Thuở ấy người ta yêu nhau lắm

ANTĐ - Chuyện này xảy ra cách đây có dễ đến gần sáu chục năm. Cái thuở mà bốn phía làng Chiện yêu quý của tôi còn ngan ngát những bụi tre gù lưng, chiều về mẹ con nhà cò đập cánh chao chát trên những ngọn tre. Vài con diều phất giấy bé bỏng chao đảo trong dáng chiều đỏ hồng nồng nàn như má gái dậy thì. Dân làng tôi dạo đó chia làm hai mảng. 

Một là dân nông nghiệp ở các xóm trong đê, cuối những chân dốc. Còn ngoài đê là dân không làm nông nghiệp. Gia đình tôi ở xóm ngoài đê. Cái xóm mà không biết nguyên cớ gì lại có tên là xóm Ô tô. Mãi sau này khi tôi vào tuổi choai choai mới hay gốc tích của tên gọi này. Xóm nhà tôi toàn là dân phi nông nghiệp. Nhà thì chở đò ngang, nhà thì đánh cá. Dân đánh cá ăn cá bao giờ cũng hoang. Nhà duy nhất mổ lợn, đánh tiết canh là nhà ông Cổn. Sáng sáng chị Nhãn con gái lớn nhà Cổn cứ đội cái mâm đồng vàng trên đặt vài đĩa tiết canh lên mái đầu óng mượt, đen nhưng nhức vì năng gội bồ kết. Hai tay vắt ve, chả cần giữ mâm mà chưa khi nào tôi thấy chị đánh đổ. Chị Nhãn cứ tha thướt, õng ẹo với mâm chòng chành cùng lời rao véo von “ai tiết canh đơi” đi từ dốc Đá đến dốc Cầu Binh là gần chục bát, đĩa tiết đã trơ đáy. Tiết canh nhà ông Cổn ngon có tiếng cả vùng Chiện, Vệ. Nó ráo bát. Ông Cổn bụng phệ đứng gãi rốn sồn sột ở bờ rào quả quyết tiết canh nhà ông có thể lột ra xâu lạt treo đầu đòn gánh mang biếu bố vợ. Có thể một phần vì cái dáng đội tiết canh yểu điệu, cái giọng véo đó nên chị Nhãn khi tham gia đội cải lương của làng tôi toàn được đóng vai chính. Khi là Mỵ Nương, khi là Kiều Nguyệt Nga. Để được vào đội cải lương thì mặt mũi chí ít phải dễ coi, phải có giọng. Ấy thế mà anh chàng Lũi con nhà trưởng Lầm da thất bì, tiếng ồm ồm chả biết hát hỏng gì không hiểu sao cũng có chân trong đội cải lương xã. Hình như anh Lũi vào chỉ làm chân vác tre bắc rạp. Mãi đến khi đội cải lương tập vở Lục Vân Tiên, Lũi ta được vào vai Phong Lai. Vai này chỉ cần lấy nhọ nồi bôi đen mặt, không phải hát nửa câu chỉ hò hét là chính. Có lần vụng tay đánh vỡ cái niêu đất khi bôi mặt, bà trưởng Lầm không cho Lũi lấy nhọ nồi nữa, anh chàng đành ra ao móc bùn lên trát vào mặt. Chắc chỗ bùn ấy không sạch lắm nên xong vở rửa mặt không sạch, mặt rộp lên đỏ hắt như bánh đa trông anh chàng càng xấu giai tợn. 

