng sẽ làm cho ông sung sướng nhiều lắm lắm… Cầm hộp thuốc nhỏ bỏ vào túi, ông vừa đi vừa huýt sáo và mắt mơ màng nghĩ tới vẻ mặt của bà góa cuối thị trấn, “tối nay, anh sẽ cho nàng biết mặt nhé…”. Quen nhau nửa năm tập thể dục sáng, mãi đến giờ bà mới mời ông… “ăn cái món ấy…”.  Dùng liền lúc hai viên thuốc, ông và bà nhân tình đánh vật với nhau mấy tiếng đồng hồ, cái của ông nó vẫn như con giun chết. Bà góa thất vọng lớn lấy cớ con cái sắp về đuổi ông ra khỏi nhà. Hóa ra ông Tự đã dùng loại thuốc cường dương Viagra dởm nên ra nông nỗi này. Ông Tự vừa đau vừa tiếc của đành than thân: “Chả lẽ tôi đem con giun chết nhà tôi đi kiện, tôi sợ cái khoản đó lắm rồi”. 

Tôi kể chuyện này, không ít các ông lại giật mình thon thót về cái thứ thuốc mình vẫn dùng hàng đêm để phục vụ các bà kia có phải là thuốc thật? Hay lại là thuốc giả. Các ông cứ yên tâm rằng, trên con đường đi tìm sự sung sướng, các ông không hề đơn độc đâu vì hơn 150 triệu đàn ông trên thế giới cũng vướng vào cảnh như các ông. Và theo thống kê thì 30% lượng thuốc trên thế giới là thuốc giả, còn nữa, ở các nước đang phát triển như chúng ta cũng đang chứa tới 50% lượng thuốc giả. Vậy mà thuốc vẫn bán chạy và “ai sướng vẫn sướng”! 

Riêng các loại thuốc nhạy cảm như cường dương xuất hiện nhan nhản khắp nơi. Vì ham lợi móc từ túi người thích “sung sướng” mà bất lực... nên viên Viagra, thuốc ức chế PDE-5 gây giãn mạch, giúp cho nam giới đạt được sự cương cứng đã bị sản xuất nhái ở khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên Viagra cho đến nay vẫn chưa được Bộ Y tế nước ta cho phép nhập khẩu lưu hành. Thuốc bán trên thị trường Việt Nam chỉ là nhập lậu và việc sử dụng, mua bán là bất hợp pháp. Điều đó cho thấy Viagra ở nước ta có rất nhiều khả năng là thuốc giả, có thể dẫn đến những nguy hiểm khó lường cho người sử dụng. Trong tháng 12-2011, 400 hộp Viagra giả cũng đã bị Công an Hà Nội bắt giữ.

Thuốc giả là thuốc độc 

Từ năm 2008, tại hội thảo “Một số vấn đề thuốc giả” do Sở Y tế TP.HCM tổ chức, Cảnh sát quốc tế (Interpol) đã đưa ra nhận định: Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á về các mẫu dược phẩm giả được giám định (406 mẫu), tỷ lệ dược phẩm giả ở Việt Nam đang rất phức tạp. Những tháng gần đây, Bộ Y tế liên tục phát lệnh đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy hàng loạt thuốc rởm, thuốc không có chất lượng. Theo Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, trong số hơn 31.000 mẫu thuốc được kiểm tra gần đây thì đã có hơn 1.000 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng như nhiễm khuẩn, không đủ độ hòa tan, không đủ định lượng. Vậy thuốc giả là gì?

Trước hết, thuốc là chất hoặc hỗn hợp các chất dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể bao gồm thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, vaccine, sinh phẩm y tế, trừ thực phẩm chức năng. Ngược lại với thuốc thật là thuốc giả, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã định nghĩa: "Thuốc giả là thuốc được gắn nhãn hiệu sai một cách gian dối và có chủ đích về đặc tính hoặc nguồn gốc. Việc làm giả có thể áp dụng cho cả sản phẩm thương mại và sản phẩm gốc, các sản phẩm giả có thể bao gồm sản phẩm với đúng, hoặc sai hoạt chất, không có hoạt chất, không đủ hoạt chất hoặc với bao bì giả"…

