Thuê xe du lịch, lắm mối nguy nan

ANTĐ - Trong những ngày thăm thú phố cổ Hà Nội chúng tôi tình cờ làm quen với anh Lê Trung - người vẫn “sống khỏe” trong thời điểm kinh tế khó khăn nhờ nghề cho thuê xe. “Chỉ cần bỏ ra 5USD/ngày và đặt lại hộ chiếu, khách có thể mang xe đi đâu tùy ý”- anh Trung chia sẻ.

Thuê xe du lịch, lắm mối nguy nan  ảnh 1
Khá nhiều người nước ngoài có nhu cầu thuê xe đi du lịch tại Hà Nội

Ngồi mát ăn bát vàng?

Đến một số con phố như Tạ Hiện, Đào Duy Từ… dễ dàng bắt gặp những tấm bảng nhỏ trên đó có ghi “For rent: Bicycles, Motorbikes” được gắn trên những chiếc xe máy, xe đạp địa hình bám đầy bụi đường. Tại một điểm cho thuê xe trên phố Tạ Hiện chúng tôi gặp anh Brandon - một khách du lịch người Anh đang chọn xe cùng vài người bạn. Sau khi cân nhắc, anh Brandon quyết định chọn một chiếc Nouvo còn khá mới với giá 8USD/ngày. “Khi thuê xe, điều tôi quan tâm nhất là chất lượng xe. Tuy chiếc xe này có giá thuê cao hơn mức thông thường nhưng tôi vẫn chọn vì sự an toàn của bản thân. Tôi không hiểu nổi tại sao có những chiếc xe rất cũ, ốc đã long và phanh đã gần hỏng nhưng người ta vẫn cho thuê. Điều này vô cùng nguy hiểm”.

Trước nhu cầu của khách du lịch, một số gia đình ở phố cổ đã đầu tư vốn mua xe cho thuê. Theo tiết lộ của anh Trung, hầu hết xe cho thuê là xe cũ, được mua với giá rẻ. Sau khi mua về, chủ xe bỏ thêm ít tiền để tút tát, tân trang lại cho bắt mắt. Thủ tục thuê xe cũng đơn giản, khách thuê chỉ việc ký hợp đồng và đặt hộ chiếu của mình là có thể lấy xe đi bao lâu tùy thích. Giá thuê đối với xe máy dao động từ 5-10 USD/ngày, phụ thuộc vào chất lượng xe và thời gian thuê. Xe đạp địa hình có giá từ 5-15 USD/ngày. Khách thuê xe càng dài ngày thì giá thuê càng giảm. Tiền xăng và các loại chi phí phát sinh, bên thuê xe phải tự chi trả. 

Chị Elvira - một du khách người Mỹ kể lại, đây là lần thứ 2 chị đến Việt Nam. Lần trước, do muốn đến làng gốm Bát Tràng tham quan nên chị Elvira đã thuê một chiếc xe Wave để tiện việc đi lại. Tin tưởng vào chất lượng xe, sau khi đổ đầy bình xăng, chị Elvira lên đường. Nhưng khi vừa qua cầu Chương Dương được vài trăm mét, chiếc xe đột ngột chết máy. Sau khi dắt bộ gần 1 cây số trong cái nắng như đổ lửa, chị Elvira mới đến một cửa hàng sửa xe máy ven đường. Chờ đợi đến gần 1 giờ đồng hồ, chị Elvira lại phải móc hầu bao gần 200.000 đồng mới được nhận lại xe trong tình trạng máy đã nỗ sẵn. Chị than phiền: “Khi xe chạy đến Bát Tràng, tôi muốn dừng lại ở cửa hàng ven đường xem mấy món đồ gốm thì nhìn xuống không thấy chìa khóa xe đâu. Không biết làm cách nào để dừng xe, sau khi đã giảm ga hết cỡ tôi đành phải đâm vào đống cát ven đường. Xe đổ, người ngã nhưng cũng may chỉ bị xây xát nhẹ. Lần này sang Việt Nam, tôi không dám mạo hiểm nữa”.

Nguy cơ mất an toàn
Thuê xe du lịch, lắm mối nguy nan  ảnh 2
Dịch vụ cho thuê xe máy, xe đạp ngày càng nở rộ

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, chị Pamela, quốc tịch Úc cho biết: “Mấy ngày đầu đi taxi bị “chặt chém” nhiều nên tôi rất sợ. Do ở Úc tôi thường xuyên đi dã ngoại bằng xe máy nên cũng muốn thử ở Việt Nam. Song chỉ một ngày dạo phố bằng phương tiện này, tôi phải thay đổi quyết định. Đường đông, xe tranh nhau đi, trèo lên cả vỉa hè, tạt đầu ô tô, mấy lần làm tôi suýt ngã, lại còn tiếng còi xe chói tai nữa, nó gây cho tôi áp lực kinh khủng”.

Do giá thuê xe tại Việt Nam khá rẻ so với ngồi taxi nên nhiều người nước ngoài chọn phương tiện này để đi lại, nhất là giới “Tây balô”.

Cũng theo anh Lê Trung, có những khách nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam thuê xe máy hàng tháng, thậm chí cả năm. Xe cho thuê chủ yếu là Dream, Viva, Wave…, đi đường trường thì có Minsk, Simson. Để tiết kiệm diện tích, hầu hết xe cho thuê đều được để trên vỉa hè, bên ngoài các văn phòng bán vé máy bay hay tại các điểm bán tour du lịch. Việc cho thuê xe tuy khá nhàn hạ song đôi khi các chủ xe cũng gặp rắc vối đối với những khách thuê bị lạc đường hay vi phạm Luật Giao thông. Điều đáng nói là khi cho thuê xe, hầu hết chủ cho thuê chỉ cần biết khách có tiền thanh toán mà không quan tâm đến những việc khác như người thuê có bằng lái chưa. Chia sẻ về điều này, anh Trung nháy mắt: “Chẳng mấy khi người nước ngoài bị lực lượng chức năng dừng xe kiểm tra bằng lái hay xử phạt. Một phần do ngôn ngữ bất đồng, một phần do sợ mất thời gian nên chỉ cần du khách không vi phạm luật một cách lộ liễu là ổn”?!

Có một thực tế là không ít vị khách sau khi thuê xe không tuân thủ quy tắc an toàn như chở quá tải trọng cho phép, chạy xe trong tình trạng say xỉn nên điều khiển xe không vững hoặc chạy quá tốc độ, làm tăng nguy cơ xảy ra  tai nạn giao thông. Khi bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe, họ không những cố tình tỏ ra không hiểu mà còn sử dụng những ngôn ngữ mà “chỉ họ mới biết”. Thậm chí có trường hợp, khách ngoại quốc biết nói tiếng Việt nhưng khi bị xử lý lại dùng... tiếng mẹ đẻ, gây khó khăn và mất thời gian cho người thi hành công vụ.

Nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc, cơ quan chức năng cần kiểm tra và có biện pháp quản lý chặt chẽ các điểm cho thuê xe máy đối với người nước ngoài đồng thời yêu cầu các chủ xe chỉ được phép cho thuê khi người nước ngoài xuất trình đủ các giấy tờ chứng minh được họ có khả năng lái xe an toàn. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần sớm ban hành quy định cụ thể về chất lượng của các phương tiện cho thuê.