Sau này khi có tem phiếu nhà chị Nhãn không được mổ lợn. Làm tôi sáng sáng cứ nhớ cái dáng vắt ve đội mâm tiết canh của chị. Hơn một năm nhà thôi mổ lợn, chị Nhãn đi theo một anh chân sào đâu ở tận Thanh Hoá. Anh Hoa chuyên đóng vai Lục Vân Tiên, Lý Công, rồi cả anh Lũi Phong Lai cũng lần lượt đi bộ đội. Đội cải lương làng tôi tan từ độ ấy, vì xem ra trai gái làng lớp sau này chẳng ai đóng được Kiều Nguyệt Nga, Lục Vân Tiên, Phong Lai nữa... Nhiều nhà lại theo tổ công đoàn đội cát sỏi từ thuyền đại chở từ đầu nguồn sông xuống, hay lên kho gỗ trên cầu sông Nhuệ vận chuyển gỗ, củi… Nhà nào cũng làm ăn vất vả nhưng chẳng thấy có nhà nào khá giả. Cứ ráo mồ hôi thì tiền cạn. Cả xóm rặt nhà mái gianh đen xì. Nước quẩy từ sông Cái lên toàn đổ vào chum, vại chờ lắng phù sa mới có nước thổi cơm, nấu canh. Giữa sự nghèo của xóm Ô tô chỉ nổi lên hai nhà gọi là có của ăn của để. Nhà gạch lợp ngói, có bể hơn nghìn gánh để tích nước mưa, hay nước sông Cái gánh lên đánh phèn ăn dần. Ông chủ hai nhà ấy đều có tên ghép đầu là Tài. Đó là nhà ông Tài Phởn và nhà ông Tài Chí. Sau này khi tôi biết một chút mới hay.

Ông Phởn, ông Chí cùng làm nghề lái ô tô nên làng xóm gọi thêm chữ “Tài” đầu tên. Nghe mẹ tôi nói cả hai ông sau thời đi lái thuê thì dành dụm tiền mua được xe tư chở khách. Hồi hai ông còn sống, cả hai đều có ý ganh nhau, nên thi thoảng đánh  ô tô về để đầu dốc cầu Binh mặc dù người xóm Ô tô và cả làng Chèm đều chả có ai có tiền để đi ô tô. Vì thế tên xóm tôi mới là xóm Ô tô cũng nên. Nhà hai ông này có nhiều cái giống nhau. Ngoài sự giàu thì nhà cả hai ông đều có mỗi nhà ba, bốn cô con gái và duy nhất có một cậu con giai. Con trai nhà Tài Phởn hơn tôi hai, ba tuổi. Mặt phị, da trắng bủng, cậy nhà mình giàu nên khinh người ra mặt. Thấy đám trẻ chúng tôi vật nhau cát bụi bay mù thì nhổ nước dãi phì phì. Con trai nhà Tài Chí kém tôi 5 tuổi. Tên là Mân có quả bóng nhựa màu đỏ nhưng không biết đá. Chiều nào tôi cũng vặt vài ba quả ổi, hay vào vườn nhà bà Cả Đoạt vặt trộm chùm nhãn đổi cho thằng Mân lấy bóng ra đá ở bãi cát sỏi. Dạo đó tôi đã ham đọc sách. Một lần tôi vớ được cuốn sách xem chỉ tay đoán vận người. Cũng là tình cờ có lần tôi đưa nhãn cho thằng Mân, tôi nhìn tay nó bảo “hình như bố máy hai vợ thì phải”. Thằng Mân lăn đùng ra, hai chân dẫy đành đạch, khóc ầm ĩ lên, mồm bù lu bù loa bảo tôi nói bậy. Lũ đá bóng tức điên người lên vì thằng Mân hôm ấy dỗ thế nào nó cũng không cho mượn bóng. Mất trận bóng đá chiều ấy cũng tiếc nhưng tôi sợ nhất là câu nói lăng nhăng của tôi đến tai bố tôi. Bố tôi vốn dữ đòn. Nhưng thật không ngờ, chuyện tày trời đó cứ lặng lẽ chìm đi. Cho đến một hôm thằng Mân bảo tôi: chị Lam tao bảo mai mày đến chị tao nhờ một việc.