Thuốc giả có thể chia thành 6 nội dung có liên quan đến hình thức giả mạo và mức độ giả mạo của chúng như: sản phẩm không có hoạt chất, sản phẩm có lượng hoạt chất không đúng, sản phẩm có hoạt chất sai, sản phẩm có lượng hoạt chất đúng nhưng có bao bì giả, nhái lại sản phẩm nguyên bản, sản phẩm có nồng độ hoạt chất không tinh khiết và có chất nhiễm bẩn cao. Vì thế nên thuốc giả có nguy cơ ảnh hưởng tới cơ thể người, thậm chí ảnh hướng tới tính mạng

Chị Lê Thị Ph (trú tại quận 3 TP.HCM) là một trường hợp cụ thể. Chị mua phải thuốc tránh thai khẩn cấp Postinor nhái nhưng không hề hay biết nên đã mang thai. Đã có hai con, chị Ph. lại làm công chức Nhà nước giờ vỡ kế hoạch sợ bị kỷ luật nên đã đi đến quyết định bỏ đi giọt máu của mình. Hoặc một trường hợp khác, ông Trần Đào (54 tuổi ở đường Ngô Bệ, quận Tân Bình, TP.HCM) bị đau mắt lại nghe quảng cáo có loại thuốc nhỏ mắt Naphoroton rất hiệu nghiệm, vội chạy ra nhà thuốc gần nhà mua loại thuốc trên về nhỏ, nhưng không ngờ càng nhỏ thuốc hai mắt ông lại càng đỏ và sưng tấy lên. Ông vội đến Bệnh viện Mắt TP.HCM thăm khám kèm theo chai thuốc mình đã mua trước đó. Tại bệnh viện, ông mới ngã ngửa khi bác sĩ cho biết, đôi mắt ông đã bị viêm nặng do sử dụng một loại Naphoroton bị làm giả. Còn ở Hà Nội, sau khi dùng thuốc giảm béo không rõ nguồn gốc của ông lang T, ông Lê Thanh Quang, 55 tuổi (trú tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị suy thận cấp, suy gan, trụy tim mạch và tử vong.

Thuốc giả giống túi Louis Vuiton mới ra lò

Kỹ thuật công nghệ phát triển là bàn đạp thuận tiện cho các trùm sản xuất thuốc giả. Hiện ở Việt Nam rất ít thuốc giả được làm trong nước mà chủ yếu từ nước ngoài vào qua các nước có đường biên giới chung với Việt Nam như Lào, Campuchia, Trung Quốc. Năm nay, tỷ lệ thuốc giả phát hiện được có tăng, chủ yếu là thuốc đắt tiền và do công nghệ in ấn, dập viên hiện đại, ngay giới chuyên môn cũng khó phân biệt đâu là thuốc thật, đâu là thuốc giả. 

Thuốc giả ở Việt Nam đa phần là nhập lậu từ Trung Quốc. Một tay trùm đầu nậu sản xuất thuốc giả tại Trung Quốc giấu tên cho biết: “Ồ, thuốc làm giả hả, cũng giống như mấy cái túi Louis Vuiton mới ra lò đó mà, tụi tui đâu có thiếu thốn gì vụ công nghệ, chỉ cần đưa ra mẫu là tui làm láng hết à!”. Quả thật không sai, chỉ khoảng 3-4 chục triệu là đã có thể mua được một chiếc máy ép vỉ hoặc máy dập viên tại các vùng biên giới. Với “công nghệ cao”, các đầu nậu sản xuất thuốc giả có thể chế tạo thuốc từ các nguyên liệu “thàm thàm” như… bột ngô, bột sắn, tinh bột gạo… đến những nguyên liệu “cấp cao” như… bụi gạch, bột mực in, bột đá nhẹ, sơn, gan heo… Một công thức chế biến thuốc giả thông thường là: bột khoai tây + thức ăn gia súc + chất kích thích + phẩm màu. Ngoài cách làm thuốc giả hoàn toàn từ những nguyên liệu trên, các cơ sở sản xuất thuốc giả còn sử dụng các chiêu thức khác để kiếm lời như: vỏ ngoại, ruột nội; mua thuốc thật pha trộn với các nguyên liệu phụ với tỉ lệ 1/3 thậm chí 1/6. Nên giá thành của các loại thuốc giả chỉ bằng 1/3 thuốc thật.