Chị Lam là chị thứ hai của thằng Mân. So với ba người chị khác thì chị Lam xinh và khéo hơn hẳn. Má chị cứ động nói hay cười là y như rằng hiện ra một cái lỗ nhỏ tròn như đồng hào ván. Chẳng thế mà hồi chị Nhãn đóng vai Kiều Nguyệt Nga thì chị Lam lúc nào cũng giữ vai Kim Liên. Chả cứ thanh niên làng mà ngay cả lũ trẻ choai choai nhìn cái lúm đồng tiền ấy cứ như bị say nắng. Lớn lớn một chút, tôi mới biết người mê chị Lam nhất lại là chàng Lũi xấu trai, vụng nói. Hình như anh chàng cũng biết thân phận mình nên cố xin vào bằng được đội cải lương để gần chị Lam và thỉnh thoảng dúi cho chị Lam bắp ngô, hay củ khoai nướng. Phần nhiều chị Lam không nhận khiến anh chàng ủ ê mấy buổi. Còn hôm nào chị Lam cầm thì thôi khỏi nói. Cái giọng ồm ồm của anh chàng tự nhiên nói liên miên đủ thứ chuyện. Nhưng rồi thanh niên làng tôi độ ấy cứ lần lượt vắng dần vì trúng tuyển bộ đội. Tối tối, chó nhà Tài Chí cắn thưa dần vì ngõ cũng vắng dần thanh niên đảo đến. Tôi cũng là đứa nằm trong diện mê say, ao ước chị Lam nhưng cái loại ranh con như tôi thì làm sao mà lọt vào mắt chị Lam Kim Liên được. Vậy mà bây giờ chị lại bảo thằng Mân cho gọi tôi. Tôi run hết cả người vì mừng và cũng rùng mình vì không biết chị gọi tôi có chuyện gì. Hay là vì chuyện tôi nói ông Tài Chí có hai vợ. Cố nén nỗi lo sợ, cuối cùng tôi nín thở theo thằng Mân đến. Vừa nhìn thấy tôi, chị Lam đang một mình chơi ô ăn quan bèn xoá ô đi, đưa cho thằng Mân hai hào rưỡi bảo nó ra tìm ông kem Nam Hoa mua mấy cái kem với miếng tiết bò. Thằng Mân cầm tiền đi rồi. Chị lấy chiếc ghế đẩu đưa cho tôi bảo tôi ngồi gần chị, rồi chị chìa bàn tay ra. Cho đến bây giờ tôi còn nhớ cảm giác lạnh người khi nhìn thấy bàn tay của chị Lam. Mặc dù vừa rải những viên sỏi trên đất mà tay chị vẫn lồ lộ một màu hồng nhạt nơi gan bàn tay và những ngón tay thon dài, có móng khum khum vuốt nhọn.

- Cậu xem cho chị xem anh ấy đi rồi có về không?

Tôi ngẩn người ra chả hiểu gì rụt rè hỏi chị.

- Anh nào ạ?

Chị Lam à to một tiếng, mặt hơi tươi lên. Đôi mắt đẹp và hiền như mắt bồ câu ấp trứng nhìn tôi:

-  À. Đúng là cậu chưa biết thật. Anh Quân ấy. Năm ngoài chị lên Lào Cai thăm bà dì. Có quen anh Quân. Người đâu mà chu đáo, giữ lời đến thế. Cũng chỉ hỏi vu vơ mấy câu để biết xóm mình, làng mình ở đâu thế mà… Đầu năm vừa rồi. Anh ấy nhập ngũ. Trước khi đi vào Nam, có tập tành gì đấy ở mạn trong Đăm. Thế mà hồi đầu tháng rồi, chả biết làm thế nào tìm bằng được nhà đến thăm chị. Bây giờ chắc vào Nam rồi. 

- Thế ạ. Nhưng mà…

Tôi nói cho có chuyện chứ có biết chuyện gì xảy ra giữa nhà anh Quân nào đó với chị Lam đâu.

- Đây cậu xem cho chị xem anh Quân có về không?

Tôi giẫy nảy lên, lắc đầu quầy quậy:

- Em có biết gì đâu ạ?

Chị Lam tủm tỉm, dúi bàn tay tuyệt đẹp vào tay tôi:

- Đừng có giấu chị. Thằng Mân nó về kể, chị mới biết tài của cậu đấy. Rõ học hành tử tế có khác. Cả làng này có ai biết bố chị hai vợ đâu, thế mà em lại tỏ tường thế. Đúng đấy bố chị còn một bà vợ nữa ở Hải Phòng. Nhìn chỉ tay mà biết được thì đúng là trời cho em ăn lộc thánh. Thôi xem cho chị đi. Anh Quân về không em?

Bàn tay nõn nà của chị Lam cứ đặt mãi lên bàn tay bẩn lem nhem của tôi. Sống lưng tôi hết lạnh lại nóng rực lên. Mấy lần tôi định đẩy bàn tay chị ra nhưng rồi không nỡ. Cuối cùng, tôi hít mạnh một hơi nói khẽ:

- Anh ấy sẽ về chị ạ .     

- Thế hả em. Đâu, đâu chỗ nào trên tay chị nói lên điều đó.

Mắt tôi hoa lên, đầu tôi miên man. Tôi nắm bàn tay mịn màng của chị Lam nhớ lại hình vẽ trên cuốn sách tôi nói như  nhập đồng:

- Đây, đây. Chỉ tay chỗ hòn Vu Sơn này này. Chị thấy không? Thấy không? 

Bây giờ nghĩ lại những lời lăng nhăng, liều lĩnh của mình mà tôi rùng mình. Nhưng dạo đó cái sợ rồi cũng chai đi. Rồi mọi chuyện cũng qua đi. Tôi ra thành phố, công việc sinh nhai chộn rộn khiến người ta quên đi nhiều chuyện một thuở. Mãi gần đây, khi tuổi già sầm sập đến. Tôi trở về quê nhân hội làng vào giữa tháng năm ta. Đang vẩn vơ trước bao thay đổi bỗng một tiếng gọi khá to cùng cái vỗ vai:

- Cậu. Chị cứ tưởng cậu quên làng rồi chứ.

- Chị Lam.

- Hoá ra vẫn nhớ chị. Về bao giờ, ở nhà mấy hôm? Chiều nay đến chị đi. Anh chị vẫn nhắc đến cậu luôn. Học hành tử tế có khác. Nói đâu là trúng đấy. Mấy chục năm nay anh Quân cứ nhắc đến chú suốt. 

- Thế anh Quân về rồi ạ .

- Cậu đoán tài thật đấy. Nhưng mà đúng là phải nhờ anh Lũi con cụ Trưởng đấy. Cậu còn nhớ anh Lũi chứ.

- Cái ông đóng Phong Lai mê chị như điếu đổ chứ gì .

Chị Lam đưa bàn tay có những ngón thon dài đập mạnh vào ngực tôi, giọng như trách mà miệng lại cười rõ tươi:

- Cậu rõ thật. Chuyện ngày xưa nhưng cũng là may. Anh Quân bị thương, bỏ mất một chân, cả một con mắt. Anh ấy nghĩ mình như thế mà về gặp chị thì… May sao cái ông Phong Lai cũng là thương binh nằm trong trại đó. Chắc hai ông trò chuyện với nhau nên ông Lũi mới biết anh Quân với chị. Động viên mãi anh ấy mới về đấy, bây giờ chị đã có hai đứa rồi.

Tôi đứng lặng người nhìn người con gái xinh đẹp một thời nay lại là người đàn bà hạnh phúc dưới cái nắng rằm tháng năm nồng nã của hội Chiện. Bất chợt tôi nghĩ. Đức Thành Hoàng làng tôi đã hàng nghìn năm không chỉ phù hộ cho căn làng Chèm bé nhỏ thân yêu của tôi mà Ngài còn phù hộ cho những con người làng hiền luôn yêu thương nhau một cách chân tình.