Cơ sở chế tạo thuốc của Huỳnh Ngọc Quang (TP.HCM), trùm đường dây làm thuốc giả lớn nhất Việt Nam là một ví dụ. Chỉ với vài dụng cụ thô sơ từ nhà bếp, nhóm của Quang đã sản xuất hàng loạt loại thuốc chữa bệnh giả, nhái như: thuốc tim mạch, huyết áp, thuốc bổ, kháng sinh của những hãng dược phẩm lớn của nước ngoài như Novartis, Roche (Thụy Sĩ), Gedeon Richter (Hungary), Janssen Cilag (Mỹ), Solvay (Hà Lan)…  Hoặc trong đợt truy quét vừa qua, Công an Hà Nội đã phát hiện nguyên liệu chính làm nên thuốc Phong tê thấp Bà Giằng được phát hiện trong 5 cửa hàng tại Hà Nội là hạt Mã Tiền. Đây vốn dĩ là loại hạt vốn có tính độc, có thể làm cho bệnh nặng thêm và có thể dẫn đến tử vong do tác dụng phụ của hoạt chất giả.

Đã từ lâu, tại các phiên chợ vùng cao xuất hiện tràn lan các loại thuốc không rõ nguồn gốc với giá rất rẻ. Ở các chợ phiên như Ma Lẽ, Sà Phìn (Hà Giang)… trong các mẹt của các bà các chị thuốc gì cũng có từ nhóm thuốc uống, xoa bóp ngoài da, đến nước huyết thanh, thuốc tiêm, và cả thuốc diệt chuột! Các loại thuốc này không hề có chút thông tin chỉ dẫn bằng tiếng Việt nào, người bán, người mua không biết tiếng Trung Quốc, chỉ nhận dạng thuốc qua hình dáng, màu sắc... Và cũng đừng ngỡ ngàng khi chỉ mất 10.000 đến 20.000 đồng có thể mua được các loại thuốc cảm sốt, đau đầu, đau bụng…  còn có cả thuốc kích dục tại các phiên chợ vùng cao mà không cần mất tới 600.000 nghìn đồng để mua Viagra như dưới xuôi. Thậm chí “Một nghìn đồng mua được 3 gói thuốc đau đầu đấy”.

Chi phí dành cho thuốc chữa bệnh chiếm tới 60% tổng chi phí chữa bệnh. Tổng doanh thu thuốc chữa bệnh trên toàn thế giới lên đến hàng nghìn tỷ USD mỗi năm, tổng doanh thu thuốc chữa bệnh ở Việt Nam cũng lên đến hàng chục nghìn tỷ, riêng doanh thu thuốc chữa bệnh giả cũng tới hàng trăm tỷ mỗi năm. 

Có thể nói với sự phổ biến hiện nay rất khó kiểm soát việc sản xuất thuốc giả, vì vậy việc cần thiết là quản lý chặt chẽ việc buôn bán thuốc. Cần khẩn cấp triển khai hệ thống cửa hàng thuốc chữa bệnh đủ tiêu chuẩn, có đăng ký. Cấm tuyệt đối việc bán thuốc chữa bệnh ở các cơ sở không đảm bảo, bán thuốc ở chợ, bán thuốc nam dược, đông dược không rõ nguồn gốc, bán thuốc không có đơn hoặc chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài các chế tài cho hành vi sản xuất thuốc giả, cần nghiêm khắc hơn với các hiệu thuốc vì vô tình hay cố ý bán thuốc giả. Ngoài việc truy tố trước pháp luật, cần thu hồi giấy phép kinh doanh cửa hàng, phối hợp với các trường thu hồi bằng dược sĩ của những người bán thuốc giả, đứng tên đăng ký kinh doanh cửa hàng bán thuốc giả. Chỉ có vậy chúng ta mới giảm bớt được tác hại nghiêm trọng do tội phạm sản xuất lưu hành thuốc chữa bệnh giả.